Xem những chương trình truyền hình trực tiếp quan trọng, khi một MC xinh đẹp dùng từ sai, chúng ta có cảm giác như nhai phải sạn. Bởi, nhiều lỗi tiếng Việt tưởng chừng nhỏ lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, nhất là các cháu còn học phổ thông…
Sai sót về ngôn ngữ trên truyền thông rơi vào nhiều khía cạnh: lỗi ngữ âm - chính tả, lỗi từ vựng, lỗi ngữ pháp, lỗi phong cách. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các lỗi này ngày càng nhiều trên truyền thông, ảnh hưởng đến nỗ lực giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Ngày nay, có nhiều công cụ trực tuyến giúp người làm truyền thông rà soát lỗi chính tả, lỗi dùng từ nhanh chóng thay cho các bộ từ điển lớn
Dùng sai từ Hán Việt
Trong tiếng Việt, số lượng từ ngữ có gốc Hán rất nhiều. Việc dùng các từ Hán Việt trong một số trường hợp bị sai do người viết không hiểu các thành tố gốc Hán.
Chẳng hạn: từ yếu điểm có nghĩa là điểm quan trọng. Chữ yếu trong tiếng Hán có nghĩa là quan trọng. Chữ yếu này được dùng trong rất nhiều từ Hán Việt như: yếu nhân (VIP), yếu tố, chính yếu, chủ yếu, hiểm yếu, kỷ yếu, trọng yếu, xung yếu, yếu địa, yếu lược… Thế nhưng, một số người nhầm lẫm yếu điểm là điểm yếu. Điểm yếu là từ thuần Việt. Nếu diễn đạt nghĩa điểm yếu bằng từ Hán Việt thì đó sẽ là nhược điểm.
Một từ Hán Việt khác cũng thường bị dùng sai trên báo chí là tham quan bị diễn đạt thành thăm quan. Trong tiếng Việt có từ thăm với nét nghĩa là đi đến một nơi nào đó để hỏi han, để nắm được tình hình, để tỏ sự quan tâm (ví dụ như: đi về thăm quê, đi thăm bệnh…). Thăm là từ thuần Việt. Còn từ tham quan (với nét nghĩa động từ) là đi đến tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm (trong đó, quan mang nét nghĩa là xem xét, quan sát, nhìn nhận, tham là tham gia, tham dự).
Có một từ Hán Việt bị dùng sai quá nhiều nên giờ thành phổ biến, đó là tự vẫn. Đây là từ Hán Việt với nghĩa là dùng gươm / dao tự đâm cổ mình. Thế nhưng từ này được dùng tương đương như tự tử hay tự sát vốn có trường nghĩa rộng hơn để chỉ hiện tượng "cố ý giết chết mình". Tốt nhất là dùng tự tử, vì đây là từ chỉ chung các trường hợp. Còn tự thiêu, tự vẫn, tự trẫm… là những hình thức cố ý làm hại cuộc sống của mình một cách đặc biệt.
Lỗi dùng sai từ Hán Việt phổ biến trên truyền thông đã được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu lên tiếng, song, tình trạng này hiện vẫn chưa được một số cơ quan báo chí - xuất bản, một số đơn vị làm truyền thông - quảng cáo chú trọng. Chỉ cần “google” trong chưa đầy 1 giây, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra những trường hợp bị lỗi dùng từ Hán Việt như: viết hoặc đọc sai là sát nhập thực tế phải viết đúng là sáp nhập; viết hoặc đọc sai là sáng lạng thực tế phải viết đúng là xán lạn; viết hoặc đọc sai là vô hình chung thực tế phải viết đúng là vô hình trung; viết hoặc đọc sai là nhận chức thực tế phải viết đúng là nhậm chức; viết hoặc đọc sai là chuẩn đoán thực tế phải viết đúng là chẩn đoán…
Lỗi sai chính tả
Lỗi sai chính tả có rất nhiều tình huống và xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng những trường hợp phổ biến là do lỗi phát âm vùng miền hoặc do thói quen.
Hiện tượng sai lỗi chính tả trên truyền thông ở công cộng cũng còn diễn ra. Trong ảnh: một khẩu hiệu an toàn giao thông viết sai chính tả (“sẩy ra” - viết đúng phải là “xảy ra”)
Sau đây là một số ví dụ:
- Nghe phong phanh là cách viết sai chính tả. Viết đúng phải là nghe phong thanh. Phong thanh là âm thanh của gió, nghĩa bóng là câu chuyện chưa rõ ràng, câu chuyện ấy là tin đồn.
- Nhầm lẫn khoảng và khoản: Khoảng là từ chỉ một phạm vi không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Ví dụ: khoảng cách, khoảng không, khoảng thời gian. Nhưng không thể viết khoảng tiền, khoảng nợ, tài khoảng… mà phải viết đúng là khoản tiền, khoản nợ, tài khoản… (khoản là một mục, một bộ phận)
- Nhầm giữa doanh thu và doanh số: Doanh số là tổng lượng sản phẩm bán ra nhân với đơn giá, còn doanh thu là doanh số trừ các chi phí sản xuất, hao tổn...
- Dành và giành: Dành là động từ mang nét nghĩa tiết kiệm, cất giữ hoặc xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, phần này dành cho ông bà… Còn giành là động từ chỉ sự tranh đoạt. Ví dụ: giành giật, giành huy chương vàng…
- Dục và giục: Dục là từ gốc Hán, nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, tình dục, dục vọng. Còn giục là động từ mang nét nghĩa hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.
- Xuất và suất: Xuất là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… Xuất cũng còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng… Còn suất là danh từ mang nét nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…
Trên đây là một số nhỏ trong số nhiều dạng lỗi chính tả (và cũng là lỗi dùng từ) khá phổ biến trong đời sống truyền thông Việt hiện nay. Có một lỗi chính tả không phải do phát âm hay hiểu sai nghĩa của từ mà là do… viết hoa (hoặc không viết hoa) đúng quy ước.
Ví dụ: khi chúng ta viết từ Đảng với ý nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam - một tổ chức chính trị lãnh đạo đất nước, chúng ta phải viết hoa với cả thái độ tôn trọng, và vì đó là thực thể duy nhất. Nhưng khi chúng ta thể hiện từ đảng viên thì không cần viết hoa chữ đảng, vì đây là danh từ chung. Khi chúng ta viết từ Nhà nước với ý nghĩa là hệ thống chính trị, thực thể quản lý đất nước, chúng ta phải viết hoa (chỉ viết hoa chữ Nhà). Nhưng trong các cụm từ như: quản lý nhà nước, Ngân hàng nhà nước…, yếu tố nhà nước trong cụm không cần viết hoa.
Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt không chỉ là công việc của ngành Giáo dục, các cơ quan truyền thông cần phải có trách nhiệm hơn
Lỗi chính tả hoặc lỗi dùng từ là thực trạng không dễ khắc phục. Và vì thế, các cơ quan truyền thông luôn có bộ phận biên tập. Hiện nay, các công cụ để tra cứu online ngày càng dễ dàng. Khi không chắc về cách hiểu một từ, khi còn nghi ngờ về chính tả của một chữ nào đó, chúng ta có thể tra cứu dễ dàng trên internet mà không cần đến những bộ tự điển giấy hay phải vào thư viện.
Vấn đề mà bài viết này muốn nói đến là những lỗi chính tả hoặc lỗi dùng từ trên truyền thông, nhất là báo chí chính thống rất ảnh hưởng đến cộng đồng. Học sinh phổ thông vốn có niềm tin vào báo đài. Một câu văn viết sai ngữ pháp hoặc không đúng phong cách ngôn ngữ của phóng viên, của biên tập viên thể hiện trên mặt báo, trên sóng phát thanh, truyền hình - vô tình - tác động đến những cách dùng tiếng Việt sai lỗi của các em.
Và chính vì thế, báo chí chính thống phải là nơi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mong lắm thay!
Phú Trang