Đám đông không đại diện cho chân lý

Năm ngoái, sự kiện sách giáo khoa công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên (dù đã đưa vào giảng dạy hơn 40 năm) bỗng dưng bị “ném đá” dữ dội trên mạng. Người ta công kích bằng đủ hình thức…

Khó mà thống kê hết có bao nhiêu những post trên mạng với đủ mọi hình thức như thơ, ca, ảnh chế, hình troll, video mỉa mai… Có điều rất buồn cười là rất nhiều người chưa hề nghiên cứu sách giáo khoa này chỉ nghe kể hoặc bị cuốn theo “trend” trên mạng. Thậm chí có người còn nhầm chuyện này với chuyện cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền.

Cả tháng sau, khi có những ý kiến, bài báo phân tích khoa học và tiếng nói của những người trong cuộc trên truyền thông chính thống, sự việc mới được cộng đồng hiểu ra.


Tác giả Gustave Le Bon trong cuốn ''Tâm lý học đám đông'' vẫn được tái bản nhiều năm qua cho rằng, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự bầy đàn một cách cuồng nhiệt nhưng không kiên định, thất thường

Một bức ảnh chân thật về hình ảnh nhân văn của người cảnh sát giao thông trên báo bị một số “hot facebooker” vốn mang đầy định kiến bình luận rằng đó là ảnh dàn dựng, thế là hàng ngàn fan hâm mộ người này đổ xô vào bình luận và chia sẻ thông tin sai trái ấy. Để đến khi chính những người trong cuộc chứng minh sự thật, thì những người này lặng lẽ xóa post, xóa bình luận...

Một bộ áo dài cách tân, một kiểu trang phục sáng tạo của ông giáo sư đại học, một câu nói của nhà quản lý… ngày nay cũng trở thành miếng mồi cho cư dân mạng xâu xé. Chuyện tranh cãi và chấp nhận những ý kiến, quan điểm khác biệt là tốt, song, tính chất của những diễn đàn trên mạng là câu chuyện bầy đàn, câu chuyện gạch đá rất cực đoan. Rất nhiều thành viên cộng đồng giờ đây chưa kịp đọc và suy nghĩ đã có thể share (chia sẻ) những thông tin sai trái (trong đó có tin đồn) vì hiệu ứng đám đông. 

Không chỉ có những đối tượng dễ bị tổn thương mới trở thành nạn nhân của lối ứng xử bầy đàn trên mạng xã hội. Nhiều diễn viên, ca sĩ, doanh nhân, nhà khoa học, nhà báo, chiến sĩ cảnh sát… cũng đã trở thành con mồi cho cuộc chơi truyền thông thiếu trách nhiệm và đạo đức của một bộ phận facebooker. 


Từng thành viên mạng xã hội thông qua các thao tác nhỏ trên môi trường này cũng góp phần tạo nên ‘tâm lý đám đông” trong các vụ việc cụ thể

Với truyền thông xã hội, nghề báo được “xã hội hóa” theo nghĩa ai cũng có thể góp phần tạo ra và phổ biến tin tức. Nhưng truyền thông xã hội là nơi giải phóng cái tôi cá nhân, nên mặc nhiên, nhiều thành viên cộng đồng tự cho mình cái quyền viết, chụp, quay phim chia sẻ (và bình luận, phát ngôn như những luật sư, chánh án, “nhà đạo đức”…) tất cả những gì nghĩ, thấy mà không cần kiểm chứng điều đó đúng hay là sai, đặc biệt là những loại tin đồn. 

Những ví dụ về sự phỉ báng, lăng mạ, sự xâm phạm tư cách cá nhân hiện nay - qua cơ chế tin đồn - dễ dàng xuất hiện trên mạng xã hội, nhất là khi nhiều thành viên vẫn còn “đóng vai” với một cái tên ảo. 

Sự phỉ báng có thể đến từ một sơ suất (cẩu thả, thiếu thận trọng, a dua) nhưng đa phần nó đến từ định kiến, từ sự cố ý làm nhục người khác. Tất nhiên, cũng có trường hợp, sự a dua theo người khác là do năng lực thẩm định thông tin trên môi trường truyền thông xã hội vốn rất xô bồ, thật giả - tốt xấu lẫn lộn. 

Thao túng thông tin là chuyện có đã từ lâu trước khi báo chí hiện đại thiết lập các tiêu chuẩn định nghĩa tin như một thể loại dựa trên các quy tắc cụ thể về sự liêm chính. Nhưng thế kỷ 21 đã chứng kiến những làn sóng tin giả, bình luận xuyên tạc ở quy mô cực lớn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Khi người sử dụng mạng nhận thông tin sai nhưng “niềm tin” chủ quan thúc ép họ tiếp tục chia sẻ, nhân bản thông tin theo chiều kích biến dạng, méo mó do năng lực thu nhận, phân tích của mình, cái đám đông trong mạng thật sự nguy hiểm, kể cả khi việc làm của họ không xuất phát từ một động cơ vụ lợi nào.

Tâm lý đám đông là một hiện tượng có thật, đã được nghiên cứu từ khá lâu. Tâm lý ấy xuất phát từ việc con người cần có nhu cầu hòa nhập với cộng đồng, nhu cầu được là một phần của tập thể, nhu cầu giống mọi người và muốn mọi người giống mình. Trong một nhóm người, số đông sẽ tạo áp lực buộc số ít phải hành động theo số đông, hoặc là số ít sẽ bị khai trừ. Nhưng chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông.


Tính chất lan truyền của mạng xã hội cực nhanh và cực rộng về không gian và thời gian nên cường độ dư luận khởi đi từ tâm lý đám đông rất lớn

Trên môi trường mạng xã hội, nếu không có những chế định, quy phạm về cách hành xử, tâm lý đám đông sẽ nảy nở, dẫn đến nhiều tác hại khôn lường. Không thể đợi chờ từng cư dân mạng đạt đủ năng lực truyền thông (để tiếp nhận cũng như làm ra thông tin), bản thân cộng đồng cũng phải có “hương ước” nhằm loại khỏi môi trường phần tử xấu, thông tin xấu. Nhưng khả năng tự quản ấy khó có thể ngăn ngừa tốt các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử trên mạng. Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, giáo dục, các cơ quan chức năng nên hoàn thiện khung pháp lý để có điều chỉnh, ngăn ngừa tốt hơn, vai trò của nhà báo trong việc hình thành và dẫn dắt dư luận ngày nay càng trở nên hết sức quan trọng.

Phan Văn Tú