Một ngày, hai vụ tin giả

Ngày 20/11, trang web Hal Turner Radio Show (halturnerradioshow.com) tuyên bố rằng "các nguồn tin quân sự" không xác định cho biết vào khoảng 18g22 ngày 20/11, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra ở độ sâu 50m dưới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông.

Ngày 20/11, trang web Hal Turner Radio Show (địa chỉ: halturnerradioshow.com) tuyên bố rằng "các nguồn tin quân sự" không xác định cho biết vào khoảng 18g22 ngày 20/11, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra ở độ sâu 50m dưới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông.

Xin được nói ngay rằng đây là tin tức giả. Trang web nói trên là blog cá nhân của một người dẫn chương trình phát thanh, cũng là nhà bình luận chính trị ở New Jersey, Mỹ - vốn có nhiều “tiền sự” về tạo tin tức giả. Thế nhưng, rất nhiều trang báo chính thống của Nga, của Trung Quốc sau đó đều lấy lại thông tin từ trang nói trên. Và nhiều tờ báo ở Việt Nam do không thể kiểm chứng được các nguồn từ nước ngoài đã bị “việt vị” vì tin giả ấy!Không hề có cái gọi là vụ nổ hạt nhân ngoài khơi Biển Đông.


Không có chuyện nổ tàu ngầm ở Biển Đông

Từ thông tin vụ nổ hạt nhân được làm giả như nói trên, trong vài phút, trên mạng xuất hiện tin tức suy diễn: "Một chiếc tàu ngầm hạt nhân vừa phát nổ ở khu vực ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông. Theo các báo cáo, vụ nổ xảy ra ở độ sâu 50m với sức nổ 10 - 20 kiloton (tương đương 10.000 - 20.000 tấn TNT)".

Những người có ít nhiều chuyên môn về vũ khí hạt nhân tiếp tục đặt ra nghi vấn từ những con số và dữ kiện: Với năng lượng giải phóng 10 - 20 kiloton, vụ nổ này tương đương vụ Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" (Thằng nhỏ) xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào Thế chiến 2 thì rõ ràng đây đâu phải là chuyện bình thường được.

Thậm chí có người đặt nghi vấn: "Hay là Trung Quốc đã cho kích nổ một thiết bị hạt nhân chiến thuật để gửi cảnh báo tới Mỹ vì vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, một động thái mà Trung Quốc xem là “cuộc tấn công” vào công việc nội bộ của nước này?".

Thông tin giả này lan ra với tốc độ cực nhanh, các nhà bình luận bằng bàn phím trên Twitter, Facebook bắt đầu đưa ra nhiều giả thuyết: Nào là khu vực xảy ra vụ nổ (Biển Đông) là nơi có sự xuất hiện rất nhiều tàu ngầm của quân đội Trung Quốc thuộc đủ loại, gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN)... Từ đó, suy ra sự cố này dính liền đến quân đội Trung Quốc.

Cũng may mắn là trong thời gian tin giả về vụ nổ hạt nhân này lan ra, các cơ quan chức năng của nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia liên quan đã vào cuộc. Và sau một thời gian ngắn, tin nổ tàu ngầm được khẳng định là fake news!

Trang Gizmodo Australia dẫn lời các chuyên gia khẳng định Chính phủ Trung Quốc gần như chắc chắn không bí mật kích nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật nào đó ở vùng biển ngoài khơi nước này để gửi cảnh báo tới Mỹ như dân mạng đồn thổi. Vụ tin tức giả này dù cuối cùng đã được phát hiện và các báo kịp sửa sai nhưng không phải là nó không gây tác hại.

Xuất phát từ kiểu làm báo cẩu thả, vô trách nhiệm của một số tờ báo nước ngoài thích chạy theo tin tức giật gân, nhiều trang thông tin trong nước đã dịch và đăng lại. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng những tin tức như thế trước mắt, sẽ ảnh hưởng đến người ngư dân bám biển để sản xuất: hải sản của họ sẽ bán cho ai mua nếu thông tin giả này không được bạch hóa?

Graham Poll không bình luận về pha làm bàn của Tiến Dũng

Trận đấu lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình hôm 19/11 là sự kiện được cả nước chú ý. Ở phút thứ 32, bóng được đưa vào lưới tuyển Thái Lan sau tình huống không chiến của hậu vệ Bùi Tiến Dũng. Tuy nhiên trọng tài Al Kaf không công nhận bàn thắng của đội chủ nhà. Tình huống này thành đề tài tranh cãi sôi nổi trên báo chí và mạng xã hội. 

Ngày hôm sau, trên nhiều tờ báo ở Việt Nam xuất hiện bài báo với nội dung cho rằng cựu trọng tài Ngoại hạng Anh Graham Poll cho biết là bàn thắng của tuyển Việt Nam hợp lệ. Thông tin này được dịch từ một bài viết trên báo Live Sport Asia. Theo bài báo ấy, trọng tài nổi tiếng Graham Poll đã trả lời phỏng vấn cây bút Gabriel Tan của Fox Sport về bàn thắng bị từ chối này. Ông Poll nhận định đó là bàn thắng của trung vệ Bùi Tiến Dũng là hợp lệ vì trước đó Văn Hậu không phạm lỗi với thủ thành Kawin Thamsatchanan.


Trọng tài Graham Poll không hề trả lời phỏng vấn về pha ghi bàn của Bùi Tiến Dũng (Ảnh: Getty Image)

Lập luận của trọng tài Graham Poll là trong tình huống bàn thắng của Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu đã nhảy lên chiếm lĩnh không gian trước, rồi thủ môn Kawin mới lao ra cản phá bóng. Đó là một sai lầm của Kawin khiến bóng trôi qua và Bùi Tiến Dũng có cơ hội đánh đầu vào lưới. Cũng theo bài báo trên Live Sport Asia, cựu trọng tài Graham Poll cho rằng theo luật, khu vực 5,50m không phải là "khu vực bảo vệ thủ môn", mà chỉ là khu vực nơi thủ môn có nhiều hoạt động nhất. 

Trong khi các cuộc tranh cãi giữa giới chuyên gia bóng đá của cả hai nước Thái và Việt trên báo chí và mạng xã hội chưa phân thắng bại, thì bài báo này như một thông tin “gãi đúng chỗ ngứa” của đại đa số người yêu mến đội tuyển quốc gia. Bởi ông Graham Poll được đánh giá là một trong những trọng tài xuất sắc nhất lịch sử Giải ngoại hạng Anh. Ông thậm chí được công nhận là trọng tài người Anh xuất sắc nhất 25 năm qua bởi Liên đoàn lịch sử bóng đá và thống kê thế giới (IFFHS). Và bài báo thành một công cụ làm cơ sở tranh luận cho phe đa số.

Ông Gabe Tan sau đó viết trên mạng xã hội Twitter: “Gửi bạn bè của tôi ở Việt Nam và các nơi khác, hãy lưu ý đường dẫn dưới đây là tin tức giả mạo. Tôi được trích dẫn là đã phỏng vấn ông Graham Poll về vụ việc nói trên. Tôi nghĩ rằng mình sẽ biết việc này nếu nói chuyện với ông ấy, đặc biệt là ở Nhật Bản ngay lúc này”. 

Thế nhưng cũng ngay buổi chiều ngày hôm sau, tác giả Gabriel Tan viết lên Twitter rằng ông không hề có cuộc phỏng vấn nào với trọng tài Graham Poll, và khẳng định tin tức từ trang Livesportasia là không chính xác. Và cũng ngay sau đó, bài phỏng vấn trên Live Sport Asia bị gỡ xuống khỏi trang web.

Khi báo chí trong nước bị dính chưởng tin giả do tin tưởng vào nguồn báo nước ngoài thì đến lượt cộng đồng mạng bị báo chí dẫn dắt thông qua những tin giả như thế. Và, các thành viên cùng lao vào cơn sốt gạch đá bàn luận ồn ào xuất phát từ những định kiến, những tình cảm và tâm lý số đông. 

Cả hai câu chuyện tin giả trên đây tuy chưa gây tác hại đáng kể nào những lại một lần nữa cùng cảnh báo cho các nhà làm truyền thông: hãy thực sự đừng chạy theo tốc độ đưa tin, cần thận trọng hơn trong thẩm định nguồn tin.

Phú Trang