(HTV) - Theo các doanh nghiệp, việc tiếp tục giữ thuế suất thuế GTGT ở mức 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ góp phần tích cực, giữ đà tăng giá trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, giá cả ở thị trường trong nước lẫn thế giới đều tăng cao.
Chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT là chính sách ngắn hạn đa mục tiêu, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn kích thích tiêu dùng, giảm áp lực đối với lạm phát, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, chính sách này và các chính sách hỗ trợ khác đã giúp tiêu dùng phục hồi, nguồn thu từ thuế GTGT của nhiều địa phương trong thời gian qua tăng lên đáng kể.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế cho biết: "Việc giảm thuế thì có tác dụng tích cực với kinh tế tổng cung tổng cầu và tăng sức cạnh tranh…duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo việc làm đóng góp cho ngân sách nhà nước" .
Việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, chiến lược để tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn; cân đối, hài hòa giữa chính sách tỉ giá và lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế đã chia sẻ rằng: "Tôi vẫn cho rằng giảm 2% VAT vẫn là thấp, tôi đã từng đề nghị nên là giảm thêm 3% để thúc đẩy tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm tiêu dùng trên GDP mới chỉ khoảng 6%. Chính phủ nên xem xét việc giảm VAT nhiều hơn nữa không chỉ là trong cuối năm mà còn sang cả năm sau giảm thêm 3% để kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế để chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng như đề ra".
Với những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cần phải ban hành các quyết định về kích cầu đầu tư để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, triển khai dự án..., từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó là quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công để tạo lực đẩy cho tổng cầu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9