Đòn bẩy kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VŨ TUYÊN - THIỆN TOÀN - HỮU TRÍ - TRÚC QUỲNH - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/4/2025, 13:27

(HTV) - Dự thảo giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% của Bộ Tài chính đang thu hút sự chú ý, kỳ vọng kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể, Bộ đề xuất giảm từ 10% xuống còn 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Đây được kỳ vọng là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ sức mua của người dân, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Chính sách giảm thuế VAT giúp hệ thống phân phối giảm chi phí hoạt động, giữ ổn định giá cả hàng hóa với nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn. Động thái tích cực này nhận được nhiều sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Chị Tô Thị Phi Yến, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Chị Tô Thị Phi Yến, TP.Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: "Tôi thấy rất có ý nghĩa và giá trị, vì nó góp phần tích lũy. Vì hàng này mua thường xuyên, nếu giảm thuế 2% nhưng tích lũy thì sẽ tiết kiệm được."

Ông Đào Hoàng Tuấn - Giám đốc Vùng, hệ thống WinMart TP.HCM

Ông Đào Hoàng Tuấn - Giám đốc Vùng, hệ thống WinMart TP.HCM cho biết: "Chúng tôi lựa chọn nhà cung cấp uy tín để hợp tác, deal giá tốt và xây dựng chương trình khuyến mãi tốt hơn dành cho khách hàng. Hiện hệ thống có giá tốt như giảm 50%..."

Với doanh nghiệp, chính sách giảm 2% thuế VAT không chỉ giảm áp lực chi phí mà còn tạo cơ hội mở rộng sản xuất. Việc giảm thuế giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để điều chỉnh giá bán, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và kích thích tiêu dùng nội địa, đặc biệt trong bối cảnh sức mua vẫn còn yếu.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên nhận định: "Thật ra 2% đối với tổng thể thì nó không lớn, nhưng con số 2% có thể giảm được cho người tiêu dùng. Bản thân doanh nghiệp cũng cùng với Chính phủ có sự hỗ trợ người tiêu dùng nội địa, như xây dựng chương trình khuyến mãi kích cầu, làm sao để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với giá thành hợp lý."

Điểm nhấn của chính sách lần này nằm ở thời gian áp dụng kéo dài, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất và sâu sắc. Tuy nhiên, để kích thích tiêu dùng, cũng cần thêm nhiều giải pháp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích: "Hiện nay, động lực tăng trưởng kinh tế đến từ 3 trụ cột chính, là xuất khẩu, chi tiêu công và tiêu dùng nội địa. 2 trụ cột là xuất khẩu và chi tiêu công đóng vai trò dẫn dắt cho nền kinh tế, tiêu dùng nội địa trong những năm qua thì sức cầu tương đối yếu. Nên ngoài việc giảm thuế VAT, thì cân nhắc thêm nhiều giải pháp khác như thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc theo giá thị trường, như vậy tác động đến người tiêu dùng mới lớn và thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong thời gian tới."

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 47.000 tỷ đồng trong năm 2024 từ việc giảm thuế VAT 2%. Còn nếu được giảm thuế VAT cho 6 tháng đầu năm 2025 sẽ tiết kiệm được 25.000 tỷ đồng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: