(HTV) - Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đều là xu hướng tất yếu và là chiến lược quốc gia. Thay vì có những chính sách phát triển riêng biệt, kinh tế xanh và kinh tế số có thể bổ trợ cho nhau để tạo bứt phá.
Theo Sách trắng vừa được Đại học RMIT Việt Nam công bố, trong bối cảnh nền kinh tế số toàn cầu đang tăng trưởng nhanh chóng, với quy mô nền kinh tế số dự kiến đạt 20,8 ngàn tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam cũng đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số trong những năm gần đây. Điều này thúc đẩy Chính phủ đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai. Quyết định 411 của Chính phủ định nghĩa nền kinh tế số là nền kinh tế sử dụng công nghệ số, dữ liệu số làm đầu vào chính và hoạt động chủ yếu trong môi trường số. Mục tiêu đến năm 2030 là kinh tế số đóng góp 30% vào GDP, trong đó mỗi lĩnh vực đóng góp ít nhất 20%. Mục tiêu là thương mại điện tử chiếm hơn 20% tổng doanh số bán lẻ và 100% doanh nghiệp áp dụng các nền tảng hợp đồng điện tử. Ngoài ra, hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ được kỳ vọng sẽ sử dụng các nền tảng số, trong khi tỷ trọng nhân công số trong lực lượng lao động sẽ vượt hơn 3%.
Việt Nam cũng rất chú trọng đến các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" tại Cop-26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia với các kế hoạch hành động để thực hiện cam kết này. Nhờ nâng cao kỹ năng số, các cá nhân có thể tích cực tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và các phương pháp tiếp cận thân thiện với môi trường, tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và áp dụng công nghệ sạch. Thông qua việc nâng cao năng lực số, Việt Nam củng cố khả năng chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, ít carbon, mở đường cho một tương lai xanh hơn và linh hoạt hơn.
Còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh
Bên cạnh cơ hội và lợi thế của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, thì cũng còn không ít thách thức, khiến những nỗ lực lâu nay chưa phát huy hết tiềm năng. Và hiểu rõ nhất có lẽ là cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đối với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nền tảng hạt nhân vẫn là thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới các mô hình kinh doanh mới. Cần tập trung tạo ra những doanh nghiệp phát triển mạnh, tháo gỡ những rào cản, khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng nằm trong xu hướng chuyển đổi rất tích cực. Để tạo đà bứt phá cho các doanh nghiệp thì Thành phố có Nghị quyết 98 của Quốc hội có định hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon. Đây cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp chuyển đổi.
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trao đổi cùng phóng viên HTV
“Với tính bất định của thị trường hiện nay, các mô hình kinh doanh có thể thành công, có thể thất bại do sự thay đổi rất nhanh của môi trường kinh doanh cũng như của các yêu cầu mới. Do đó, các doanh nghiệp phải không ngừng phát triển công nghệ, không ngừng tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững. Chuyển đổi số, nền tảng số cũng là những yếu tố tạo tiền đề, tạo năng lực cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, đưa ra các sản phẩm xanh hơn, quy trình sản xuất xanh hơn, đáp ứng nhu cầu về xanh hóa trong sản phẩm của khách hàng.
Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế, học hỏi được kinh nghiệm của các nước đi trước, cộng với việc chúng ta có lực lượng lao động trẻ, lợi thế về nền tảng công nghệ thông tin sẽ giúp chúng ta phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Còn về phát triển kinh tế xanh, mặc dù đi sau, nhưng đây là nhu cầu tất yếu của phát triển bền vững, và chúng ta cũng đã thấy sự khởi sắc đó trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ nhà trường cho đến các doanh nghiệp đều hướng đến phát triển bền vững, hướng đến phát triển xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh chia sẻ.
Xu hướng xanh đặt ra nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Xu hướng số đòi hỏi lực lượng lao động có năng lực số.
Tất cả đều cần những chính sách hỗ trợ kịp thời. Nếu không, cơ hội sẽ vụt mất, thách thức sẽ tăng lên. Các mục tiêu dù đạt được cũng khó tương xứng với các yêu cầu mới phát sinh.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9