Như một xu hướng
Khi facebook cho ra đời dịch vụ này, nhiều người đã tận dụng nó vào việc ghi lại các sự kiện sinh hoạt như tiệc tùng trong gia đình, họp lớp, đi hát karaoke hay một hội thảo, cuộc họp để đưa lên mạng hạn chế số được người xem. Dần dần, dịch vụ đưa video trực tiếp (với một số nhân vật đặc biệt khi để chế độ public), trở thành kênh thu hút đông người xem, tham gia tương tác, bày tỏ thái độ. Các nhà quảng cáo đã vào cuộc.
Và không biết tự bao giờ, giới trẻ đã nhanh chóng nắm bắt việc xây dựng kênh livestream như một dịch vụ để thu tiền quảng cáo.
Nhiều người biến căn phòng nhỏ hẹp mình thành studio với một số thiết bị nhỏ gọn như máy ảnh, đèn led, giấy dán cách âm… để livestream dạy tiếng Anh, dạy nhạc cụ, hướng dẫn chơi games, chơi các môn thể thao, bác sĩ online tư vấn miễn phí, hoặc dùng di động để livestream giới thiệu địa điểm ăn uống, các khu du lịch, thậm chí bán hàng đa cấp…
Ai cũng có thể livestream với điều kiện là nội dung phù hợp với các quy định pháp luật và đạo đức. Và đây cũng là cách kiếm tiền nên kích thích nhiều bạn trẻ có năng khiếu thỏa sức sáng tạo.
Livestream để “làm ăn” như thế phát triển khá mạnh trên thế giới hiện nay và xu hướng này tràn vào Việt Nam hai năm gần đây. Tất nhiên, để kiếm được tiền từ chia sẻ quảng cáo cũng không phải dễ dàng. Bởi việc tạo ra các video trực tiếp ấy không chỉ cần có thiết bị, mà bản thân người thực hiện phải có những năng lực truyền thông nhất định, đặc biệt là năng lực sáng tạo, có ý tưởng độc đáo, có khiếu diễn đạt, có kịch bản hấp dẫn, bất ngờ mới thu hút được lượng người xem, người tương tác…
Và bán hàng
Livestream được tận dụng nhiều là hình thức bán hàng online. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện có tới 400.000 người bán hàng trên Facebook, trong đó có khoảng 100.000 người bán hàng quần áo, thời trang, giày dép, mỹ phẩm quy mô nhỏ lẻ. Hằng đêm, có hàng trăm nghìn người livestream trên Facebook để bán hàng.
Hình thức bán hàng trực tuyến này nở rộ xuất phát từ chuyện chi phí quảng cáo trên các kênh chính thống và cả mạng xã hội ngày càng cao. Livestream bán hàng tiết kiệm được chi phí PR sản phẩm tới người tiêu dùng. Livestream còn giúp người tiêu dùng quan sát được sản phẩm và có thể tương tác với người bán hàng.
Điều thú vị là hiện có rất nhiều nông dân cũng biết bán hàng trên mạng. Cũng theo một thống kê từ Nelson Media, có đến 90% dân số ở khu vực nông thôn sử dụng điện thoại di động. Nhiều nông dân ở miền Bắc đã bán nhãn trên facebook, nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã bán sầu riêng bằng các hình thức livestream.
Người nội trợ khi được trực tiếp chứng kiến hình ảnh trồng rau sạch, vườn trái cây và quy trình sản xuất nông sản sẽ có niềm tin về sản phẩm, sẽ thích thú đặt hàng. Và có một lý do mà nhiều bà nội trợ chọn mua nông sản từ các kênh livestream là giá cả: rẻ hơn mua ở siêu thị.
Điều khó khăn nhất trong việc bán hàng online nói chung và bán hàng nông sản nói riêng là khâu vận chuyển. Ở Trung Quốc, nông dân có thể thuê các nhà hàng ảo trên các trang bán hàng lớn của Trung Quốc để giới thiệu các mặt hàng và trực tiếp livestream hoặc thuê những người có duyên ăn nói nổi tiếng để giới thiệu sản phẩm. Khâu phân phối do một công ty vận chuyển xử lý nên giá thành sẽ rẻ.
Giao diện một trang thương mại điện tử hỗ trợ nông dân bán nông sản online
Công nghệ truyền thông đã và đang chắp cánh cho thương mại điện tử và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, câu chuyện bán hàng livestream vẫn còn là nỗ lực tự phát. Công bằng mà nói, cũng có nhiều trang web thương mại điện tử hỗ trợ các cá nhân bán hàng. Ví dụ như nongsanonline.com.vn, nongsanngon.com.vn hỗ trợ cho nông dân nhưng so với mong muốn, hiệu quả vẫn còn khiêm tốn.
Livestream trên mạng để kiếm tiền, dù là dạy học hay bán hàng cũng cần có bài bản: hiểu biết tâm lý người xem, khai thác yếu tố cá nhân hóa của người trình bày, và có ý tưởng phong phú, độc đáo.
Những người bán hàng online lập nhóm Livestream trên mạng để chia sẻ video
Theo dự báo, trong những năm tới, hình thức livestream bán hàng và làm dịch vụ sẽ phát triển mạnh, đặc biệt, trong tương lai, facebook còn có tính năng livestream 360 độ, livestream bằng công nghệ thực tại ảo. Đến lúc đó, người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ nếu có đeo kính chuyên dụng thực tại ảo, có thể có cảm giác như đang sờ vào món đồ mình muốn mua, đi vào trong vườn cây, siêu thị trên mạng… Và như thế, “cuộc chơi livestream” hứa hẹn là mảnh đất còn nhiều điều lý thú để khám phá.