Câu chuyện truyền thông

Khi báo chí chính thống “dính” tin giả

Chiều 12/11/2018, nhiều website báo chí có uy tín đồng loạt gỡ một thông tin vừa đăng lúc sáng. Có báo ngay sau đó phải đăng lời xin lỗi bạn đọc. Sự cố gỡ bài này không xuất phát từ yêu cầu của cơ quan quản lý mà do chính các báo nhận ra họ bị… tin giả!

Xin được nói ngay, thông tin giả các báo bị việt vị là câu chuyện “nghệ sĩ Việt đầu tiên có tên trên Đại lộ danh vọng Hollywood”. Nhân vật của thông tin giả (fake news) này là họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu.

Từ một bức ảnh trên facebook cá nhân

Trước đó, họa sĩ Lê Minh Châu đăng lên trang facebook cá nhân mình bức ảnh anh đứng trước ngôi sao trên Đại lộ Danh Vọng có dòng chữ Chau beyond the lines (Châu, chàng trai vượt qua giới hạn) - tên bộ phim tài liệu ngắn của đạo diễn Courtney Marsh nói về cuộc đời anh.


Bức ảnh Lê Minh Châu và ngôi sao mang dòng chữ "Chau beyond the lines" trên Đại lộ Danh vọng gây hiểu lầm cho các nhà báo

Lê Minh Châu sinh năm 1991 tại Đồng Nai, anh bị khuyết tật do di chứng chất độc da cam. Từ bé, anh đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thành nghệ sĩ chuyên nghiệp với khả năng vẽ tranh bằng miệng. Nỗ lực của anh là nguồn cảm hứng cho nữ đạo diễn, biên tập, nhà sản xuất Courtney Marsh thực hiện một phim tài liệu. 

Phim còn có sự tham gia của Marcelo Mitnik (người Argentina), trong vai trò đồng biên kịch và là người điều hành sản xuất; nhà sản xuất Jerry Frankk (người Luxembourg); trợ lý đạo diễn - phiên dịch, phụ quay Duy Nguyen (Việt kiều Mỹ). 

Phim được thực hiện trong suốt 8 năm. Ngay khi ra mắt năm 2015, phim đã tạo được tiếng vang lớn, Lê Minh Châu trở thành nhân vật truyền cảm hứng đến nhiều người. Chau beyond the lines từng vào tốp 10 đề cử hạng mục "Phim tài liệu ngắn hay nhất" tại Oscar 2016.

Được biết, cho đến nay, tuy Đại lộ Danh Vọng Hollywood đã vinh danh hơn 2600 nghệ sĩ trên toàn thế giới bằng những ngôi sao được gắn tên trải dài trên đại lộ Hollywood và phố Vine tại Hollywood, California nhưng chưa hề có tên một nghệ sĩ Việt Nam nào.

Bức hình của họa sĩ Lê Minh Châu đăng trên facebook cá nhân thực ra do anh chụp khi đi du lịch đến đây. Tại Đại lộ Danh Vọng ở Hollywood, để thu hút du khách, người ta tổ chức một dịch vụ rất thú vị: gắn tên tạm thời lên ngôi sao còn trống để chụp hình. Chỉ cần bỏ ra khoảng 500 ngàn đồng Việt Nam là ta có một bức ảnh như thế để làm kỷ niệm vui.

Do họa sĩ Lê Minh Châu cũng là người nổi tiếng và gắn liền với một bộ phim nổi tiếng, nên bức hình ấy vô tình gợi liên tưởng và thành đề tài hot cho nhiều phóng viên. Và chính bức hình ấy là tác nhân tạo ra hàng loạt bài báo với thông tin “Người Việt Nam đầu tiên ghi tên trên Đại lộ Danh vọng Hollywood” xuất hiện sáng 12/11/2018…


Một trong những bài báo bị “việt vị” vì thông tin chưa kiểm chứng

Thiếu thao tác thẩm định chuyên nghiệp 

Thực tế là khi một người được vinh danh để có tên trên Đại lộ Danh Vọng, họ phải trải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt sau khi nộp hồ sơ, đóng phí (30.000 - 40.000 đô la). Nghệ sĩ được vinh danh sẽ có lễ công bố và tên tuổi được đăng trên website của tổ chức này tại địa chỉ walkoffame.com. 

Bức ảnh Lê Minh Châu đăng tải trên trang cá nhân gắn với tên phim chứ không phải tên riêng. Theo các chuyên gia, Đại lộ Danh vọng Hollywood không vinh danh tác phẩm, chỉ vinh danh cá nhân.

Những chi tiết này nếu nhà báo hiểu biết sẽ sớm phát hiện đây chỉ là ảnh có tính chất kỷ niệm, ảnh dàn dựng để chụp. Bên cạnh đó, nguyên tắc nghiệp vụ buộc các nhà báo phải biết thẩm định nguồn tin bằng nhiều cách mà trong đó phải có thao tác cần thiết: gọi điện hoặc gặp trực tiếp nhân vật.

Do áp lực đưa tin nhanh, do xuất phát từ niềm tin nội tâm vào một câu chuyện đẹp, do cảm hứng chia sẻ những thông tin truyền cái đẹp, truyền nghị lực đến cộng đồng… nhiều phóng viên đã bị “việt vị” trong thông tin. Quả thật là đáng tiếc.

Rất may, các cơ quan báo chí ấy đã nhanh chóng phát hiện ra sai sót và đã đính chính. Lời xin lỗi bạn đọc đăng trên một tờ báo online có tiếng đã viết: “Từ hiểu lầm với hình ảnh trên trang Facebook cá nhân của hoạ sĩ và thiếu kiểm chứng, toà soạn đã đăng một bản tin không đúng. Dù đã kịp thời cập nhật bản tin chính xác, nhưng chúng tôi cảm thấy không thể tha thứ cho mình về sai sót nghiệp vụ này. Mong bạn đọc lượng thứ và tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi”.


Một tờ báo online có tiếng xin lỗi bạn đọc vì sự cố tin giả này

Chúng ta hoan nghênh phát hiện và sửa sai kịp thời của các báo. Nhưng bài học rút ra từ câu chuyện này là: Tin giả (fake news) hôm nay có thể đến từ bất cứ nguồn nào, bất cứ lý do nào (kể cả từ mục đích tốt đẹp). Trong thời buổi thông tin ngập tràn trên môi trường trực tuyến hiện nay, mỗi người đọc, nghe, xem cần phải tỉnh táo, cần phải làm một người tiêu dùng tin tức thông minh.

Phú Trang