Câu chuyện truyền thông

Những con sâu làm rầu… làng báo

Ngày 21/12, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà Đào Thị Thanh Bình (40 tuổi, phóng viên báo Thương hiệu và Công Luận) về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, vào ngày 18/12, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an Quận Cầu Giấy bắt quả tang bà Đào Thị Thanh Bình có hành vi cưỡng đoạt số tiền 70.000 USD của ông Tăng Duệ Bằng, sinh năm 1967, quốc tịch Trung Quốc, trú tại phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang.

Ông Tăng Duệ Bằng là Giám đốc đối ngoại Công ty Luxshare-Ici Việt Nam. Tang vật thu giữ gồm 70.000 USD, 1 CPU liên quan. 


Phóng viên Đào Thị Thanh Bình tại cơ quan điều tra (ảnh Zingnews)

Do nắm được thông tin công ty Luxshare-Ici Việt Nam chuyển đổi công năng một số công trình xây dựng, giữa năm 2018, Bình đã liên hệ làm việc. Sau đó thông qua một người trung gian, Bình đã thực hiện hành vi tống tiền doanh nghiệp. Người trung gian ấy đưa ra mức giá giải quyết sự việc là 100.000 USD. Qua nhiều lần mặc cả, Bình đồng ý giảm xuống còn 70.000 USD (tương đương hơn 1,6 tỷ đồng).

Những trường hợp vi phạm pháp luật như Đào Thị Thanh Bình không hiếm gặp. Năm ngoái, khi sự kiện Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” vừa kết thúc với nhiều dư âm tốt đẹp chưa kịp lắng xuống, làng báo lại đón nhận tin xấu: Bắt tạm giam 4 người làm báo vì bị tình nghi tống tiền, lừa đảo. Đó là Phan Thành Long (26 tuổi) và Phạm Văn Tân (27 tuổi) - phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật vì hành vi lợi dụng danh nghĩa nhà báo để cưỡng đoạt tài sản.

Sau quá trình điều tra, công an quận Hồng Bàng đã bắt quả tang Long và Tân nhận tiền của một chủ công trình xây dựng là bà Đào Thị Đài (trú quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Theo thông tin từ công an quận Hồng Bàng, do hộ bà Đài xây dựng nhà sai phép nên các phóng viên ấy đã đe doạ sẽ đăng báo nếu bà Đài không “chung chi”. 

Cơ quan điều tra cũng xác định, Phan Văn Thương (43 tuổi) là Trưởng văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng đã tổ chức cho các phóng viên, cộng tác viên đi nắm thông tin những hộ gia đình hoặc cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm về quản lý xã hội. Sau đó, nhóm này  liên hệ với đối tượng để "dọa" đăng báo nếu không chịu chung chi. Cách làm tiền như thế được thực hiện thời gian dài và thu tiền của nhiều người dân, tổ chức tại địa bàn thành phố Hải Phòng. Chính vì vậy, ngay sau khi bắt Long và Tân, công an quận Hồng Bàng cũng thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Phan Văn Thương về hành vi cưỡng đoạt tài sản, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội nói trên. 


Trưởng Văn phòng đại diện Báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng Phan Văn Thương khi còn đương chức (ảnh báo Tiền Phong)

Cũng năm ngoái, ở TP. Hồ Chí Minh, một người thuộc văn phòng đại diện phía Nam của báo Bảo vệ Pháp luật (cơ quan chủ quản là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), cũng bị bắt vì “liên quan tới một vụ lừa đảo chạy án” cho một gia đình có ba người bị bắt giữ, xử lý về hành vi cố ý gây thương tích. Lúc bị bắt, T. đã nhận 100 triệu đồng của gia đình và đang đòi thêm 500 triệu. 


Tòa soạn các cơ quan báo chí chuyên nghiệp luôn có quy trình sản xuất chặt chẽ, phóng viên khó có cơ hội tống tiền, vòi vĩnh (ảnh: Internet)

Thực tiễn đời sống báo chí nhiều năm qua cho thấy, những trường hợp nhà báo sa ngã vì tiền (tống tiền, lừa đảo, nhận hối lộ…) bị loại khỏi đội ngũ không phải là chuyện quá hiếm. Và đó là những con sâu làm rầu làng báo.

Cũng cần nói thêm, lâu nay, một số cơ quan báo chí có chủ trương “khoán” doanh thu quảng cáo, đẩy trách nhiệm thu chi cho các bộ phận trực thuộc, đặc biệt là các văn phòng  khu vực. Áp lực ấy đặt ra giữa lúc đời sống báo chí đang khó khăn đã buộc nhiều phóng viên phải tìm mọi cách để khai thác tiền bạc từ doanh nghiệp, từ người dân. Họ coi đây là nhiệm vụ chính, chuyện làm nghề thành chuyện phụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà báo có thể bị sa bẫy tiền bạc. 

Tiền bạc, vật chất ở đâu, thời nào cũng có sự cám dỗ. Nghề làm báo cũng như nhiều nghề phụng sự xã hội khác luôn có những cái bẫy đối với người làm nghề. Bởi vậy, những bài học đạo đức dành cho từng cá nhân nhà báo chưa thể đủ ngăn ngừa chuyện vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật mà phải có cơ chế tổ chức tòa soạn đủ mạnh để giúp nhà báo vượt qua.

Tổ chức tốt quy trình tòa soạn, tổ chức tốt kỷ luật nội bộ trong đó có quy chế nội bộ, xây dựng tốt nhiều tự hào thương hiệu cơ quan báo chí, tổ chức tốt đời sống cán bộ - nhân viên… là cách làm nhân văn giúp phóng viên, biên tập viên tránh được những rủi ro làm sai đạo lý hay vi phạm pháp luật trong tác nghiệp.

Phú Trang