Đừng đổ lỗi cho Truyền hình thực tế

Những năm gần đây, chuyện hậu trường của một số chương trình giải trí truyền hình đã kéo giới truyền thông vào cuộc. Những ồn ào dư luận ấy được lý giải dưới nhiều góc độ, cả chuyện kinh doanh, thị trường lẫn chuyên môn. Đôi nơi, đôi chỗ, có ý kiến đổ tội cho… “Truyền hình thực tế”.

Vậy, Truyền hình thực tế là gì và liệu “nó” có phải là tội đồ trong các scandal làm tốn giấy mực dân báo chí thời gian qua?

ĐÔI ĐIỀU VỀ MỘT KHÁI NIỆM

Truyền hình thực tế (Reality Television) không phải là một thể loại truyền hình mà là một phương thức làm truyền hình mới, có nhiều điểm khác với cách làm truyền thống vốn nặng về dàn dựng, sắp xếp và có sự can thiệp sâu của nhóm thực hiện, kể cả khi đó là chương trình được truyền trực tiếp.

Truyền hình thực tế ra đời với “triết lý” là cố gắng chống sự giả tạo, làm thế nào để ống kính có thể ghi được những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện thật, ít sắp đặt trước. Ít sắp đặt chứ không phải không sắp đặt, tất nhiên tùy thể loại được sản xuất. Ví dụ, phóng viên theo chân một nhóm cảnh sát vào ổ tội phạm để săn bắt cướp, nếu đoạn clip ghi hình có những chỗ phản cảm, trước khi phát sóng, nhà sản xuất cũng sẽ cắt bỏ.

Nhóm 4 chị em nhận được nút vàng của giám khảo Thành Lộc

Điều khiến nhiều người hay nhầm lẫn lâu nay là đánh đồng các chương trình giải trí theo phương thức mới này với “truyền hình thực tế”. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phương thức truyền hình thực tế được áp dụng cho rất nhiều thể loại như tin tức, phóng sự, tọa đàm, trò chơi, phim tài liệu… Một trong các dạng truyền hình thực tế có tính giải trí được nhiều đài trên thế giới khai thác và hiện rất phổ biến là hình thức Quay lén (Hidden cameras) hoặc Chơi khăm (Hoaxes). Nhà sản xuất tạo ra một tình huống để ghi lại phản ứng bất ngờ của nhiều người khi gặp tình huống đó nhằm tạo ra tiếng cười. Tất nhiên, những clip ghi lại đều được sự đồng ý sau đó của nhân vật bị ghi hình mới được phép phát sóng.

Nhân vật chính trong các chương trình thực tế rất phong phú: có thể là những người bình thường, chọn ngẫu nhiên hoặc những khán giả tự giác tham gia, hoặc những nhân vật nổi tiếng được lựa chọn theo những tiêu chí riêng của từng chương trình. Đó có thể là những cá nhân được lựa chọn tham gia vào một cuộc thi tài năng, kiến thức, hay vận động, hoặc chỉ là vô tình rơi vào những tình huống chơi khăm trớ trêu. Công nghệ sản xuất tạo cho khán giả cảm giác các nhân vật của chương trình đang sống thật trong tình huống, không hề ý thức rằng mình bị ghi hình, và câu chuyện, diễn biến của chương trình, tác phẩm thường có những điểm bất ngờ thú vị.

TRONG SÂN CHƠI TOÀN CẦU HÓA

Hiện cũng chưa ai khẳng định truyền hình thực tế ra đời từ lúc nào bởi sự phát triển của phương thức mới này là một quá trình, quá trình ấy có sự tự hoàn thiện. Nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhau rằng, ý tưởng làm truyền hình thực tế bắt đầu từ nước Mỹ và được gợi ý từ… phát thanh vào thập niên 1940.

Từ những năm 1990 đến nay, truyền hình thực tế đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới với sự bùng nổ hàng loạt chương trình lớn như Survivor (Người sống sót), American Idol (Thần tượng Mỹ), Top Model (Siêu mẫu), Dancing with the stars (Khiêu vũ với sao), The Apprentice (Người học việc), Fear factor (Yếu tố sợ hãi), Big brother (Đại ca)…

Hai dancer nhí Hoàng Gia Linh, Hoàng Gia Bảo

Big Brother là chương trình truyền hình trong đó nhân vật tự nguyện tham gia là những cặp nam - nữ sống chung một căn nhà suốt 10 tuần trong những điều kiện thiếu thốn. Mọi sinh hoạt “từ A đến Z” trong suốt 24/24 của các nhân vật đều được ghi hình và chọn để phát cho khán giả xem. Khán giả bình chọn cho các cặp và hàng tuần sẽ có những cặp thí sinh bị loại vì ít phiếu. Đôi thắng cuộc sẽ được giải thưởng rất cao.

Ở châu Á, Hãng truyền hình Nippon (Nhật) cũng đã thành công với một show về trẻ em với tên gọi Hajimete no Otsukai (được biết đến ở Việt Nam với phiên bản Con đã lớn khôn). Chương trình kể về kinh nghiệm đầu đời của một đứa trẻ khi không có ba mẹ bên cạnh. Những ứng xử ngây thơ, hồn nhiên của các diễn viên nhí có sức thu hút người xem rất cao bởi ai cũng đã từng là trẻ con. Hay chương trình Family outing (Hàn Quốc) là chuyến đi dã ngoại về vùng quê của một “gia đình”, họ đến nhà một nông dân và ngủ lại, làm việc chăm chỉ như một nông dân thực thụ, từ gặt lúa, cho gia súc ăn, kéo lưới bắt cá, thu hoạch trái cây, cho đến cả lợp mái nhà… Cùng với quá trình xã hội hóa và nỗ lực tìm tòi của ngành truyền hình Việt Nam, truyền hình thực tế đã có mặt ở Việt Nam nhiều năm qua đặc biệt với nỗ lực phục vụ của HTV và VTV. 

NGUYÊN NHÂN CỦA NGUYÊN NHÂN

Phóng sự thực tế, phim tài liệu thực tế, talkshow thực tế ở Việt Nam cũng đã ra đời nhưng chưa có những chương trình, tác phẩm gặt hái thành công lớn. Đa phần khán giả biết đến truyền hình thực tế qua các chương trình giải trí được chuyển nhượng bản quyền từ nước ngoài. Công bằng mà nói, cũng có những chương trình thuần Việt ít nhiều khai thác phương thức truyền hình thực tế rất thành công, đặc biệt ở khía cạnh nhân văn, nhân đạo: Như chưa hề có cuộc chia ly, Ngôi nhà hạnh phúc, Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình, Khởi nghiệp, Sinh ra từ làng, Cầu Vồng v.v… nhưng đó không phải là sự thành công về doanh thu.

Do nhu cầu thu hút sự quan tâm của khán giả mục tiêu, do đặc điểm của truyền hình thực tế, do thỏa thuận đã ký giữa các nhân vật và nhà tổ chức, những người sản xuất có quyền khai thác hình ảnh và chọn lựa những tình huống “thực tế” đặc biệt để phát sóng, khai thác những chuyện bên lề, thậm chí “khai thác” cả giới truyền thông để tạo sự quan tâm của dư luận. Và nhà sản xuất cũng lường trước “hiệu ứng” của tình huống ấy sau khi phát sóng. Lâu nay, chuyện lạm dụng scandal để thu hút công chúng không phải chỉ có ở các chương trình giải trí theo phương thức truyền hình thực tế và đây cũng không phải là chuyện mới mẻ gì.

Nhóm nhảy nổi tiếng Milky Way

TIÊU CHÍ NHÂN VĂN

Một scandal truyền hình thực tế lâu nay thường gắn liền với các hoạt động truyền thông trên nhiều phương tiện khác để khai thác những tranh cãi, xung đột ồn ào xung quanh các nhân vật (giám khảo, thí sinh, người nhà thí sinh, nhà sản xuất). Và nhờ đó, chương trình càng có sức thu hút, tăng rating khán giả. Thực tiễn sản xuất chương trình truyền hình giải trí trên thế giới cho thấy, những nhà tổ chức giỏi nghề không khó để có thể tạo ra các chiêu nhằm gây cảm giác khó chịu hay bất bình cho một bộ phận công chúng.

Anh chàng bong bóng xà phòng Nguyễn Văn Kỳ

Nhiều người vì muốn được nổi tiếng, muốn được thể hiện mình thông qua vài phút xuất hiện trên màn ảnh nhỏ mà đã vô tình tự hạ thấp giá trị của bản thân hoặc trở nên cực kỳ lố bịch trong chương trình. Nhiều người vì quá bức xúc, tức giận (hoặc bị tức giận) có thể phát biểu rất “sốc” và quên mất hoặc không biết mình đang bị ghi hình ở hậu trường sân khấu. Nhiều nhân vật có hoàn cảnh éo le đã không hề biết mình được khai thác nhằm “lấy nước mắt khán giả”. Việc sử dụng hình ảnh của thí sinh, giám khảo trong chương trình là “quyền” của nhà sản xuất nhưng những sự chọn lựa chất “thực tế” như thế cũng cần được cân nhắc trên cơ sở đạo đức làm nghề, trên khía cạnh nhân văn của một chương trình giải trí.

Tất nhiên, sự cân nhắc “nên hay không nên” như thế không dễ dàng. Và chuyện dư luận có những ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, với một chương trình đang thu hút, “con dao hai lưỡi” của scandal có thể làm tổn hại đến uy tín nhà sản xuất nếu nó gây sốc, thất vọng, mất niềm tin khi công chúng đột nhiên phát hiện ra mình bị lừa dối, phát hiện ra những chuyện thiếu minh bạch. Vì thế, sự sắp đặt trong truyền hình thực tế cần đặt trên cơ sở nhân văn. Nhân văn trong từng sự chọn lựa chi tiết, từng cú máy, từng khung hình, cỡ cảnh; nhân văn trong kết cấu chương trình, trong mức độ nhận xét, trong sự chăm sóc và cảnh báo đối với thí sinh tham gia dự thi.

Phan Văn Tú