Ngày 15/9 vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học. Có một điều khoản mới trong thông tư này đã gây tranh cãi suốt cả tháng qua, đó là việc học sinh được dùng điện thoại trong lớp
Cũng phải nói ngay rằng, quy định đầy đủ về chuyện này là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập với sự đồng ý của giáo viên đứng lớp. Ngày 1/11 tới đây, quy định này sẽ có hiệu lực thi hành dù những cuộc tranh cãi vẫn còn dang dở trên truyền thông.
Nỗi lo của người có trách nhiệm
Cho học sinh dùng điện thoại thông minh là vẽ đường cho hươu chạy - một phụ huynh có con đang học lớp 8 đã nói như vậy. Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi nhà trường cho con em mình dùng điện thoại, các em sẽ sa vào chơi game, giải trí, tương tác trên các mạng xã hội mà sao nhãng việc học. Trao chiếc điện thoại thông minh cho con em mình mang tới trường là đưa cho các em “con dao hai lưỡi” - nó có thể vận dụng để làm việc tốt trong học tập, nhưng nó cũng có thể biến thành công cụ để làm những điều xấu.
Thầy cô ở các trường cấp 2 là những người lo lắng nhất. Như chúng ta biết, từ lâu, ở nhiều ngôi trường, việc học sinh không được sử dụng điện thoại di động đã trở thành một quy định bắt buộc. Còn bây giờ, các thầy cô phải tìm ra cách hướng dẫn học sinh mình trước tình huống mới này. Và câu chuyện hướng dẫn, định hướng cho các em dùng điện thoại đúng đắn không dễ dàng. Giáo viên phải thuyết phục cho các em hiểu, và việc này cũng cần có sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh. Nhiều thầy cô cho rằng, việc cho học sinh cấp 2 sử dụng điện thoại thông minh hiện nay chưa cần thiết.
Điện thoại thông minh là cái máy tính bỏ túi, một công cụ cho các em học tập tốt hơn.
Nhưng việc gì đến thì phải đến, từ quy định mới này, quả bóng trách nhiệm đang đổ về giáo viên trực tiếp đứng lớp: Việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp được triển khai như thế nào tùy từng giáo viên. Giáo viên có quyền cho các em sử dụng điện thoại trong giờ học nếu cảm thấy cần!
Những quy định chi tiết đã và sẽ được đặt ra, nhưng sức quyến rũ của thiết bị thông minh khó thể cưỡng các em học sinh vốn ở tuổi ham chơi. Và giữa lợi ích và nguy cơ khi cho học sinh dùng điện thoại thông minh, gánh nặng hướng dẫn vẫn là người thầy đứng lớp.
Xu thế thế giới
Với người lớn chúng ta hiện nay, điện thoại thông minh là vật dụng không thể thiếu để tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ trên thế giới, để giải trí, để liên lạc và làm nhiều công việc chuyên môn khác. Và chúng ta cũng biết rằng, khối lượng thông tin khổng lồ trên internet sẽ là một trợ thủ đắc lực cho việc học của con em mình (tất nhiên, các em cần được hướng dẫn sử dụng điện thoại di động hợp lý, tránh rủi ro).
Xu thế học tập hiện nay giúp cho học sinh có khả năng tiếp cận thông tin không quá đặt nặng vấn đề nhớ thuộc lòng kiến thức. Trong thời đại 4.0, việc truy cập, lưu trữ, biểu hiện thông tin là trách nhiệm và chuyên môn của robot. Robot với trí tuệ nhân tạo có thể làm những việc này hiệu quả hơn con người. Các em học năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Internet là xa lộ thông tin, dữ liệu để các em khai thác cho mục đích học tập.
Nhiều nước trên thế giới trước đây cũng không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng nay đã thay đổi quan điểm. Ví dụ ở Mỹ hoặc Nhật Bản, học sinh từ cấp hai trở lên sẽ được phép mang điện thoại vào trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp và để hỗ trợ cho việc học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Trong những cuộc tranh cãi hiện nay ở Việt Nam, những ý kiến ủng hộ cũng cho rằng việc sử dụng các thiết bị công nghệ rất bình thường trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Đó cũng là xu thế tất yếu. Vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để quản lý việc học sinh sử dụng điện thoại một cách thông minh hữu hiệu, tránh những tác động tiêu cực.
Và giải pháp được đề xuất vẫn là dạy cho các em những quy tắc ứng xử về việc sử dụng điện thoại và hướng dẫn các em những kỹ năng cụ thể ngày từ gia đình. Đồng thời, giáo viên trực tiếp quản lý các em phải có các quy định hết sức chặt chẽ, có giải pháp cho các em tiếp cận: giờ nào, ứng dụng nào, trang web nào…
Bên cạnh đó, ở các trường học, có thể áp dụng những giải pháp công nghệ như dùng các phần mềm để giám sát việc các em khai thác internet, ngăn chặn các trang web xấu không cho các em có thể truy cập.
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các trường thực hiện giáo dục ngoài trời và hoạt động trải nghiệm trong năm học này. Những hoạt động thể thao, giao tiếp trực tiếp cũng góp phần giúp các em không bị cuốn hút vào các trò giải trí trên internet
Bài học phối hợp gia đình - nhà trường
TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 1,7 triệu học sinh, con số cao nhất so với các tỉnh thành cả nước. Sau khi Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT ban hành, ngành Giáo dục TP đã có ngay văn bản hướng dẫn các trường về vấn đề này.
Và thực tế, nhiều ngôi trường ở TP. Hồ Chí Minh đã cho phép học sinh sử dụng smartphone nhiều năm qua. Ví dụ, trường Trần Đại Nghĩa do được phép tuyển sinh toàn thành phố nên có học sinh nhà cách trường 20 - 30km. Từ lâu, nhà trường đã cho phép sử dụng điện thoại di động để tạo thuận lợi trong việc liên lạc giữa phụ huynh và học sinh. Trong những tiết học trong những giờ thảo luận nhóm học sinh có thể được phép sử dụng điện thoại di động, nhưng phải có thầy cô giáo hướng dẫn và đưa ra quy tắc sử dụng điện thoại trong từng môn học, tiết học của mình. Thầy cô giáo phải quy định rõ thời điểm nào trong tiết dạy của mình thì các em được phép sử dụng điện thoại di động
Nhiều trường bên cạnh việc cho phép sử dụng điện thoại, cũng đặt ra những quy định hết sức khắt khe để quản lý học sinh nếu vi phạm như trừ điểm rèn luyện, mời phụ huynh, thậm chí là tịch thu điện thoại.
Nhiều nhà giáo khẳng định rằng việc cho học sinh dùng điện thoại thông minh đem lại những hiệu quả tích cực trong giờ học. Học sinh có thể cập nhật những kiến thức của đời sống và những vấn đề trong sách giáo khoa chưa thể để gặp đủ.
Nhưng để làm tốt, phụ huynh phải cùng với nhà trường cùng hướng dẫn con em mình sử dụng điện thoại hợp lý. Cha mẹ học sinh phải biết giúp các cháu sử dụng điện thoại có chừng mực. Kinh nghiệm từ những ngôi trường cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh cho thấy nguy hiểm hay an toàn, lợi hay hại do cách nhà trường và gia đình hướng dẫn các em ứng xử với điện thoại thông minh như thế nào thôi.
Phú Trang