Nếu thường xuyên coi các bản tin của BBC hoặc CNN qua truyền hình cáp hoặc các chương trình thời sự của HTV, VTV, bạn có thể rút ra vài điều về cách nói trước ống kính tại nơi xảy ra sự kiện, trong bối cảnh câu chuyện, vấn đề…
Bài viết này xin chia sẻ với các bạn trẻ làm nghề truyền hình, làm báo đa phương tiện, làm truyền thông một vài điều về thủ pháp này.
Phóng viên Denis Palma (Thụy Sĩ) dẫn hiện trường tường thuật trực tiếp bằng i-Phone
Hiện dẫn hay dẫn hiện trường?
Báo chí truyền hình ở phương Tây xem các tác phẩm tin, tường thuật, điều tra, phóng sự (cho thời sự) theo quan niệm của chúng ta như là những câu chuyện (story). Có chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện kể, chuyện bình… Tất cả tạo thành tin tức (news).
Còn ở Việt Nam, lý luận về thể loại trong báo chí phát thanh truyền hình lâu nay bị ảnh hưởng báo in nên có nhiều trường hợp “phiên ngang… xương” những tên gọi. “Nói trước máy ghi hình” là một thủ pháp làm tin tức nói chung (tức là trong tường thuật, phóng sự dài - ngắn, tin dài - ngắn…). Thủ pháp này lâu nay có nhiều cách gọi. Phổ biến là cụm “dẫn chương trình hiện trường”; “hiện dẫn” hoặc “dẫn hiện trường”. Hiện nay cụm từ dẫn hiện trường phổ biến nhất.
Báo chí phương Tây cũng có nhiều thuật ngữ để chỉ thủ pháp này: field reporting, hoặc stand up - một thuật ngữ vốn gốc của ngành sân khấu (với nghĩa như thủ pháp “độc thoại”).
Dẫn hiện trường là thủ pháp thực hiện tác phẩm thông tấn truyền hình (có thể là tường thuật, phóng sự, điều tra…) mà trong đó, người phóng viên xuất hiện trước ống kính để trực tiếp kể thêm câu chuyện trong bối cảnh được phản ánh theo nội dung tác phẩm đó. Stand up thường được đặt vào đầu, giữa hoặc cuối tác phẩm truyền hình đó.
Khi nào cần dẫn hiện trường?
Khi ghi hình về đàn voi dữ, phóng viên truyền hình không thể đến gần chúng nó. Nhưng hình ảnh một phóng viên xuất hiện trong khung hình (ở một chỗ an toàn, tất nhiên) với hậu cảnh đàn voi dữ sẽ tạo ấn tượng đặc biệt, thu hút sự chú ý của khán giả. Phóng viên các đài truyền hình lớn trên thế giới thường sử dụng thủ pháp này. Nhiều người lý giải rằng đó là cách để họ khẳng định thương hiệu của đài mình, hoặc họ muốn “đóng dấu độc quyền” (exclusive) cho tác phẩm truyền hình của đài mình về những sự kiện đặc biệt. Điều đó không sai, nhưng không hẳn như thế, trong hầu hết trường hợp, yêu cầu nội dung tác phẩm buộc phóng viên phải chọn lựa thủ pháp này.
Có những điều hình ảnh không diễn đạt được hoặc có những hình ảnh không còn nữa khi phóng viên xuất hiện tại địa điểm diễn ra sự kiện. Khi chúng ta điều tra về một vụ tham nhũng xảy ra cách đây một năm, bấy giờ những người có liên quan không có mặt, thủ đoạn lấy tiền nhà nước của họ không thể diễn đạt bằng hình ảnh tòa nhà công ty hay những chồng hồ sơ, thậm chí cảnh họ bị còng tay lấy cung nếu có. Cùng với nhiều cách hỗ trợ việc diễn đạt những nội dung phức tạp như bảng biểu, đồ họa, thủ pháp dẫn hiện trường là cách khá hiệu quả.
Đã gọi là dẫn hiện trường thì phải có “hiện trường” - hay nói cách khác: phải được thực hiện tại nơi xảy ra sự kiện. Phóng viên phải cho khán giả truyền hình thấy “cái tôi trần thuật” của mình ở “trong lòng sự kiện”.
Ví dụ: Nếu tường thuật về vụ lính cứu hoả giúp đỡ trẻ em nhảy từ cửa sổ tầng lầu thứ 2 một ngôi trường trong một vụ hỏa hoạn, phóng viên khi dẫn hiện trường phải đứng trước tòa nhà ấy, nói cho khán giả điều gì đã xảy ra và chỉ chính xác cái cửa sổ ấy…
Thủ pháp của thủ pháp
Trong sản xuất video clip tin tức, phóng viên cần biết đặt câu hỏi: Ta có nên dẫn hiện trường trong tình huống này? Nếu sử dụng thủ pháp ấy, nội dung tác phẩm có tốt hơn không? Có giúp thu hút sự chú ý của khán giả? Có cần thiết xuất hiện hình ảnh của nhà báo trong bài tường thuật/phóng sự/điều tra này không? Sử dụng thủ pháp đó có thay thế được những hình ảnh cần thiết nhưng không kịp ghi hình, bị thiếu, khó thể hiện hoặc không thể quay được không?
Các chuyên gia truyền hình có kinh nghiệm thường khuyến cáo nhiều điều về cách dẫn hiện trường. Chẳng hạn, không nên nói quá dài trước ống kính trong một tác phẩm truyền hình. Hãy nói càng ngắn càng tốt và khai thác động tác diễn xuất trong bối cảnh hiện trường càng hay. Thông thường, mỗi đoạn chỉ dẫn 2 - 3 câu. Tránh cách nói cực kỳ đơn điệu đã trở thành công thức: “Chúng tôi đang có mặt tại…”. Và tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, hạn chế đưa ra các con số (vốn có thể biến thiên theo quá trình phát triển của sự kiện).
Với dẫn hiện trường, nội dung lời bạn nói là thông tin, đúng, nhưng các nghiên cứu cho thấy, thông tin khán giả thu được từ nội dung nói thấp hơn nhiều so với điều họ cảm được từ giọng nói, thái độ, tiết tấu nói và đặc biệt là cử chỉ của phóng viên.
Nếu thiết bị cho phép (dây micro dài, có micro không dây) phóng viên dẫn hiện trường nên di chuyển trong lòng bối cảnh để diễn đạt cho sinh động
Không có một nguyên tắc nào về vị trí, số lượng dẫn hiện trường trong một tác phẩm truyền hình. Thường nó ở đầu, ở giữa hay ở cuối tuỳ thuộc vào nội dung cần phản ánh. Nghĩa là làm sao để chúng ta thể hiện tốt nhất ý đồ tư tưởng, chủ đề, kết cấu tác phẩm.
Trong một số tác phẩm cần gợi cảm xúc, những chi tiết hình ảnh đắt giá nên dành cho phần mở đầu và đặc biệt là phần kết. Vì những hình ảnh đó có sức lay động người xem mạnh mẽ hơn nhiều lần việc một phóng viên nói trước máy.
Phóng viên nói trước máy nên nhìn thẳng vào ống kính, phải sử dụng cỡ cảnh rộng để có thể khai thác hiệu quả bối cảnh. Khi cần thiết, có thể sử dụng đạo cụ để tiện cho việc trình bày.
Dẫn hiện trường là thủ pháp nghiệp vụ cần rèn luyện và quan sát. Bí quyết thành công của nó là nắm vững vấn đề, sự kiện và trình bày bằng ngôn ngữ của trái tim.
Phan Văn Tú