Câu chuyện truyền thông

Một khái niệm ngôn ngữ hay bị nhầm trên truyền thông

Lâu nay, khi xem truyền hình hay đọc báo, chúng ta thường gặp tình huống nhầm lẫn khái niệm “từ” và “tiếng” hay “âm tiết” trong tiếng Việt…


Trên sóng truyền hình, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người nổi tiếng tham gia các vai trò như chuyên gia tư vấn, giám khảo hay nhân vật đồng hành v.v… là những đối tượng có tác động đến ngôn ngữ của xã hội.

Sự nhầm lẫn này trên truyền thông đại chúng, vô tình hay hữu ý, tác động tới đối tượng trẻ em, dẫn đến tình trạng hiểu sai kiến thức từ vựng ngôn ngữ mẹ đẻ… 

Chương trình trò chơi truyền hình về đề tài lịch sử trên một kênh truyền hình nọ phát sóng gần đây là một chương trình có mục đích tốt, góp phần cung cấp những kiến thức lịch sử cho khán giả, đặc biệt là nhóm khán giả trẻ. Tuy nhiên, trong cách tổ chức (format chương trình), có một chi tiết liên quan đến ngôn ngữ cần phải sửa chữa: Đó là lời GỢI Ý của người dẫn chương trình trong một vòng thi mà ở đó, thí sinh phải trả lời một số câu hỏi trong một khung thời gian cố định. Theo luật chơi, trong khoảng thời gian đó, nếu thí sinh chưa nghĩ ra đáp án thì được quyền xin người dẫn chương trình gợi ý (và khi được gợi ý thì nếu đáp đúng, số điểm sẽ bị giảm xuống). Ý tưởng chương trình không có gì để bàn nhưng cái cách mà MC gợi ý là có vấn đề. Ví dụ: Nếu đáp án là “Thăng Long”, người dẫn chương trình sẽ gợi ý: “Đáp án gồm 2 TỪ, mở đầu bằng chữ T”; Nếu đáp án là “Ải Chi Lăng”, người dẫn chương trình sẽ gợi ý: “Đáp án gồm 3 TỪ, mở đầu bằng chữ A”.


Truyền thông đại chúng phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Chuyện hiểu nhầm khái niệm “từ” tiếng Việt như thế xuất hiện khá phổ biến trong đời sống, sinh hoạt, và đôi lúc đôi chỗ, xuất hiện trong cả báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng và thậm chí, cả trong nhà trường. 

Báo chí là những phương tiện thông tin đại chúng có sức lan tỏa mạnh đến nhiều tầng lớp nhân dân, vì thế, những sơ sót này có tác động không nhỏ đến cả cộng đồng, đến nền giáo dục.

Tiếng Việt là tiếng đơn âm tiết, nên chuyện một TỪ trùng khít với một tiếng hay âm tiết (sylable) là phổ biến, là bình thường. Nhưng tiếng Việt có rất nhiều từ gồm 2, 3 âm tiết, nhà trường dạy học sinh gọi đó là "từ đôi”. Bát, đũa, chén, muỗng, ăn uống, ngủ, nghỉ… là từ đơn. Truyền hình, phát thanh, báo chí, in ấn… là từ đôi. “Sạch sành sanh” là một từ, một từ gồm 3 âm tiết. “Xã hội chủ nghĩa” (socialism) là một từ gồm 4 âm tiết (hay 4 tiếng).

Âm tiết – theo tự điển của Nguyễn Như Ý – là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói, gồm một hoặc vài âm tố, trong đó chỉ có một nguyên âm và có thể mang thanh điệu.


Truyền thông đại chúng phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

“Âm tiết” hay “tiếng” được xét ở góc độ ngữ âm

“Từ” – theo tự điển của Nguyễn Như Ý – là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định, dùng để tạo câu. “Từ” được xét ở góc độ từ vựng học, ngữ nghĩa học, ngữ pháp học.

Theo định nghĩa trên thì ngay cả trong tiếng Anh, cũng có những từ đơn âm tiết và có những từ đa âm tiết. Ví dụ cat (con mèo) là từ có 1 âm tiết, monkey (con khỉ) là từ có 2 âm tiết. Có điều trong chữ viết tiếng Anh, phần lớn từ được viết dính liền nhau (trừ những từ ghép). Trước 1975 ở miền Nam, từ tiếng Việt được viết có dấu ngăn nối. Ví dụ: chính – phủ, sự - kiện v.v…

Chuyện nhầm lẫn 2 khái niệm “tiếng” và “từ” rơi vào rất nhiều games show trên sóng truyền hình cả nước. Không có gì khó khăn để tìm những ví dụ về chuyện lẫn lộn từ - tiếng trong truyền thông. Mà ngay cả trong nhà trường, như đã nói, nhiều khi chúng ta cũng bắt gặp sự lẫn lộn này. Chẳng hạn các dạng đề thi: “Hãy viết một đoạn văn không quá 300 từ” (thực tế người ra đề muốn yêu cầu viết một đoạn văn không quá 300 âm tiết). Trong trường hợp này, cái lỗi là do người ra đề bị ảnh hưởng tiếng Pháp, tiếng Anh (từ trong tiếng Tây, dù ít hay nhiều âm tiết phần lớn được viết ghép nhau, đoc nối nhau. 

Tất nhiên hiện nay vẫn còn một số tranh cãi về những chuyện liên quan đến từ ghép. Chẳng hạn “CÙ LAO PHỐ” là một từ hay hai từ? Có người nói rằng CÙ LAO PHỐ là một từ chỉ địa danh (như từ “Đồng Nai”, “Biên Hòa” v.v…) – một địa danh rất nổi tiếng. Nhưng cũng có người nói rằng, CÙ LAO PHỐ là một cụm gồm 2 từ: “cù lao” – danh từ chung và “Phố” – danh từ riêng giống như cụm từ “xã Hiệp Hòa”, “phường Bửu Hòa” v.v….


Báo in ngày nay tuy không còn mạnh trước sự lấn át của truyền thông trên nền tảng internet nhưng vẫn có vị trí quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Nhưng những tranh cãi đó là chuyện học thuật không ảnh hưởng đến việc hiểu hai khái niệm khác nhau là “tiếng” và “từ”. Cách hiểu sai của giới truyền thông đã dẫn đến cách dùng sai khái niệm này trong đời sống. 

Có một câu chuyện vui: ông giáo sư ngôn ngữ đi ăn sáng, thấy đề biển: "Ở đây có SÔI nóng" thì nhất định không ăn. Thà nhịn đói chứ không ăn SÔI, chỉ ăn XÔI thôi (mặc dù sai chính ta là việc của bà bán xôi, ăn là việc của giáo sư...). 

Không phải khán giả truyền hình nào cũng biết phản ứng như vị giáo sư nọ bởi đa số đều xem truyền hình nói riêng và báo chí nói chung là những kênh thông tin – giáo dục – khuyến hoc. Và điều này cho thấy những người làm truyền thông còn cần phải thận trọng nhiều hơn.

Góp phần giữ gìn sự trong sáng cua tiếng Việt là đao đức, là trách nhiệm. Trong khi xã hội đang nỗ lực hết mình thì giới truyền thông cũng cần có những sự điều chỉnh tốt hơn vì mục tiêu chung.
Phú Trang