(HTV) - Thời gian lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Luật Đất đai 2013- một đạo luật có tác động toàn diện và sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, đã kết thúc ngày 15-3.
Tính đến hết ngày 15-3, Bộ Tài nguyên Môi trường đã nhận được gần 8.000 lượt ý kiến, góp ý trực tiếp trên website và 75 ý kiến góp ý bằng văn bản.
Phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hộ gia đình sử dụng đất ... Đáng chú ý là điểm mới của dự thảo luật là bỏ khung giá đất, thay vào đó là ban hành bảng giá hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường; thành lập hội đồng thẩm định giá đất là nội dung được rất nhiều người quan tâm, đồng thuận.
Tồn tại cơ chế 2 giá đất
Khung giá đất ở tại TP.HCM hiện có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 162 triệu đồng/m2 và mức chênh lệch so với giá thực tế là khoảng 60% -70%.
Việc tồn tại cơ chế 2 giá đất: một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án; một giá theo thị trường như thực tế hiện nay đã từng được nhiều chuyên gia đề nghị thay đổi.
Theo đó, những quy định trong quy hoạch, về bảng giá đất phải được tính toán lại, phải ban hành phù hợp với giá thị trường, phải bảo đảm sự công bằng giữa người dân, Nhà nước, doanh nghiệp và các khu vực, địa phương.
Theo Tiến Sĩ Phan Hải Hồ - Học Viện Cán Bộ Tp.HCM đề nghị "phải xây dựng thêm bảng giá đất thứ hai bởi vì theo quan điểm của tôi là bạn trái đất đầu tiên bảng giá đất số một ở trong dự thảo chỉ dùng để áp dụng cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất nhưng bảng giá đất thứ hai này không đơn thuần là nghĩa vụ của người sử dụng đất mà là nghĩa Vụ của nhà nước khi thực hiện quyền của mình đối với quyền sử dụng đất của người khác."
Thạc sĩ - Luật Sư Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia Tp.HCM chia sẻ: "quy định 5 năm mới rà soát lại một lần thì tôi thấy: 5 năm là quá dài; thì bây giờ là phải có những quy định khả thi hơn, ví dụ như là ra soát quy hoạch hằng năm hoặc ít nhất 2 nam, 3 năm/ lần."
Việc bỏ khung giá đất nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân
Sỡ dĩ, việc đề nghị bỏ khung giá đất, thay vào đó là ban hành bảng giá hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường; thành lập hội đồng thẩm định giá đất ... đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân là do hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường , tiến tới đưa giá trị đất đai chưa đóng góp đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương - Giám Đốc Cấp Cao Của Savills Việt Nam nhận định: "việc bỏ khung giá đất người dân đồng tình rất cao vì hầu mọi người sẽ giải tỏa được những khó khăn trong bối cảnh các dự án bị đình trệ bởi do đền bù giải tỏa do người dân không đồng thuận với khung giá đât của nhà nước."
Đồng quan điểm này, Pgs.Ts Nguyễn Văn Trình - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Kinh Tế Phát Triển Tp.HCM đã chỉ ra những hiệu ứng tích cực của xã hội từ việc bỏ khung giá đất: "từ đây giá đất sẽ dao động, theo giá thị trường thì sẽ thực hiện các dự án rất là nhanh, giải ngân đầu tư công cũng rất là nhanh. Khi giá đất cao lên thì tiền thu thuế sử dụng đất và các phí cũng cao lên, cũng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc tính toán này đều thuận lợi cho các bên và các bên đều cùng có lợi."
Theo các chuyên gia, khi luật đất đai mới được triển khai, Hội đồng Thẩm định giá đất cũng sẽ góp phần bảo đảm tính chuyên môn sâu, tính độc lập, khách quan, minh bạch, tạo được hài hòa lợi ích cho tất cả các bên khi bỏ khung giá đất - và đó cũng là cơ sở để một chính sách gần với dân, đạt sự đồng thuận cao trong dân và trong sự phát triển chung của xã hội.
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9