Ngày 11/3 vừa qua, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông đã phạt chủ trang facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami 20 triệu đồng vì đăng những thông tin sai sự thật về dịch tả heo châu Phi trên mạng xã hội.
Cũng trong thời gian này, câu chuyện Quái vật đầu chim Momo hay trò chơi Thách thức Momo - xuất phát từ những kẻ đùa ác trên mạng trở thành đề tài được báo chí truyền thông khai thác rất nhiều. Những thông tin này truyền lan rất nhanh, đặc biệt là thông tin sai trái về thịt heo nhiễm dịch tả châu Phi gây bệnh cho người được chia sẻ nhiều trên facebook.
Một kênh truyền hình nước ngoài cảnh báo các bậc cha mẹ về Trò chơi “Thách thức Momo”
Gieo rắc hoang mang
Cần nói ngay: Momo là tên một trò chơi quái đản trên mạng sử dụng hình ảnh một người phụ nữ đầu người mình gà, khuôn mặt gớm ghiếc, kinh dị với mái tóc dài đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi, miệng rộng bất thường để hướng dẫn người tham gia cách tự làm hại bản thân mà đỉnh điểm là tự sát.
Trò chơi và những chuyện ồn ào trên truyền thông của trò chơi Thách thức Momo xuất phát từ châu Âu khi người lớn phát hiện ra những clip hướng dẫn trẻ em tự sát, dọa nạt trẻ em bị ẩn trong các phim hoạt hình như: Fortnight, Peppa Pig... trên mạng Youtube, thậm chí cả trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids từ cuối tháng 8/2018.
Trò chơi Thách thức Momo cũng dựa theo một mô-típ thường thấy như nhiều trò chơi lâu nay trên môi trường mạng: Thử thách bao cao su (Condom Challenge), Thử thách viên nước giặt (Tide Pod Challenge), Thử thách tắm nước đá (Ice Challenge), Thử thách Cá voi xanh… Trò chơi Thách thức Momo dùng mô hình Momo vốn là một sản phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc Nhật Keisuke Aiso và lồng vào đó kiểu thử thách quái đản: tự làm đau bản thân!
Các trò thử thách trước kia cũng được cảnh báo vì hình thức thử thách nào cũng có thể gây ra thương tích, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng cho những người tham gia. Tuy nhiên trong thực tế, những trò chơi ấy ban đầu là trò đùa và không dễ gì thành trào lưu và gây ra nguy hiểm trực tiếp tới người chơi, nhất là trẻ em. Cũng cần nói thêm là thông tin về trò chơi này xuất phát từ báo chí nước ngoài, hầu như hầu nó chưa du nhập vào Việt Nam và cơ quan chức năng cũng đã can thiệp khá kịp thời.
Thế nhưng do đặc trưng truyền thông mạng, với sự hiếu kỳ của số đông, thông tin về “trào lưu” ấy lan tỏa rất nhanh. Và vì thế, nó cũng lan tỏa nỗi sợ tới những nhà giáo dục, tới các bậc cha mẹ.
Tương tự như thế, dịch tả heo châu Phi chỉ xuất hiện ở một số tỉnh thành phía Bắc và các cơ quan chuyên môn đã làm nhiều cách để khống chế, để chống lây lan, tiêu hủy heo bệnh. Nhưng tin đồn trên mạng về chuyện “heo bẩn” trên thị trường không khỏi làm người tiêu dùng hoang mang. Đặc biệt là thông tin sai trái: ăn thịt heo bị dịch tả châu Phi có thể bị lây bệnh.
Sau khi bị phạt hành chính, Chủ trang facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đã đăng thông tin có tính chất đính chính tin thất thiệt về dịch tả heo châu Phi trước đó và kêu gọi cộng đồng cùng chia sẻ có trách nhiệm
Khi truyền thông dọa dẫm và ác ý
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): “Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Vì dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó trường hợp phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người".
Câu chuyện kêu gọi tẩy chay thịt lớn trên mạng xã hội không phải vô tình: đó có thể là “chiêu bài” của những kẻ kinh doanh những ngành hàng liên quan, hoặc xuất phát từ ý đồ phá hoại sản xuất, gây tổn thất cho người chăn nuôi…
Trở lại câu chuyện trò chơi Thử thách Momo: Khai thác nỗi sợ hãi cũng là cách tiếp cận đề tài thu hút sự chú ý của số đông. Những câu chuyện về trò chơi Thử thách Momo nhanh chóng được các nhà báo khai thác kèm với những lời cảnh báo, mặc dù cho đến nay, chưa tờ báo nào trên thế giới đưa ra bằng chứng về một cái chết có mối liên hệ với trò chơi Thử thách Momo.
Tất nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, báo chí khi thông tin về trò chơi quái đản Thử thách Momo đã góp phần giúp cho các bậc phụ huynh quản lý chăm sóc con cái mình tốt hơn, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn khác về tâm lý cho trẻ.
Nhưng không phải bài báo nào cũng vì các mục đích tốt ấy. Có báo chỉ dựa trên những lời kể thiếu chứng cứ về các trường hợp ở Trung Quốc, ở Anh… xuất hiện trên một số trang mạng để đẩy sự việc đi quá xa, tạo nên sự hoảng loạn chứ không còn là nỗi lo, nỗi sợ.
Cũng cần nói thêm, khi sự cố Momo xảy ra, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã gửi văn bản yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube - phải gỡ bỏ các clip có nội dung độc hại liên quan. Sáng 1/3, Google thông báo rằng các link video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube mà phương tiện truyền thông Việt Nam phản ánh đều đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, thật đáng trách, đây đó vẫn còn những bài viết tiếp tục khai thác đề tài này với góc tiếp cận “câu khách”, giật gân!
Những thông tin tiêu cực hay mặt trái lúc nào cũng có. Và cứ mỗi khi xảy ra một sự kiện như thế, truyền thông thường chạy theo tâm lý số đông: Công chúng luôn có xu hướng tiếp nhận những tin tức xấu nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn.
Nhiều người nhân danh mục đích xây dựng, nhân danh đấu tranh để viết về cái xấu, nhưng cách thể hiện tác phẩm cho thấy rõ, họ biết khai thác tâm lý thích tiếp nhận thông tin tiêu cực của số đông. Những thông tin gây sợ hãi (như: dịch cúm, thiên tai, thực phẩm bẩn…) cũng rất cần trong đời sống khi mang ý nghĩa cảnh báo, cảnh giác nhưng nêu khai thác quá sâu sẽ biến thành nỗi hoang mang. Và tác động xấu của nó khó có thể lường trước được.
Phú Trang