(HTV) - Theo thông tin mới nhất, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 có thể được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm 5 tháng, tức bắt đầu từ ngày 1/8/2024.
Đây sẽ là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ xuyên suốt từ năm 2020 đến nay nhằm giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi để bước vào một chu kỳ mới: Ổn định và phát triển bền vững hơn. Đặc biệt là giúp khơi thông dòng vốn cho thị trường - mạch máu của nền kinh tế.
Tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng không thể cho vay đã kéo dài hơn 2 năm qua. Do các vướng mắc về pháp lý bất động sản, dòng vốn bị tắc ở cả 2 đầu: Doanh nghiệp không thể vay để tạo nguồn cung nhà ở, người dân cũng không thể vay để mua nhà.
Do đó, các doanh nghiệp bất động sản đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc thực thi sớm các luật mới để hình thành một hệ sinh thái kích cầu thị trường.
Tại “Tọa đàm Pháp lý và Thị trường Bất động sản trong chu kỳ mới” diễn ra chiều 30/5, các chuyên gia chia sẻ một trong những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 là quy định liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, chủ thể kinh doanh bất động sản đã không còn phân biệt giữa cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
TP.HCM hiện còn khoảng 148 dự án bị vướng về luật. Nếu được tháo gỡ sớm, sức lan tỏa sẽ rất rộng. Bởi TP.HCM rất nhạy với sự thay đổi của các chính sách.
Dễ thấy là một số quy định mới được đưa vào Luật Đất đai năm 2024 và các luật khác, giống với cơ chế đặc thù mà Nghị quyết 98 đã trao cho Thành phố. Khi hành lang pháp lý mới đang dần trở nên rõ ràng và minh bạch hơn, thị trường sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tạo ra các giá trị cho sự phát triển bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9