Khi giảng dạy trực tuyến là yêu cầu bắt buộc ở bậc đại học

Giảng dạy tương tác qua môi trường internet ở nhiều không gian khác nhau là một tiện ích do đời sống truyền thông mới mang lại. Vừa qua, ngành giáo dục đã thống nhất chủ trương đào tạo trực tuyến bắt buộc trong khối đại học…

Sau 3 tháng nhiều hệ học trong cả nước tạm nghỉ đến trường và phải tổ chức dạy học trực tuyến vì dịch Covid-19, ngành giáo dục đã nhận ra hiệu quả của mô hình giảng dạy này. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc cuối tháng 4 vừa qua, Bộ đã thống nhất yêu cầu các trường đại học từ nay phải đưa 20 - 30% nội dung chương trình vào giảng dạy trực tuyến.


Giảng dạy trực tuyến không phải là bê bài giảng thông thường lên internet

Còn đó những nỗi lo

Thời gian qua, việc dạy và học trực tuyến đã trở nên phổ biến bất ngờ. Các cháu tiểu học cũng bắt đầu làm quen với việc cầm chuột học online. Vai trò của đào tạo trực tuyến được nhìn nhận rõ hơn bao giờ hết khi chúng ta phải đương đầu với hoàn cảnh gián cách xã hội. 

Và qua việc đánh giá lại chuyện dạy học trực tuyến trong mùa Covid-19 vừa qua, chúng ta lại nhận ra khả năng thích ứng còn chậm chạp của một hệ thống giáo dục chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho đào tạo trực tuyến. Không nói tới các cấp học phổ thông, chỉ riêng khối đại học - cấp học cao nhất - thì những con số thực tế không khỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ. 

Mới chỉ có một nửa số trường đại học triển khai đào tạo trực tuyến ở các mức độ từ đơn giản đến hoàn chỉnh. Nhiều trường chưa thể triển khai. Tỷ lệ trường công chưa tiếp cận với đào tạo trực tuyến còn rất cao (57%) trong khi tỷ lệ này ở khối trường ngoài công lập là 26%. Ngay cả trong nhóm có đào tạo trực tuyến thì cũng chỉ có tỷ lệ nhỏ có hệ thống học tập, quản lý học tập, quản lý nội dung một cách đầy đủ, còn phần lớn thì dừng lại ở việc quản lý lớp sinh viên, giảng viên và chủ yếu là sử dụng phần mềm hỗ trợ việc thuyết giảng trực tuyến. Trong 3 tháng nghỉ vì dịch Covid-19, có hàng trăm ngàn sinh viên không học tập gì cả trong số 1,5 triệu sinh viên cả nước.

Công bằng mà nói, thời gian qua, nhiều trường đại học đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến và đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, giảng dạy trực tuyến là một mô hình đào tạo có lý thuyết và phương pháp mới hẳn hoi, nhiều trường triển khai vội vàng nên kết quả đạt được thấp. Không phải do thiếu hạ tầng vì hiện nay, các trường đều trang bị máy tính và đường truyền internet khá tốt với nhiều phần mềm miễn phí. Cần thấy rõ là hiện còn một bộ phận lãnh đạo các trường đại học chưa thực sự am hiểu về đào tạo trực tuyến. Từ đó, thiếu thông tin, nên ngay cả câu chuyện trang bị hạ tầng cũng chưa hợp lý về đầu tư và đặc biệt là vấn đề chuẩn bị cho giảng viên. 

Đồng bộ hơn, chuyên nghiệp hơn

Sắp tới, khi triển khai yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các trường đại học cần xây dựng đội ngũ giảng dạy tốt, thực sự có phương pháp tương tác với người học qua các thiết bị điện tử. Lớp học trực tuyến thực sự không phải là hình thức đưa nguyên bài giảng bình thường trên lớp lên internet, mà cần có cách thiết kế và vận hành riêng. 

Bản thân các phần mềm giảng dạy online đã chú trọng đến việc thiết kế tiết giảng, buổi giảng phù hợp. Tạo ra một buổi giảng online, giảng viên phải chuẩn bị công phu các hình thức bài tập, trò chơi, các kiểu đánh giá (mà phần mềm hỗ trợ giúp cho sinh viên hứng thú học tập). Giảng viên cũng cần phải tạo ra nhiều video sinh động; biết tổ chức lớp học có nhiều nhóm riêng biệt, kèm cặp cụ thể; giảng viên biết đặt nhiều câu hỏi thú vị và sinh động trong quá trình tương tác trên không gian mạng. 

Học trực tuyến cũng buộc sinh viên phải chuẩn bị bài rất kỹ và đóng góp vào bài giảng, nếu không, việc đánh giá (cho điểm) khá công bằng của máy sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Giảng viên có thể dùng iPad để vẽ và video bài giảng được lưu lại để sinh viên có thể nghiên cứu thêm trong những lúc rảnh rỗi sau buổi học. 

Tóm lại, dạy trực tuyến phải có giáo án online riêng, không đơn thuần là việc lấy bài giảng cũ rồi chuyển lên internet. Hy vọng thời gian tới, mô hình đào tạo trực tuyến sẽ trở nên đồng bộ hơn, chuyên nghiệp hơn trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam. 


Có nhiều môn học kỹ năng sinh viên phải được thực hành tại cơ sở không thể học trực tuyến được. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông thực hành làm talkshow tại một đài truyền hình

Không phải nội dung nào cũng giảng dạy trực tuyến

Cần phải nói ngay rằng, rất nhiều ngành học ở bậc đại học ngoài cung cấp kiến thức, còn rèn luyện những kỹ năng cụ thể. Kiến trúc cần có kỹ năng vẽ thiết kế, bách khoa cơ khí cần có kỹ năng lắp ráp, thiết kế, vận hành máy móc. Báo chí cần có kỹ năng sản xuất tin bài, phóng sự truyền hình, chụp ảnh sự kiện… 

Trong các chương trình đại học, sinh viên các ngành thiên về ứng dụng luôn có thời gian dài đi thực tập ở cơ sở và làm dự án, đồ án tốt nghiệp. Thông thường những nội dung thực hành chiếm 50% chương trình đào tạo “học đi đôi với hành”. Những nội dung thiên về kỹ năng này thì việc học trực tuyến không thể thay thế được học trực tiếp. Hay nói cách khác, học trực tuyến phù hợp với những môn nặng lý thuyết, thiên về lý luận. Những kỹ năng thực hành ở cấp độ không phức tạp, cũng có thể đào tạo trực tuyến dưới những hình thức hấp dẫn. 

Có thể nói, giảng dạy trực tuyến giúp cho sinh viên và giảng viên tương tác dễ hơn nhiều hơn hiệu quả hơn tiết kiệm hơn. Và việc học trực tuyến giúp cho người dạy và người học tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực hơn. 


Học trực tuyến ngày nay là xu thế của thế giới trong kỷ nguyên số  

Đi vào kỹ nguyên số

Việc giảng dạy trực tuyến đối với các trường đại học còn có ý nghĩa quan trọng hơn trong hội nhập, hợp tác quốc tế, trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài. Có giảng dạy trực tuyến, sinh viên trong nước có cơ hội tiếp cận với nhiều giáo sư giỏi ở các nước. Chi phí đào tạo được tiết kiệm. Không chỉ hệ đại học mà hệ cao học, nghiên cứu sinh cũng có cơ hội để tiếp cận với lại các học giả, giáo sư nổi tiếng nước ngoài thông qua hình thức đào tạo trực tuyến. 

Đào tạo trực tuyến không chỉ là câu chuyện của các trường đại học mà còn là câu chuyện của thị trường lao động. Thời gian tới, khi máy móc trong kỷ nguyên 4.0 được ứng dụng, sẽ có rất nhiều người bị đẩy ra khỏi thị trường lao động nhất là những người lao động giản đơn. 

Hiện nay, hiện đại hóa giáo dục cũng đồng nghĩa với việc tăng cường các hình thức giáo dục trực tuyến. Việt Nam cũng là nước có hạ tầng mạng khá tốt trong khu vực Đông Nam Á, và đây cũng là điều kiện để giúp cho ngành giáo dục đi vào quỹ đạo kinh tế số, trong đó có giảng dạy trực tuyến.
Phú Trang