Khi công nghệ phát triển, truyền thông phục vụ đắc lực cho cuộc sống hôm nay nhưng nó cũng là con dao 2 lưỡi, nếu…
Một doanh nhân người Nhật cúi đầu cảm ơn khách đổ xăng tại cây xăng do ông kinh doanh như một cam kết truyền thông: “Chúng tôi sẽ buôn bán tử tế!”
Dù không muốn thì chúng ta cũng đang sống trong một xã hội truyền thông phát triển như vũ bão. Từ tin nhắn OK, nút like trên mạng xã hội, tiếng “Dạ” trong giao tiếp hằng ngày đến việc chụp một tấm hình, quay một clip đưa lên mạng, chúng ta vừa làm truyền thông, vừa là đối tượng của truyền thông. Khi công nghệ phát triển, truyền thông phục vụ đắc lực cho cuộc sống hôm nay nhưng nó cũng là con dao 2 lưỡi, nếu…
1. Cô bạn tôi dạy về truyền thông, nhưng 4 năm nay kinh doanh thực phẩm sạch như một công việc tay trái. Cô kể, rất nhiều người xưng là nhà báo (thật giả không thể biết được) gọi điện bảo rằng, tôi ở báo này đài kia đây, tôi muốn viết về mô hình kinh doanh của chị, giúp chị quảng bá sản phẩm, vân vân và vân vân… nhưng cô kiên quyết từ chối.
Cô không có nhu cầu xuất hiện trên truyền thông nói chung, không màng các danh hiệu, giấy chứng nhận này nọ. Chỉ đơn giản, cô tìm nguồn hàng mà mình dùng được rồi bán cho những khách quen thực sự có nhu cầu.
Câu chuyện về một bạn trẻ đầu tư xây dựng chuỗi đồ uống sạch “kiếm” 200 triệu mỗi tháng đã từng gây sóng. Con số 200 triệu một tháng ấy đủ sức hút để bài báo có views, trở thành nguồn động viên cho phong trào start-up của người trẻ. Và ngay cả những người không còn trẻ, khi đọc bài báo, tinh thần khởi nghiệp cũng sôi sục trong lòng.
Nhưng, trong bài viết ấy, tác giả không hề cung cấp thêm một thông tin nào liên quan đến các chi phí trong quá trình kinh doanh, từ chi phí nhân công, đến thuê địa điểm, mua nguyên vật liệu…
Không thể biết, dựa vào đâu mà tác giả bài báo có thể tính ra lợi nhuận và làm sao lợi nhuận (“kiếm được”) có thể là 200 triệu, khi mà doanh thu cũng chỉ là… 200 triệu mà thôi.
Một quầy bán hoa ở Zurich (Thụy Sỹ): Người mua tự lấy hoa và tự bỏ tiền vào thùng tiền (không có người bán). Thông điệp của người bán ở đây là “Chúng tôi tin vào sự tử tế của khách hàng”
2. Cô bạn bán thực phẩm sạch tôi đề cập ở trên cũng phân trần, “Khi mình xuất hiện trên truyền thông, khách hàng quả có nhiều lên nhưng cũng bắt đầu đặt ra nhiều tiêu chí buộc mình phải tuân thủ.
Có những tiêu chí của khách hàng mình không thể đáp ứng được, hoặc nếu đáp ứng thì mất quá nhiều công sức dẫn đến lỗ”. Mà, “Mình chỉ muốn tìm những người cùng có nhu cầu tìm nguồn thức ăn sạch cho gia đình và chia sẻ lại với chi phí rẻ cho mọi người thôi, chứ chẳng phải làm ăn lớn gì!”.
Thế nhưng, báo chí truyền thông đôi khi không “kể” hết được nỗi gian truân của người làm kinh doanh thực phẩm sạch. Độc giả đọc và khán giả xem trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì cứ tin chắc như bắp là đầu tư thế là hoành tráng rồi, cô bỗng trở thành người “hình như là” kinh doanh thành công lắm, mức lời cao lắm, thu nhập khủng lắm. Và vì làm ăn lớn như vậy, lời như vậy, thì phải “chiều” khách hàng tối đa.
Giờ, cô tự “làm truyền thông nhỏ giọt” cho mình, có hàng gì bán hàng nấy và đành chia tay các khách hàng “quá khó tính”.
Đấy là những ví dụ rất nhỏ trong đời sống truyền thông. Và mỗi ngày, có hàng chục câu chuyện được kể một chiều, được khai thác sơ sài, được cóp nhặt đâu đó, rồi tung lên mặt báo. Có hẳn những chuyên trang “hóng” chuyện từ các sao, từ những người nổi tiếng… mà biết được cả diễn biến bên Tây bên Tàu, chỉ qua mạng xã hội.
Những câu chuyện kiểu như vậy nhiều lên mỗi ngày, phổ biến hơn mỗi ngày… đến nỗi, các giảng viên ngành báo chí truyền thông nói vui, chắc phải nghiên cứu để hình thành thêm một môn học mang tên “copy từ facebook”
Bill Gates, tỷ phú người Mỹ làm từ thiện để xây dựng hình ảnh cá nhân và doanh nghiệp trên truyền thông
3. Bạn có bao giờ thắc mắc là, tại sao một khu căn hộ, rõ ràng được xây dựng trên đất Bình Dương, mà nhiều quảng cáo về nó cứ một mực khẳng định, đó là “Căn hộ Sài Gòn”. Thậm chí, có khi mình đã đến xem khu căn hộ đó rồi, mà về coi lại quảng cáo vẫn cứ hoang mang.
Rất đơn giản, các công ty phân phối nhà sẽ giải thích là, căn hộ đó nằm trên đất Bình Dương nhưng tiếp giáp hay sát nách TP. Hồ Chí Minh và nếu bạn trở thành cư dân của khu chung cư đó, thì bạn sẽ được hưởng mọi tiện ích như một người dân Thành phố “chính hiệu”.
Và cũng tương tự như vậy, trên mạng xã hội, "cò" đất sẵn sàng quảng cáo bán đất nền quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), nhưng sẽ đưa các khách hàng yêu quý chạy lòng vòng cả nửa buổi, để đến thực địa. Và lúc đó, người mua đất mới phát hiện ra địa bàn này thuộc Nhơn Trạch (Đồng Nai), chứ chẳng có gì dính dáng TP.Hồ Chí Minh, ngay cả vùng ven.
Việc khai thác chỉ một hay một số điểm mạnh của một sự vật, sự việc, nhân vật, hiện tượng diễn ra rất phổ biến trên truyền thông và ở các cấp độ khác nhau.
Vì thế, khách hàng sẽ khó biết được mặt trái hay bản chất của hình thức kinh doanh căn hộ du lịch, những rủi ro có thể có của loại hình bất động sản này là gì. Người tiêu dùng cũng sẽ không biết được chính xác tác động (cả tiêu cực lẫn tích cực) của một sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh..., đang được bán rầm rộ trên thị trường.
Truyền thông được hiểu với nghĩa rộng là toàn bộ hoạt động và cách thức chuyển tải thông điệp một cách có ý thức. Và như thế, tất cả mọi đối tượng trong xã hội đều đang và cần sử dụng truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trong bất cứ lĩnh vực nào.
Vì vậy, nếu truyền thông phiến diện, nếu truyền thông thiếu tử tế, xã hội sẽ bất ổn!
Cù Thị Thanh Huyền