Câu chuyện truyền thông

Ngôn ngữ hình thể

Kỹ năng nói trước máy hay dẫn tại hiện trường (stand up) là một trong những kỹ năng quan trọng đối với tất cả phóng viên truyền hình. Chính vì vậy, muốn dẫn tốt, phóng viên phải đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ hình thể.


Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thông điệp người xem thu được từ những người xuất hiện trên màn hình được ghi nhận như sau: 55% thông điệp là từ ngôn ngữ cử chỉ, 38% là từ giọng nói và thái độ, 7% là từ lời nói. Như vậy, muốn dẫn tốt, phóng viên phải đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ hình thể. 

Chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển con người Quách Tuấn Khanh chia sẻ những kiến thức khái quát về nguồn gốc, vai trò, ý nghĩa của hình thức ngôn ngữ đặc biệt này trong đời sống nói chung. Từ đây, phóng viên truyền hình có thể học được nhiều điều bổ ích cho nghề nghiệp của mình.

Những con số giật mình

Nhìn chung, trong cuộc sống hàng ngày, ngôn ngữ cơ thể là một công cụ giao tiếp vô cùng hữu hiệu. Theo các nhà nghiên cứu, 55%-85% các cuộc giao tiếp được truyền tải qua cử chỉ, ngữ điệu. Tuy vậy, không phải ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của ngôn ngữ cơ thể để biết cách biểu hiện, điều chỉnh đúng đắn và "đọc" được ngôn ngữ cơ thể của người khác. 

Theo các công trình nghiên cứu khoa học, có đến từ 55% nội dung chúng ta diễn đạt trong giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể. Xét về mặt khoa học, ngôn ngữ cơ thể được hiểu chung là những hành vi trong tiềm thức phản ánh hoạt động, cảm xúc... của chính bản thân người nói. 

Ngôn ngữ hình thể có 3 phần chính: 

+ Nét mặt (cau có: khó chịu, tức giận; giãn căng: mãn nguyện, hài lòng...)

+ Cử chỉ, động tác tay chân, giọng nói... (đứng chống tay: tư thế sẵn sàng hoặc trạng thái hung hăng; tỳ tay vào má: mơ mộng, ước vọng gì đó…)

+  Dáng cơ thể (ngẩng cao đầu, bước mạnh mẽ: tự tin, thoải mái…)


Vì sao chúng ta dùng ngôn ngữ cơ thể? 

Ngôn ngữ hình thể được dùng kèm theo, hỗ trợ lời nói. Vì tốc độ suy nghĩ của chúng ta nhanh hơn lời nói (1 phút trung bình ta nghĩ được khỏang 700 - 1200 từ, trong khi ta chỉ có thể nói với tốc độ khoảng 120-150 từ/1 phút). Vì thế, khi chúng ta thể hiện bằng lời không đủ thì cơ thể tìm cách "thoát ra", thể hiện ra bằng ngôn ngữ cơ thể.

Ngôn ngữ hình thể còn dùng để thể hiện khi vì hoàn cảnh, tình huống nào đó người ta không muốn hoặc không thể diễn đạt bằng lời. Khác với lời nói, thường thì ngôn ngữ cơ thể bộc lộ trung thực cảm xúc, con người bên trong của người đó. 

Ví dụ như khi một người nào đó nói dối, ngôn ngữ cơ thể có thể "tố cáo" hành vi này của anh ta như ánh mắt anh ta cụp xuống, giọng run, hoặc giấu tay sau lưng, tay mướt mồ hôi v.v... Hoặc một người nào đó nói "tôi tự tin trong việc này" nhưng giọng anh ta run, mặt căng thẳng ... thì anh ta chưa tự tin thực sự. 

Học "giải mã" ngôn ngữ cơ thể người khác 

Chúng ta có giải mã bằng nhiều cách.

Quan sát kết hợp 3 bộ mã nét mặt, cử chỉ, hình dáng cơ thể của người mình giao tiếp. Nhưng quan trọng là đặt tất cả những tín hiệu trong tình huống, bối cảnh cụ thể để tránh hiểu nhầm. 

Chúng ta cũng có thể tập xem phim (tắt tiếng, chỉ xem hình ảnh) để phán đoán, suy luận, sau đó xem lại có âm thanh để kiểm tra phán đóan của mình. 

Ta cũng cần lắng nghe người khác kể cả khi họ không nói để thấu cảm. Tập quan sát cử chỉ, hành vi không lời... của những người xung quanh ta (tận dụng thời gian bị kẹt xe, chờ máy bay...) ta sẽ thấy và học nhiều điều thú vị.

Và cuối cùng tham khảo sách báo, tham dự các khóa học về đề tài này là một kênh tốt để có thể hiểu người khác thông qua ngôn ngữ hình thể, cơ thể.


Thể hiện chính mình qua ngôn ngữ cơ thể 

Chúng ta không nên đè nén, che giấu cảm xúc thật khi không cần thiết (ví dụ như giữ cơ thể cứng nhắc, khuôn mặt vô cảm trong bất kỳ hoàn cảnh nào), tuy nhiên cũng đừng thể hiện quá mức. Ví dụ khoa tay khi nói, tranh luận nhưng chú ý bối cảnh và tránh lạm dụng quá, không khéo trở thành "diễn viên múa" bất đắc dĩ. 

Tập dần để có thể bỏ hoặc điều chỉnh những thói quen không tốt như lảng tránh nhìn người khác, rụt vai, co mình... cũng như tránh những biểu hiện, cử chỉ cơ thể trái ngược cảm xúc bên trong (ví dụ kể chuyện cười bằng giọng đều đều, tay chân không diễn tả...).

Cách học tốt là luôn để ý, quan sát ngôn ngữ cơ thể của người khác để có cách trò chuyện phù hợp (tâm lý người khác thường thích những biểu hiện, cử chỉ giao tiếp giống như mình...), ta có thể học được những điều hay cũng như tránh những cách thể hiện ngôn ngữ cơ thể không đúng.

Cuối cùng, để có được sự biểu hiện ngôn ngữ cơ thể tạo được thiện cảm, ấn tựơng với người khác, cũng cần chú ý một chút về ngoại hình, trang phục. Nó sẽ giúp bạn tự tin thể hiện ngôn ngữ không lời.


(Chú thích ảnh: Dẫn hiện trường hay dẫn phòng thu đều cần khai thác tốt ngôn ngữ hình thể)

Thanh Huyền