(HTV) - TP.HCM bước vào năm 2023 với mục tiêu “tăng tốc” sau năm 2022 cơ bản hoàn thành mục tiêu “phục hồi”. Để duy trì đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất, Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa được như kỳ vọng. HTV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM về vấn đề này.
Phóng viên HTV phỏng vấn bà Nguyễn Trúc Vân
Phóng viên Thúy Quyên: "Suốt 3 quý đầu năm 2023, hàng loạt khó khăn, thách thức bủa vây nền kinh tế cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng. Vừa qua, có một số ngành đã dần hồi phục, tăng trưởng khả quan song chưa toàn diện như mong đợi. Theo bà, nguyên nhân cốt lõi nhất là do đâu?"
Bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM:
"Hiện tình hình kinh tế đang khó khăn và chúng ta cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Các nhóm ngành như xuất nhập khẩu vẫn chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của thế giới do tổng cầu giảm mạnh, giá các mặt hàng xuất nhập khẩu giảm.
Thứ hai là thị trường trái phiếu doanh nghiệp những tháng cuối năm, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài cho đến cuối năm.
Thứ ba là thị trường bất động sản cũng có những bất cập cần lưu ý là sự mất cân đối về nguồn cung.
Thứ tư là về đầu tư công, mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện hơn so với năm trước, nhưng tốc độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan; vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục.
Thêm vào đó, đầu tư từ khu vực tư nhân còn khá thấp. Tình trạng cắt giảm lao động do nguy cơ đơn hàng xuất khẩu có chiều hướng giảm, tạo thêm gánh nặng về an sinh xã hội".
Khó khăn của nền kinh tế có nguyên nhân từ nhiều bất cập của thị trường
Trong 3 tháng cuối năm, cần có các giải pháp và động lực cho kinh tế TP.HCM có thể tăng trưởng trở lại, không chỉ trong ngắn hạn mà có thể tăng trưởng bền vững.
Tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư công và kích cầu tiêu dùng
Phóng viên Thúy Quyên: "Trong Diễn đàn Kinh tế vừa qua, chúng ta đã chọn kinh tế xanh, kinh tế số là mục tiêu phát triển dài hạn, như vậy về mặt điều hành chính sách sắp tới còn nhiều việc phải làm. Liệu chọn mục tiêu đó thời điểm này có tạo ra được động lực cho kinh tế Thành phố giải quyết được những vấn đề trước mắt hay không?"
Bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM:
"Những quy định mới trong chuỗi cung ứng, đặc biệt quy định từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Thành phố cùng với sự chuyển dịch chính sách trong nước hướng đến thực hiện cam kết “Net Zero” đã tạo ra những áp lực rất lớn. Vì vậy TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Nghị quyết 98 cũng có điều khoản về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, khuyến khích cho việc tiêu dùng và sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bớt thâm dụng năng lượng hơn và đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Kinh tế số không chỉ đóng góp về tăng trưởng mà còn giúp tăng năng suất lao động, cơ hội kinh doanh mới, tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế, giúp Thành phố phát triển nhanh và bền vững".
Phóng viên Thúy Quyên: "Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi với HTV!"
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9