Câu chuyện truyền thông

Để cộng đồng cùng bảo vệ môi trường

Bên cạnh báo chí chính thống, hiện nay, những hình thức truyền thông xã hội cũng thu hút hàng chục triệu lượt người sử dụng ở Việt Nam hàng ngày tham gia tường thuật, bình luận, chia sẻ, trao đổi dưới các hình thức ảnh, văn bản, video, đồ họa

Ai cũng có thể đưa tin, bàn bạc đủ cấp độ, đủ nội dung, từ chuyện riêng tư của chính họ đến chuyện quốc gia đại sự, trong đó có những vấn đề về môi trường.


Cứ mỗi lần mưa lớn và triều cường, nhiều con đường ở thành phố bị ngập nặng, và những bức ảnh như thế này trên báo chí trở thành đề tài bàn luận, góp ý của người dân (Ảnh: Trương Thanh Tùng)

Môi trường gắn liền với “nồi cơm” của mọi người

Môi trường là lĩnh vực rộng và gắn chặt với đời sống, an sinh của người dân, cho nên, có thể nói, hiện nay, không ngày nào trên báo chí “chính thống” không có các nội dung thông tin liên quan đến chủ đề này. Đó có thể chưa phải là những đề tài trực tiếp đi vào các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ôzôn, suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm và suy thoái nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên, hay sa mạc hóa mà chỉ là các vấn đề trực tiếp chạm đến đời sống người dân như thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, chất kích thích thực động vật, xả rác, khai thác nước ngầm, chặt phá rừng bừa bãi, sử dụng điện và đất đai lãng phí, ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị, xả thải trái phép ra các dòng sông, buôn bán động vật hoang dã v.v… 

Có thể đó là câu chuyện chặt cây xanh ở trung tâm thủ đô, câu chuyện ngập lụt ở Chương Mỹ, chuyện thả thiên nga ở Hồ Gươm hay câu chuyện ngập nước khi mưa lớn ở TP. Hồ Chí Minh… 

Trong bối cảnh phát triển của đời sống truyền thông, những vấn đề về môi trường – đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân – đã được cộng đồng có cơ hội thảo luận, đóng góp tốt hơn…  Những ý kiến ấy cũng góp phần tạo ra dư luận xã hội với biên độ rộng, với cường độ cao, đồng thời, đến lượt mình, truyền thông cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức về vấn đề môi trường của một bộ phận lớn công chúng. 

Tất cả các nội dung thông tin sự kiện trên báo chí đều khơi mào cho công chúng truyền thông cùng tham gia đóng góp ý kiến, bình luận, thảo luận. Nhiều tác phẩm báo chí về đề tài môi trường vừa được xuất bản trên trang thông tin điện tử trong vòng một giờ đã đón nhận hàng trăm lời bình luận. Nhiều tác phẩm báo chí về các sự kiện môi trường sau khi đưa lên internet đã được công chúng chia sẻ liên kết trên các trang mạng xã hội với hàng ngàn lượt ý kiến trao đổi. Cũng có những ý kiến của độc giả trên mạng internet đã trở thành đề tài hoặc gợi ý đề tài cho các nhà báo.

Mạng xã hội nói riêng, internet nói chung đã góp phần đắc lực đưa tiếng nói của cộng đồng về những vấn đề môi trường ngày càng sâu sắc và trách nhiệm hơn; quy mô, mức độ, hình thức thông tin ngày càng đa dạng phong phú hơn. Tiếng nói cộng đồng giờ đây không chỉ là những lời bình luận, bày tỏ thái độ mà còn là những bức ảnh có giá trị thông tin, những video clip gây hiệu ứng xã hội cao. Tiếng nói cộng đồng giờ đây còn là những ý kiến tư vấn sâu sắc, những phong trào “tự phát” như: chiến dịch ăn chay vì môi trường, tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, không ăn thịt động vật hoang dã, cùng tắt điện nhân giờ trái đất v.v…

Một doanh nghiệp đưa thiên nga nước ngoài về thả ở Hồ Gươm bị người dân cả nước phản đối trên mạng, một cuộc khảo sát nhanh của báo VNExpress đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia

Phát huy tiếng nói có trách nhiệm

Trên mạng xã hội, khi có một sự kiện môi trường xảy ra, cộng đồng thường xuyên có các cuộc bàn luận sôi nổi. Tất nhiên, không phải cuộc bàn luận nào cũng sâu sắc, không phải ý kiến nào cũng đúng, thậm chí có khá nhiều những ý kiến cực đoan. Nhưng điều đáng nói là thông qua “tiếng nói cộng đồng” từ môi trường trực tuyến ấy, chúng ta nhận diện được một thế hệ công chúng truyền thông mới ở Việt Nam: tích cực và chủ động hơn, có trách nhiệm và kiên quyết hơn, dân chủ và tư duy phản biện rõ rệt hơn. Sự lên tiếng, tranh luận và phản biện của cộng đồng trên môi trường internet đa phần gắn với mối quan tâm chung của đời sống chung và thường ít bị chi phối bởi các nhóm quyền lực, nhóm lợi ích cụ thể nào nên có tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của số đông.

Tuy nhiên, có một thực tế là, tiếng nói của cộng đồng qua mạng xã hội phụ thuộc rất lớn vào báo chí “chính thống”. Những nội dung thông tin môi trường trên báo chí là “chất xúc tác” để hình thành các cuộc trao đổi, tranh luận, phong trào… thu hút số lượng lớn công chúng tham gia. Trong khi đó, tỷ lệ tin bài về chủ đề môi trường trên báo chí hiện nay cũng còn thấp. Mặt khác, các nội dung thông tin môi trường “vĩ mô” (như vấn đề biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học) cần có các kiến thức khoa học chuyên ngành, công chúng truyền thông trực tuyến không phải ai cũng có thể tham gia bàn luận được. 

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề môi trường thuộc dạng thông tin tế nhị và bí mật, không phải ai – kể cả nhà báo chuyên nghiệp – cũng dễ dàng tiếp cận. 

Để phát huy tiếng nói của cộng đồng trong truyền thông môi trường, nhằm nâng cao năng lực tự nhận thức, tự điều chỉnh trong cộng đồng, cần có vai trò dẫn dắt, kết nối, định hướng của các cơ quan báo chí. 

Các nhà quản lý trong việc quy hoạch mạng lưới báo chí cần chú trọng hơn việc hình thành các cơ quan truyền thông chuyên về môi trường, từng cơ quan báo chí nên xây dựng chiến lược truyền thông môi trường, cần tập huấn cho các nhà báo nhận thức sâu sắc về lĩnh vực môi trường và lồng ghép nội dung truyền thông môi trường trong các thông tin chuyên ngành khác.

Cần xây dựng nhiều thành viên diễn đàn, mạng xã hội có uy tín, có “thương hiệu” (như các KOLs) để những cá nhân này tác động tới cộng đồng bằng các hình thức truyền thông, xây dựng phong trào trên môi trường internet.

Phải có các quy định pháp luật cụ thể để mọi cá nhân trong cộng đồng có thể tham gia vào việc giám sát bảo vệ môi trường; có thể đóng góp ý kiến trước các chính sách, quyết định hành chính có liên quan đến lĩnh vực môi trường, các đánh giá tác động môi trường khi tiến hành một dự án nào đó v.v…
Phan Văn Tú