(HTV) - Hội nghị thượng đỉnh năm 2024 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại thủ đô Washington của Mỹ từ ngày 9 đến 11/7.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi NATO tròn 75 tuổi, vừa chào đón thành viên thứ 32 và tình hình thế giới có nhiều biến động.
Kết thúc hội nghị, Tuyên bố chung nêu rõ NATO tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ tên lửa, hệ thống phòng không tích hợp, phòng thủ không gian mạng và răn đe hạt nhân. Liên minh sẽ triển khai tên lửa chiến lược của Mỹ ở Đức, thành lập lực lượng phản ứng nhanh, sẵn sàng triển khai gần biên giới Nga. Các quốc gia thành viên NATO thuộc châu Âu phải nâng cao khả năng tự chủ chiến lược, trước hết là tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP.
Về Ucraina, NATO cam kết hỗ trợ nước này về chính trị, tinh thần, vũ khí và tài chính, quyết không để Nga thắng. Hơn 43 tỷ USD viện trợ trong năm 2025, máy bay F16 và các tổ hợp phòng không hiện đại tiếp tục đổ về Ucraina. Các nhà lãnh đạo NATO cũng tái cam kết việc kết nạp Ukraine là “tiến trình không thể đảo ngược”.
Lãnh đạo NATO cam kết tiếp tục ủng hộ Ucraina
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh Trung Quốc là thách thức, là đối thủ hệ thống, lâu dài, chỉ trích Trung Quốc hợp tác “không giới hạn”, hỗ trợ quân sự cho Nga ở Ucraina. Do đó, NATO tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn cầu, nhất là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với “Bộ tứ” Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Bên lề hội nghị, các nước thành viên cũng công bố một số thỏa thuận an ninh song phương. Mỹ, Hà Lan, Rumani, Đức và Italia thông báo trong những tháng tới sẽ hỗ trợ cho Ucraina hàng chục hệ thống phòng không, trong đó có 4 hệ thống Patriot.
Mỹ cũng cho biết sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa tại Đức từ năm 2026. Tuyên bố chung của hai nước cho biết, việc triển khai theo đợt hiện nay là để chuẩn bị cho việc đồn trú lâu dài hơn ở Châu Âu, với các khả năng bao gồm trang bị các tên lửa SM-6, Tomahawk và các loại vũ khí siêu thanh đang phát triển có tầm bắn xa hơn.
Mỹ có ý định triển khai tên lửa Tomahawk tại Đức. Nguồn ảnh: Reuters
Nga và Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ với tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO, đồng thời cho biết sẽ có những động thái đáp trả tương xứng với sự thù địch của các nước phương Tây.
Người phát ngôn Điện Kremli Dmitry Peskov hôm 11/7 cho rằng mục tiêu của NATO là trấn áp Nga và các hành động của liên minh này thể hiện "mối đe dọa nghiêm trọng" với an ninh quốc gia Nga.
Ông Peskov cho biết Nga đang theo dõi hạ tầng quân sự của NATO tiến gần hơn về phía biên giới nước này, đồng thời cảnh báo sẽ hành động thích hợp, kể cả việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân, để kiềm chế liên minh quân sự của phương Tây.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của NATO cho rằng việc kết nạp Ucraina là “tiến trình không thể đảo ngược”.
Gay gắt hơn, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thậm chí còn cho rằng Nga nên hướng tới mục tiêu là sự biến mất của cả Ucraina và NATO.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và NATO rằng việc hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ucraina sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột chứ không thay đổi kết quả, đồng thời dẫn tới nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp.
Nga phản ứng trước sự thù địch của phương Tây
Về phần mình, Trung Quốc mô tả bản tuyên bố chung của NATO là "đầy rẫy tâm lý Chiến tranh lạnh và lời lẽ hiếu chiến", nói rằng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang tìm cớ để mở rộng ảnh hưởng về phía đông.
Triều Tiên cũng lên án NATO hợp tác với Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng răn đe trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng Mỹ đang tìm cách mở rộng hoạt động của NATO sang Châu Á, gọi đây là nguyên nhân sâu xa đe dọa nghiêm trọng hòa bình khu vực, làm trầm trọng thêm môi trường an ninh quốc tế và châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia, NATO đang chứng tỏ rằng liên minh quân sự này vẫn là một thế lực quan trọng sau 75 năm tồn tại. Tuy nhiên, việc triển khai các cam kết hỗ trợ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào tình hình của từng quốc gia thành viên NATO.
Bất chấp những tuyên bố sẽ hỗ trợ Ucraina, hội nghị đã không thể đạt được cam kết tài chính dài hạn mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mong muốn. Trong khi đó, NATO cũng chưa đặt ra mốc thời gian cụ thể cho việc kết nạp Ucraina làm thành viên.
Ngay cả trong nội bộ NATO cũng bất đồng về việc kết nạp Ucraina. Tại hội nghị lần này, Hungary và Slovakia đã công khai phản đối đề xuất gia nhập NATO của Ucraina, cho rằng việc này sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, có thể dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Hungary và Slovakia phản đối kết nạp Ucraina vào NATO. Nguồn ảnh: AP
Về lâu dài, việc thực thi các cam kết này cũng là vấn đề,nếu ông Donald Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử tháng 11 năm nay. Ông Trump từng tuyên bố sẽ kết thúc cuộc chiến tại Ucraina chỉ trong một ngày, dù không nói rõ cách thức.
Trong nội bộ NATO, ở nhiệm kì trước của mình, ông từng công khai ý định rút Mỹ khỏi khổi, cho rằng liên minh này đã trở thành gánh nặng của Washington, công kích các thành viên không đạt mức chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP như cam kết.
Ông Donald Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO. Nguồn ảnh: AFP
Trong phương hướng phát triển thời gian tới, NATO nhấn mạnh tới nâng cao năng lực quốc phòng chung và hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng sau khi cuộc xung đột tại Ucraina đã bộc lộ rõ những điểm yếu của khối. NATO muốn tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ trong mọi lĩnh vực và theo nhiều hướng chiến lược trên khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện đại hóa nền quốc phòng tập thể. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa kế hoạch này cũng không dễ dàng.
Ngoài ra, dù cam kết không mở rộng sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng NATO lại đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt, các cuộc diễn tập chung và duy trì căn cứ quân sự của Mỹ ở các quốc gia đối tác hàng đầu.
Trung Quốc và Triều Tiên đã mạnh mẽ phản đối sự mở rộng phạm vi hoạt động của NATO, đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. Theo các chuyên gia, điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy hình thành các liên minh quân sự đối đầu, không có lợi cho hòa bình thế giới.
Trung Quốc và Triều Tiên phản đối NATO mở rộng hợp tác tại Châu Á. Nguồn ảnh: NATO
Dù thừa nhận vai trò quan trọng của NATO, giới phân tích chính trị quốc tế nhận định nhiều thách thức toàn cầu sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9