Báo xuân là sản phẩm sáng tạo giàu chất văn hóa, là nét đặc sắc chỉ có ở nền báo chí Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ qua, báo xuân đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu ở nhiều mái ấm gia đình Việt trong ba ngày Tết cổ truyền.
Hội Báo Xuân là một kiểu lễ hội đặc biệt chỉ có ở Việt Nam
Từ giữa tháng chạp đến ngày cuối năm, báo Xuân được bày bán rực rỡ, góp phần làm cho không khí đón Tết thêm tưng bừng, rạo rực, hối hả. Thế nhưng, để có những tờ báo Xuân ra mắt độc giả náo nhiệt những ngày cận Tết như thế, đội ngũ những người làm báo in phải có nhiều tháng chuẩn bị.
Đề tài nhẹ nhàng, lạ, vui tươi
Để có được số báo Xuân đạt chất lượng cao, các cơ quan báo chí phải họp nhiều buổi với những thành viên quan trọng để đóng góp ý tưởng, từ chủ đề chung cho cả số báo đến các tuyến bài cho những chuyên trang. Khi đã thống nhất ý tưởng, kế hoạch thực hiện sẽ được triển khai cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, và cả những nhân viên tòa soạn như họa sĩ trình bày, biên tập viên ảnh…
Sản phẩm báo Xuân là thành tựu lao động nghề nghiệp, lao động nghệ thuật vất vả của tập thể cơ quan báo chí trước Tết nhiều tháng trời. Các phóng viên và các cộng tác viên thường xuyên bao giờ cũng mơ ước (và phấn đấu) có được bài đăng trong số báo đặc biệt chào năm mới này. Mong ước được đăng bài trên báo Xuân không phải vì nhuận bút số báo đặc biệt này cao hơn số báo thường ngày, mà vì, có tác phẩm báo chí được chọn là niềm vinh hạnh, là sự khẳng định năng lực làm nghề.
Tất nhiên, có người tài năng thì đăng được nhiều bài, đăng trên nhiều báo nhưng không phải nhà báo, phóng viên nào cũng có thể đăng bài vào số báo Xuân ngay chính tờ báo mình đang công tác. Thực tế trong làng báo nhiều năm qua, có nhà báo (và đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ) thường kiếm được hàng chục triệu nhuận bút mỗi mùa báo Tết nhờ được đăng nhiều bài, nhờ “thương hiệu” cá nhân. Nhưng, cũng có không ít nhà báo rất thành công, rất nổi tiếng với các số báo thường qua những loạt bài điều tra, loạt phóng sự trong cả năm nhưng không viết được bài báo cho số Tết phù hợp với mong đợi của các ban biên tập báo Xuân. Thậm chí, có không ít người trong suốt cuộc đời làm báo chưa một lần được vinh dự có tên trong số báo Tết, dù là một bài báo ngắn.
Phóng viên đã vậy, cộng tác viên còn khó hơn. Cho nên muốn có bài đăng báo Xuân cũng phải có chút may mắn, có chút “duyên”. Đúng hơn, phải có chút mẫn cảm đề tài phù hợp với “gu” của các ban biên tập. Kinh nghiệm của nhiều cây bút thành công với báo Xuân cho thấy: Ấn phẩm Tết là số báo mừng năm mới, các ban biên tập xem đó là món quà đầu năm nên chủ trương xây dựng nội dung vui tươi, nhẹ nhàng, độc đáo, kỳ lạ, giải trí lành mạnh. Các chủ đề nhân văn, tình cảm, những đề tài có tính phát hiện về phong tục, tập quán của dân tộc, những điều thú vị về văn hóa, những điều kỳ lạ về con vật đại diện của năm (con giáp) hay những câu chuyện về những cá nhân tiêu biểu nhưng vượt lên đặc biệt hơn số đông… luôn được chọn lựa. Không ai làm báo Xuân để đăng tải những vấn đề gai góc, bức xúc. Đó là điều rất kiêng kỵ. Dạng bài điều tra chỉ có thể đi trong các số báo hàng ngày thôi.
Báo Xuân là món quà Tết đậm nét văn hóa tinh thần và rất được ưa chuộng
Không ngừng sáng tạo
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Xuân mới là đông đảo bạn đọc và đội ngũ những người làm báo cả nước lại háo hức đón đọc những tờ báo Tết tươi rói sắc màu. Đây được coi là những tờ báo đặc biệt vì có số trang dày dặn nhất, bài vở phong phú nhất, trình bày đẹp nhất và giá cả cũng đắt nhất. Đây cũng là những số báo phản ánh sự tìm tòi mới lạ của nhiều tòa soạn có tiềm lực.
Mỗi năm, cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn, công nghệ đồ họa, các số báo Xuân ngày càng có nhiều hình thức trình bày đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều số báo Xuân có mô-típ kết cấu trang mục quá cũ kỹ. Và đây đó vẫn còn hiện tượng ít ưu ái trang mục cho các cây bút trẻ. Hiện tượng nhiều tác giả có chút tiếng tăm “chạy sô” tung hoành khắp các báo cũng vẫn còn do sự nể nang của các ban biên tập. Thực tế ấy đã nảy sinh một số vấn đề làm ảnh hưởng chất lượng của những số báo đặc biệt đón Xuân. Không ít tòa soạn đã quá coi trong chuyện “vị thế” của người viết báo Tết cho nên đã “để lọt” những tác phẩm hay của các phóng viên trẻ mới vào nghề. Lại có người quá ỷ vào địa vị, chức tước nên “sản xuất” hàng loạt các bài báo Tết khô cứng, công thức, trùng lặp qua các năm khác nhau và cùng lúc ở nhiều tờ báo khác nhau.
Trong các hội báo xuân, nhiều tờ báo Tết xếp chung với nhau thì cứ thấy na ná giống nhau. Một số tờ báo Xuân hiện vẫn chưa chú trọng khâu ảnh. Nhiều bài báo hay nhưng việc chọn và biên tập ảnh quá yếu làm cho bữa tiệc thông tin Tết ấy trở nên không hoàn hảo.
Nhưng nhìn chung, các tờ báo lớn đều có sự cạnh tranh ngấm ngầm để hoàn chỉnh ấn phẩm Xuân như một tác phẩm lớn trong năm để tặng bạn đọc. Sự cạnh tranh ngấm ngầm ấy đã góp phần thúc đẩy chất lượng báo Xuân những năm qua ngày càng tăng lên.
Sạp báo thành phố những ngày cuối năm rực rỡ sắc màu của báo Tết
Ngày nay, công nghệ làm báo in có sự phát triển vượt bậc. Báo xuân đã liên tục cải tiến về nội dung và hình thức qua thời gian. Báo chí hiện đại còn có thêm các loại hình mới. Báo trực tuyến, báo nói, báo hình cũng vận dụng linh hoạt hình thức “báo xuân” của cha ông trên các kênh thông tin của mình.
Và một hoạt động thú vị khác từ truyền thống làm báo xuân của làng báo Việt đã hình thành những năm qua là Hội Báo Xuân. Có thể khẳng định chắc chắn rằng Hội Báo Xuân là một kiểu lễ hội đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, không thể tìm thấy ở bất cứ một nước nào trên thế giới. Nó vừa là loại hình hoạt động văn hóa đặc sắc của giới báo chí phục vụ công chúng vào những ngày đón một mùa xuân mới của dân tộc.
Phú Trang