(HTV) - Các kênh bán hàng trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá vận hành trong sản xuất, trong vận hành chuỗi cung ứng, mà còn tạo nên những giá trị mới cho khách hàng, từ giao tiếp, tương tác, mua bán, trải nghiệm.
Thời gian gần đây, các sàn thương mại điện tử thường xuyên trợ giá cho các nhãn hàng, tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi. Điều này khiến việc mua sắm vừa trở nên tiện lợi, lại vừa tiết kiệm chi phí mua hàng. Đây cũng được xem là giải pháp để các doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Bán hàng trên nền tảng số là kênh phân phối rất tiềm năng
Đánh giá việc bán hàng trên nền tảng số là kênh phân phối rất tiềm năng, công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu đã thiết kế phòng livestream riêng và đào tạo nhân sự để chủ động triển khai bán hàng thuận tiện hơn. Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc công ty, gần đây đơn vị tập trung đầu tư vào sàn Thương mại điện tử, trong đó có Tiktok và thường xuyên phải live và làm những clip để giới thiệu tác dụng và thành phần của sản phẩm cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải đầu tư và nhiều kênh và nhiều nền tảng, có Tiktok, Lazada, Amazon... tùy từng sàn mà tăng trưởng, nhưng trung bình là rơi vào 20-30%.
Ngành Công nghiệp livestream tạo cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử
Sức nóng của ngành Công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử. Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã có những buổi livestream bán hàng kéo dài 2-3 giờ với các hoạt động game và các chương trình khuyến mãi độc quyền. Triển khai từ đầu tháng 7 năm 2024, chương trình Siêu sao siêu sale đã nhận được sự tham gia của 200 nhãn hàng, với gần 500 sản phẩm ở tất cả các lĩnh vực.
Bùng nổ xu hướng livestream bán hàng
Theo anh Nguyễn Trần Quốc Đạt - Giám đốc công ty BeyonDK, thông qua các phiên live, thì người mua hàng được nghe nhận xét một cách trực quan, và phản hồi trực tiếp qua hình thức comment. Mỗi phiên live có 100 nhãn hàng, tổng chương trình có 200 nhãn hàng nên chia nhau. Hàng tuần có 04 phiên live, tổ chức thứ 6 và thứ 7.
Thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng trực tiếp mở cửa hàng trực tuyến hoặc bắt tay với các KOLs để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Mới đây tỉnh An Giang đã tổ chức phiên livestream cùng 12 nhà sáng tạo nội dung, giới thiệu trên 100 sản phẩm của 22 doanh nghiệp. Sau 4 giờ, phiên livestream thu hút hơn 31 triệu lượt xem, nhận được 17.800 đơn hàng, doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Tỉnh An Giang tổ chức phiên livestream cùng 12 nhà sáng tạo nội dung
Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang nhận định: “Những buổi live chính thống như thế này chưa thực hiện bao giờ, nên đây là lần đầu tiên hỗ trợ Doanh nghiệp bán hàng. Có mấy việc cần phải làm sắp tới, đó là kết nối giữa các Doanh nghiệp với nhà sáng tạo nội dung để họ hỗ trợ Doanh nghiệp bước đầu, đồng thời tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị công nghệ để hỗ trợ các nhãn hàng”.
Các kênh bán hàng trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá vận hành trong sản xuất, trong vận hành chuỗi cung ứng, mà còn tạo nên những giá trị mới cho khách hàng, từ giao tiếp, tương tác, mua bán, trải nghiệm. Đây là một xu hướng hiệu quả để tiếp cận người tiêu dùng, nên các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp nếu không muốn bị tụt hậu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9