Giải pháp nào để lấy lại sức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM?

THANH VÂN - THANH PHONG 3/4/2023, 11:46

(HTV) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1-2023 chỉ đạt 0,7%.

Tăng trưởng kinh tế quý 1 xuống sâu đã từng được lãnh đạo Thành phố "mổ xẻ" trong cuộc họp kinh tế - xã hội và cũng nhìn nhận: Giải pháp để TP.HCM phục hồi, gồm thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ thể chế, thị trường nội địa, trong quý 1 đều không được sử dụng tốt. Điều này cho thấy, muốn vực dậy và phát triển kinh tế, Thành phố phải giải quyết được các điểm nghẽn hiện nay.

Nguyên nhân kinh tế giảm sút

 Chỉ ra các nguyên nhân khiến khiến tốc độ tăng trưởng của “đầu tàu kinh tế” giảm sút mạnh trong quý I, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: TP.HCM chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn giao (43.443 tỉ đồng), tức khoảng 951 tỉ đồng. Hiện có hàng trăm dự án tắc nghẽn, không hấp thụ được vốn. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch "Giảm sút này là do thành phố đã bỏ mất hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế. Đó là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân thứ 2 là chính phủ tập trung tháo gỡ thể chế để hấp thụ vốn. Vấn đề này đã ra từ quý 4 , tất cả những điểm nghẽn về hấp thụ vốn, từ đầu tư công, đầu tư tư nhân, dự án tồn đọng, tôi có đề xuất hồi tháng 2 thì trong đó nêu rất rõ: khai, minh bạch thông tin toàn bộ các dự án đang tồn đọng trên địa bàn nhưng tới nay vẫn lu mờ. Như vậy công cụ vốn chúng ta không sử dụng được".

 

Giải pháp để lấy lại sức tăng trưởng

Theo các chuyên gia, để kinh tế Thành phố lấy lại đà tăng trưởng, cụ thể là ngay trong quý 2, quý 3 năm nay thì từng đơn vị, sở ngành phải tìm mọi cách để đẩy nhanh đầu tư công, hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

Chia sẻ về giải pháp, ông Lê Phụng Hào - Chuyên gia kinh tế cho biết: "hiện nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Một trong những vướng mắc đó là về các thủ tục hành chánh và quy trình phối hợp giữa các đơn vị, ban ngành, các đối tác. Do vậy, tôi nghĩ rằng, làm sao để cải cách thủ tục hành chánh cũng như phải có sự minh bạch trong các hoạt động trong quy trình phối hợp để giải quyết các thủ tục. Có như vậy thì việc giải ngân đầu tư công sẽ nhanh chóng sẽ nhanh hơn và tạo hiệu quả thiết thực hơn cho kinh tế thành phố".

Cùng quan điểm này, Ông Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ Nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng: "cần rà soát lại dự án có sử dụng vốn đầu tư công và xem thuận lợi khó khăn như thế nào, những vướng mắc thuộc về ngành nào thì chúng ta làm việc với bộ ngành đó để tháo gỡ. Các đồng chí lãnh đạo trực tiếp của các dự án đầu tư công, các sở ngành phải làm việc với các nhà thầu và doanh nghiệp để làm sao động viên họ tích cực tham gia".

Còn theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài - Thành viên hội đồng khoa học TP.HCM: "Điểm nghẽn quan trọng của TP.HCM là về cơ sở hạ tầng. Tôi ví dụ như, vành đai 3, vành đai 4 chúng ta phải thực hiện trong trung hạn đúng theo lộ trình đã vạch ra. Những dự án quan trọng trọng điểm này sẽ liên quan đến nhiều nguồn lực: nguồn lực về đầu tư công, nguồn lực để giải quyết giải phóng mặt bằng... Do vậy, đối với TP.HCM là một siêu đô thị thì việc giải phóng mặt bằng hay những việc liên quan đến pháp lý đòi hỏi phải có sự nỗ lực hết sức quan trọng của các sở ngành với thông điệp là phải hành động, nếu không hành động thì các dự án này sẽ bị chậm trễ. Đặc biệt, năm 2023, vốn đầu tư công là gấp đôi nên nếu chúng ta triển khai không đúng kế hoạch thì các dự án sẽ chậm triển khai, điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng sẽ chậm giải quyết, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của thành phố trong trung hạn".

 

Tiến sĩ Trần Du Lịch kỳ vọng TP sẽ giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn: "Đối với truyền thống năng động sáng tạo của thành phố; đồng thời chúng ta có nghị quyết 21 của Bộ chính trị, Nghị quyết 31 mới ban hành và với vị trí vai trò thành phố, nỗ lực của chính quyền thành phố trong liên kết vùng ..... những điều này hoàn toàn cho phép thành phố tin rằng chúng ta đứng dậy và trong những tháng tới đây, nếu như chúng ta giải quyết được những điểm "cốt tử" về trì trệ của toàn bộ bộ máy hành chính, phải gỡ tất cả để cho vốn hấp thụ vào nền kinh tế, chúng ta không nói chung chung công khai minh bạch toàn bộ vấn đề ra. Đây là điểm mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta sẽ phát triển."'

Chia sẻ về các giải pháp trong ngắn hạn của Ban Quản lý đầu tư & xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban này cho biết: "Ban giao thông sẽ tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là triển khai thật nhanh các công tác thi công khối lượng ở ngoài công trường với các dự án không bị vướng mặt bằng. Thứ hai là tiếp tục đẩy nhanh việc tiến độ của các gói thầu của gói thầu. Thứ ba là phối hợp với các địa phương, đặc biệt là thành phố Thủ Đức để tiếp nhận mặt bằng cho những dự án mà đã chờ đợi rất lâu trong thời gian qua. Nhóm thứ tư là thống kê kịp thời báo cáo cho tổ công tác mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố đã lập ra để có thể tháo gỡ kịp thời những vướng mắc vượt thẩm quyền của chủ đầu tư. Chúng tôi tin rằng với 4 nhóm giải pháp đồng bộ này và công tác chuẩn bị trong tháng 1, tháng 2 vừa qua thì từ quý 2 năm nay, khối lượng tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh.

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu phải đẩy nhanh đầu tư công để thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách. Các ban chiếm tỉ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết. Chủ tịch đề nghị với các dự án trọng điểm, cần có giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày với một số khoảng thời gian cụ thể để cập nhật được các khó khăn vướng mắc, phối hợp giải quyết; đồng thời có kế hoạch phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "Quyết tâm là sau kỳ họp chuyên đề này chúng ta phân bổ hết von dự phòng trung hạn và vốn 2023, còn nếu có điều chỉnh gì đó thì đến giữa năm chúng ta tiếp tục điều chỉnh. Thứ hai là một số dự án có khả năng chi, đề nghị chúng ta thực hiện 2 nhiệm vụ 1 kỳ họp đó là: vừa bổ sung vào trung hạn kế hoạch ngân sách, vừa có bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư thì như thế chúng ta rút ngắn được thời gian".

Thực tiễn cho thấy, cứ 1 đồng vốn đầu tư công bỏ ra thì sẽ thu hút được khoảng 10 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Do vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính để triển khai các dự án, chuyển động dòng vốn là điều rất quan trọng để vực dậy, lấy lại đà tăng trưởng tích cực cho thành phố.

 >>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: