Những ngày gần đây, sự kiện được dư luận cả nước quan tâm trong bẽ bàng và đau xót là các câu chuyện gian lận diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 được phát hiện từ tỉnh Hà Giang và một số địa phương khác.
Chỉ cần 6 giây, một anh cán bộ cấp phòng ở Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Giang có thể “hô biến” một học sinh lớp 12 học lực yếu trở thành một thí sinh xuất sắc, dễ dàng vượt qua kỳ thi Tú tài cam go và thoải mái bước vào các trường đại học danh giá nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia. Và không chỉ một trường hợp, mà có đến 114 học sinh được sửa tăng điểm, trong đó, có thí sinh được thêm đến 29,95 điểm!
Bao câu chuyện buồn ấy cứ như những gáo nước lạnh tạt vào những giá trị xã hội mà chúng ta nỗ lực gầy dựng. Một sự chà đạp niềm tin, công lý, sự trung thực không thể bỉ ổi hơn lại xảy ra ngay ở ngôi đền thiêng của bao thế hệ trẻ: ngành giáo dục!
Chiều 17/7, sáu ngày sau khi công bố điểm của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang chính thức họp báo thông tin về vụ việc điểm thi bất thường ở tỉnh này. Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của Hà Giang cùng với Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, ông Vũ Văn Sử đã "nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc điểm thi bất thường ở tỉnh, thừa nhận sai phạm này trước tiên là động cơ không trong sáng".
Mỗi kỳ thi là một lần học sinh và phụ huynh trải qua nhiều lo toan và cung bậc cảm xúc (Ảnh: Hải Yến)
Và khi chúng tôi viết bài này – ngày 23/7/2018 – đó là thông tin duy nhất trên báo chí cho thấy sự nhìn nhận thẳng thắn trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan trong câu chuyện đau lòng này.
Cho đến nay, thì vụ việc không còn dừng ở Hà Giang. Nhiều cái tên được gọi, nghĩa là thêm tiền của, công sức cho quá trình rà soát lại quy trình cũng như kết quả thi. Nhiều cái tên được gọi cũng có nghĩa là số người, đơn vị liên quan nhiều thêm. Nhiều cái tên được gọi cũng cho thấy mức độ trầm trọng của hiện tượng, sự phong phú, đa dạng của các cách thức vi phạm, độ phổ biến và có hệ thống của hoạt động gian lận.
Và, đã khởi tố. Và, đã bắt tạm giam. Nhưng không có thêm lời nhận trách nhiệm nào. Và tuyệt nhiên không có lời xin lỗi nào! Xin lỗi trên truyền thông khó vậy sao?
Ai có thể có lỗi trong câu chuyện này? Cá nhân người cầm bút sửa điểm? Đương nhiên! Cá nhân những người được sửa điểm? Nhiều khả năng! Các cán bộ liên quan trong quy trình? Chắc chắn! Các cán bộ quản lý ngành và ở địa phương? Không thể chối cãi! Chi bộ? Đảng bộ địa phương? Rất rõ ràng vì Đảng lãnh đạo toàn diện và cán bộ vi phạm chắc chắn cũng là đảng viên.
Nhưng tuyệt nhiên không có một lời xin lỗi. Mà xin lỗi trên truyền thông đại chúng, thật ra, trong nhiều trường hơp mới chỉ là hình thức thôi. Nhưng hình thức thôi mà cũng thật hiếm.
Mỗi kỳ thi quốc gia huy động rất nhiều ngành nhiều giới vào cuộc (như ngành công an, bưu điện, giao thông) chứ không chỉ ngành giáo dục. Hàng triệu thí sinh thi là hàng triệu gia đình lo toan. Trong ảnh là các phụ huynh và sinh viên tình nguyện chờ các sĩ tử trong mưa. (Ảnh: Hải Yến)
Trong lý thuyết xử lý khủng hoảng, nhận trách nhiệm, xin lỗi (một cách chân thành) mới chỉ là bước một. Nhưng không có bước một này thì các bước sau, dù có quan trọng đi chăng nữa cũng không thể thực hiện được.
Hành vi xin lỗi trên truyền thông, dù chỉ là hình thức, cũng còn chứa đựng những thông điệp ngầm rất có lợi cho cá nhân, tập thể đã để xảy ra lỗi. Nếu hành vi xin lỗi càng cụ thể càng chân thành thì thông điệp ngầm càng nhiều, rõ ràng và thuyết phục.
Các thông điệp ngầm đằng sau lời xin lỗi có thể là: Chúng tôi đã nhận thức được sai sót. Chúng tôi nhận thấy mức độ ảnh hưởng của lỗi tới cộng đồng. Chúng tôi đã nghiêm túc phân tích mức độ sai phạm của từng cá nhân và hoặc từng bộ phận trong hệ thống. Chúng tôi cam kết làm hết trách nhiệm để sửa lỗi, cải thiện tình hình...
Cách đây không lâu, một nữ hiệu trưởng đã không chịu nói lời xin lỗi, hơn nữa còn đổ lỗi cho người khác rồi dùng hàng loạt "chiêu" để giấu lỗi. Rốt cuộc bà vừa bị dư luận lên án, vừa mất chức và mất danh dự. Trong cuộc sống cũng như trên truyền thông, đẳng cấp không thể hiện ở việc không để xảy ra lỗi, mà đẳng cấp thể hiện ở khả năng sửa lỗi. Và muốn sửa lỗi hiệu quả thì trước hết nên biết nhận lỗi và xin lỗi chân thành. Rất tiếc, những lời xin lỗi vẫn còn là món hàng xa xỉ trên truyền thông Việt!
Lời xin lỗi trên truyền thông sao quá xa xỉ vậy (ảnh minh họa)
Cù Thị Thanh Huyền