Mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 3 - 4 tỷ đô la Mỹ cho con cháu đi du học ở nước ngoài. Nhưng con số này có thể giảm xuống từ năm nay, khi xu hướng du học tại chỗ và học trực tuyến được thay thế xuất phát từ yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Thay đổi lựa chọn
Từ sau Tết nguyên đán đến nay, nhiều chuyến bay đưa hàng ngàn du học sinh Việt Nam về nước do hàng loạt trường đại học lớn trên thế giới đóng cửa vì dịch bệnh. Chính Covid chứ không phải chất lượng của nền giáo dục đã làm thay đổi lựa chọn của các bậc phụ huynh và học sinh: Theo học các chương trình chuẩn quốc tế tại chính quê mẹ, hay nói hoa mỹ là “du học tại chỗ”! Các trường đại học trong nước đang tranh thủ nắm bắt cơ hội này và dòng chảy hàng tỷ đô la Mỹ học phí mỗi năm ra nước ngoài đang giảm bớt.
Sinh viên theo học chương trình liên kết cử nhân truyền thông giữa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) với ĐH Deakin, Úc (Ảnh chụp tại cơ sở 12 Đinh Tiên Hoàng)
Chị Nguyễn Thị Thuận, một phụ huynh có con năm nay vào đại học cho biết: Con chị học giỏi và gia đình đã chuẩn bị cho con đi học ở Anh, nhưng tình hình dịch Covid đã làm chị thay đổi quyết định, con chị sẽ học tại Việt Nam.
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay cũng chọn lựa như vậy: Thay vì đến các quốc gia phát triển thì chọn các chương trình đào tạo quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo ở các trường đại học tại Việt Nam cho con vào học. Lựa chọn này này vừa đỡ tốn kém rất nhiều, vừa an toàn cho con cái, vừa gần gũi con để chăm sóc.
Thực tế, những chương trình liên kết đào tạo lâu nay đã triển khai. Nhưng tâm lý thích xuất ngoại du học vẫn phổ biến nên các lớp liên kết chưa thu hút nhiều sinh viên. Đây chính là cơ hội cho nhiều trường đại học trong nước định hình lại phương thức tuyển sinh, giảng dạy và thu hút người học.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 70 cơ sở giáo dục đại học đang cung cấp các chương trình đào tạo quốc tế bao gồm các trường có vốn đầu tư nước ngoài có khoảng 50 chương trình, các trường đại học hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước khoảng 50 chương trình, còn lại 352 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học trong nước với các trường đại học quốc tế. Có thể nói, hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài đang là hình thức hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo chủ yếu ở khối đại học. Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh đang theo học các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài khoảng gần 26.000 người. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng khoảng 1/7 so với số du học sinh Việt Nam tại các nước.
Hiện nay, có gần 30.000 học sinh sinh viên Việt Nam theo học ở Hoa Kỳ. Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách những quốc gia dẫn đầu về số lượng sinh viên học sinh du học ở Mỹ. Tại Australia, du học sinh Việt Nam có khoảng 16.000, xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Tại Nhật Bản, có hơn 15.000 du học sinh Việt Nam (nếu tính cả số học sinh Việt Nam sang học tiếng con số phải đến 70.000) chỉ xếp sau Trung Quốc về số lượng du học sinh tại đây, và con số này gia tăng liên tục những năm gần đây.
"Du học tại chỗ" và học trực tuyến phát triển mạnh từ năm nay và số lượng du học sinh Việt ở các nước sẽ giảm, nạn chảy máu ngoại tệ cho du học cũng giảm đáng kể. Sự thay đổi này xuất phát từ dịch Covid-19 nhưng cũng là tiền đề cho một xu hướng mới khi hạ tầng truyền thông phát triển: muốn làm công dân toàn cầu không nhất thiết phải ra nước ngoài!
Du học sinh Việt Nam tại nước ngoài phải vượt qua những cú “sốc” văn hóa trong môi trường đa quốc gia. Và vì thế, họ phải tập hợp lại để sinh hoạt và chia sẻ kinh nghiệm. Trong ảnh: Những sinh viên Việt Nam du học tại Đại học danh tiếng Oxford (Anh) chụp ảnh lưu niệm trong một lần gặp nhau cuối 2019.
Vượt qua khó khăn, vươn tầm quốc tế
Bạn Sao Khuê, một sinh viên đang du học tại Nhật, cho biết: “Hình thức du học “tại chỗ” và học trực tuyến trong nước với chuyên gia, giáo sư giỏi ở nước ngoài rất tiện lợi, chi phí thấp hơn nhiều so với đi du học. Học ở trong nước cũng tránh được những cú shock về văn hóa mà các bạn trẻ trải qua khi một thân một mình nơi đất khách tiếp xúc với nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, học liên kết kiểu này thì sinh viên không có cảm giác được trải nghiệm, khám phá các không gian mới, và đặc biệt, khó trau giồi năng lực ngoại ngữ!”.
Và đúng như vậy, du học tại chỗ hay học online - về lý thuyết - cũng đòi hỏi người học có trình độ ngoại ngữ (phổ biến là tiếng Anh) với chuẩn IELTS 6.0 đến 6.5 mới theo nổi. Học ở nước ngoài, sinh viên phải tự nâng cấp năng lực nghe nói ngoại ngữ lên. Còn học trong nước, việc trao đổi với bạn bè cùng lớp là người Việt sẽ hạn chế khả năng rèn luyện, và mức độ tương tác với thầy cô qua mạng internet cũng giới hạn hơn nhiều so với tương tác trực tiếp.
Cơ hội cho các trường đại học đẩy mạnh liên kết đào tạo rộng mở khi tình hình dịch bệnh khiến cho nhu cầu học tập vẫn đảm bảo an toàn đang được đặt lên hàng đầu, nhưng còn đó nhiều vấn đề mà ngành giáo dục phải sớm giải quyết. Các trường đại học cần phải minh bạch đối tác trong liên kết. Bộ Giáo dục - Đào tạo phải tiến hành kiểm định nghiêm túc nội dung các chương trình liên kết. Những cơ sở đào tạo phải tích cực xây dựng đội ngũ giảng viên đủ tầm để giảng dạy các chương trình quốc tế.
Tất nhiên, không phải đợi đến 2020, khi dịch Covid-19 là vấn nạn toàn cầu, câu chuyện “du học tại chỗ” mới được nói đến. Thực tế là trong hơn 10 năm qua, nhiều trường đại học lớn trong cả nước đã tiến hành hợp tác, liên kết trong đào tạo khá hiệu quả.
Với các chương trình liên kết đào tạo, sinh viên có cơ hội tiếp cận trực tiếp với giảng viên người nước ngoài mà không phải đi du học
Việc đẩy mạnh du học tại chỗ hiện nay sẽ tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ cho quốc gia và cho các gia đình. Đó cũng là lượng ngoại tệ có thể đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học Việt Nam (từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nâng cao năng lực, thu nhập của đội ngũ giảng viên).
Phát triển “du học tại chỗ” cũng là cách tạo ra môi trường học thuật mang tính quốc tế, góp phần thu hút cả sinh viên các nước khác đến với Việt Nam (thực tế hiện nay đã có những sinh viên nước ngoài tìm đến Việt Nam như một điểm học tập an toàn).
“Du học tại chỗ” cũng là cách giữ chân nhân tài đất Việt. (Lâu nay, có khoảng 60% du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài sau khi học xong, bất cập đó sẽ được giải quyết nếu du học tại chỗ mạnh lên).
Hy vọng rằng, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài từ năm nay sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn và tăng cường tính hội nhập cũng như quốc tế hóa giáo dục đại học!
Phú Trang