(HTV) - Hiện tại, TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh về đường hô hấp.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tiếp tục ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, các bệnh lý này đều ghi nhận sự gia tăng. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ dịch chồng dịch vẫn hiện hữu nếu người dân lơ là, chủ quan.
Từ đầu tháng 10, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tiếp tục ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng. Một số trường hợp diễn tiến nặng cần phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ CKII Lê Minh Lan Phương - Trưởng khoa Khám bệnh
Bác sĩ CKII Lê Minh Lan Phương - Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết: “ Trong tháng 10 vừa qua, tình hình bệnh tay chân miệng có tăng nhẹ so với cùng kỳ của tháng 9, khoảng 10% thôi. Hiện nay phụ huynh cũng đưa đến khám sớm, vừa có các triệu chứng đầu tiên là sốt hoặc là nổi ban đã đưa đến khám rồi. Nên số ca nặng cũng được phát hiện sớm hơn”.
Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm và Thần Kinh
Theo thông tin từ Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm và Thần Kinh chia sẻ: “Tổng số ca tay chân miệng hiện nay ở trong khoa là 18 ca, ca độ nặng cũng đã chiếm gần như là 1/3 rồi. Chúng ta phải lưu ý, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12, cũng là mùa dịch tay chân miệng đang đi tăng lên.” ông cho biết thêm.
Thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho thấy, trong tuần 41, số ca mắc tay chân miệng tăng 21,2% so với trung bình 4 tuần trước. Ngoài ra, sốt xuất huyết tăng 24,7%, và sởi tăng trên 42%. Các cơ sở y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, với sự chú trọng vào việc phòng tránh lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
Bác sĩ CKI Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bác sĩ CKI Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, khẳng định bệnh viện luôn sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh, tăng cường nhân lực, trang thiết bị, và vật tư. Bác sĩ CKI Trần Ngọc Lưu cũng nhấn mạnh rằng mỗi khu bệnh lý đều có không gian riêng để cách ly, và nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình rửa tay, đeo khẩu trang và chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo.
Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, người dân cần nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Gần đây, TP.HCM cũng chịu ảnh hưởng của những cơn mưa lớn kéo dài và triều cường gây ngập tại nhiều nơi. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng của nhiều bệnh lý, đặc biệt là sốt xuất huyết đang bước vào mùa.
Số lượng trẻ em nhiễm bệnh tại TP.HCM tăng cao
Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, người dân cần nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tiêm vaccine cho trẻ em ngừa sởi, sốt xuất huyết, và duy trì vệ sinh nơi ở.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9