Khi smartphone là một phần của nền kinh tế số

Truyền thông hiện nay không chỉ báo chí, quảng cáo, PR hay giao tiếp đơn thuần. Cùng với sự phát triển của công nghệ, truyền thông hiện đại là một phần của nền kinh tế trong kỷ nguyên 4.0.

Xin bắt đầu từ một sự kiện chưa cũ: Cuối năm rồi, vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) - một hãng taxi truyền thống - kiện ra tòa yêu cầu Công ty TNHH Grab Việt Nam - một đơn vị kinh doanh dịch vụ xe hợp đồng điện tử trên nền tảng công nghệ internet - phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng được dư luận đặc biệt quan tâm… Vụ kiện ấy cũng kéo nhiều nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, chuyên gia pháp lý, giới truyền thông vào cuộc. Từ phiên tòa chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Việt Nam về vụ kiện này cho thấy: các hình thức mới của nền kinh tế cộng tác bắt đầu đi vào đời sống hôm nay, và đôi lúc, đôi chỗ đã có những xung đột với cách làm kinh tế theo những mô thức truyền thống.

Cái mới phải đâu là cái lạ

Thực ra, ở thị trường Việt lâu nay không chỉ có Grab mà còn nhiều ứng dụng gọi xe thuần Việt như: BeBike - BeCar, Go-Viet, Vato, Aber… Đó là dạng kinh doanh trên cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng bằng phần mềm. Nguồn lực của họ là từ cộng đồng. 


GrabBike là một loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ 

Tất nhiên, đây là những mô hình quá mới nên cần phải hoàn thiện những quy định pháp lý để bảo đảm quyền lợi của người dân. Lâu nay, những ứng dụng tìm nhà trọ cho sinh viên, ứng dụng bữa trưa đến văn phòng… đều trên cơ sở lấy hạ tầng truyền thông internet, công cụ điện thoại thông minh như một môi trường tối ưu hóa chọn lựa giải pháp và huy động nguồn lực chung.

Một sinh viên Việt Nam xây dựng được ứng dụng qua đó cho phép kết nối các giáo sư, tiến sĩ giỏi ở khắp nơi trên thế giới đến người có nhu cầu học trực tuyến. Mỗi kết nối thành công, bạn ấy được hưởng 10% chi phí.    

Chỉ bằng việc sử dụng nền tảng (platform) số, dịch vụ xe công nghệ thay đổi hoàn toàn phương thức, chất lượng với giá rẻ hơn. Một ngôi nhà trong hẻm sâu ở thành phố cũng có thể “kêu” GrabBike đến bằng bản đồ online không tốn cước điện thoại, việc mà xe ôm truyền thống khó làm được.  

Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay khởi nghiệp bằng các khóa đào tạo trực tuyến: sách, tài liệu cũng được cung cấp online, học bằng các hình thức đa phương tiện cực rẻ và dễ ghi nhận. Ví dụ bạn trẻ Vũ Trung Hiếu tổ chức lớp dạy video marketing thu hút rất đông người tham gia. Hiện nay, chỉ cần gõ các từ khóa trên trang tìm kiếm Google về online learning, những cái tên như Topica, Edumall, Kyna, Học mãi… lúc nào cũng ở vị trí nổi bật. 


Vũ Trung Hiếu và trang Youtube giới thiệu các dịch vụ cung cấp giải pháp trực tuyến về video

Có thể thấy rằng, thông qua việc kết nối các nhóm người bán và người mua lại với nhau, hình thức kinh doanh trên nền tảng công nghệ đang khiến những ngành kinh doanh truyền thống bị đảo lộn. Nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra xu hướng thay đổi sâu sắc trong cấu trúc, và phương thức hoạt động của doanh nghiệp lẫn nền kinh tế dựa vào các nguyên tắc cạnh tranh mới như: tính cởi mở, đồng đẳng, chia sẻ và hoạt động toàn cầu. Và thực tế hiện nay nó đang đến rất nhanh.

Chia sẻ và cộng tác - sự thay đổi căn bản

Nếu trước đây, trong mô hình kinh doanh truyền thống, sự cộng tác làm ăn thường có quy mô nhỏ, thường xuất hiện giữa họ hàng, bạn bè, nhóm xã hội và nơi làm việc cụ thể. Ngày nay, công nghệ đã giải phóng con người để họ tham gia vào việc đổi mới và tạo ra sự thịnh vượng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Chúng ta có thể chia sẻ nỗi buồn ế khách của một bác xe ôm, một anh tài xế xe taxi truyền thống nhưng chúng ta cũng vui mừng nhận thấy kinh tế chia sẻ, kinh tế cộng tác đã thực sự bắt đầu ở Việt Nam. Công nghệ đã tạo ra thời đại của sự tham gia. Smartphone đã góp phần làm phát triển một hình thức kinh tế mới.

Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam giờ đang được thuê gia công (outsource) đồ họa cho các phim truyện hay trò chơi cho những công ty đa quốc gia trụ sở đóng tại Hoa Kỳ hay Ấn Độ. Họ chỉ làm theo đơn đặt hàng một công đoạn nào đó mà cũng không rõ sản phẩm cuối cùng, chưa từng gặp mặt người thuê họ.

Ngành truyền thông giải trí cũng thay đổi. Nhiều cá nhân bây giờ cũng có thể tạo ra các clip ca nhạc, phim truyện thu hút hàng chục triệu lượt người xem trên Youtube và chia sẻ hàng trăm ngàn USD tiền quảng cáo (điều mà trước đây chỉ có các đại gia truyền thông mới làm được).

Trong Top Trending Videos toàn thế giới năm 2018, Việt Nam cũng bất ngờ có một đại diện lọt vào danh sách. Đó chính là phim ca nhạc "Người trong giang hồ -  phần 6" của Lâm Chấn Khang. Nhờ vào kịch bản được xây dựng kỹ lưỡng kết hợp cùng âm nhạc gần gũi với khán giả, bộ phim ca nhạc dài 2 tiếng đồng hồ này đã xuất sắc cán mốc hơn 61 triệu lượt xem và lọt vào "bảng vàng" của Youtube. 


Đến thời điểm hiện tại, “Người trong giang hồ” phần 6 của Lâm Chấn Khang đã đạt được hơn 68,5 triệu lượt xem 

Ngày nay, ai cũng có thể chia sẻ tri thức, công nghệ và các nguồn lực khác để tạo ra đủ loại hàng hóa và dịch vụ miễn phí và nguồn mở mà ai cũng có thể sử dụng và sửa đổi. Chỉ cần có một chiếc điện thoại có kết nối mạng chỉ cần một ý tưởng mới ai cũng có thể tham gia vào nền kinh tế 4.0. Trên bình diện vĩ mô, sự phân công lao động toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng, và sôi động hơn bao giờ hết. 

Tất nhiên, sự thay đổi ấy còn có những mặt trái khó lường hết. Đã có người lên tiếng lo ngại về câu chuyện bản quyền sẽ bị phá vỡ trong nền kinh tế cộng tác. Có những người chậm chân sẽ thành nạn nhân trong cuộc chơi 4.0 ấy. Nhưng những người chiến thắng sẽ đông hơn người thất bại. Cơ hội cho người lao động sẽ nhiều hơn thách thức. Các nhà quản lý cần nhanh chóng bắt kịp xu thế để có những giải pháp tốt. Người lao động cần tự đổi mới để tiếp cận cơ hội, tránh bị tụt hậu.
Phan Văn Tú