Câu chuyện truyền thông

Phát hiện ảnh giả mạo

Nhu cầu phát hiện ảnh đã bị xử lý hiện đang đặt ra, khi thực trạng giả mạo thông tin qua ảnh ngày càng nhiều. Vậy làm thế nào có thể phát hiện một bức ảnh đã bị/được chỉnh sửa?


Google cung cấp dịch vụ Google Image để tìm kiếm ảnh, nhưng trong một số trường hợp có thể dùng công vụ này để phát hiện ảnh làm giả

Có những sản phẩm công nghệ quá nổi tiếng và tiện dụng đến nỗi tên riêng của nó trở thành một động từ. Google và Photoshop là những trường hợp tiêu biểu. Ngày nay, trên thế giới, khi dùng động từ “photoshop”, ai cũng biết đó là chuyện chỉnh sửa, xử lý ảnh. Một bức ảnh đã bị/được chỉnh sửa, làm thế nào có thể phát hiện?

Nhu cầu phát hiện ảnh đã bị xử lý hiện đang đặt ra khi thực trạng giả mạo thông tin qua ảnh ngày càng nhiều. Bức ảnh làm giả là bức ảnh bị can thiệp làm sai sự thật như thay đổi chủ thể, phông nền và các thông tin khác so với ảnh gốc. 

Trực giác và năng lực phân tích

Dù có công cụ kỹ thuật để phát hiện (sẽ nói ở mục sau) nhưng những kẻ làm ảnh giả mạo vẫn có trăm cách qua mặt được các phần mềm. Chính vì thế, quá trình phát hiện một bức ảnh giả mạo thường có sự kết hợp giữa nhiều khâu “điều tra”. Nhưng điều đầu tiên, cần có năng lực phân tích, cần có trực giác nhạy bén để phát hiện ra các lỗi logic trong nội dung bức ảnh.

Phân tích trực quan là dựa vào những dấu hiệu bất thường về thị giác trên bức  ảnh chúng ta nghi ngờ. Việc đánh dấu các yếu tố bất thường này giúp chúng ta chuyển sang phân tích bức ảnh bằng công cụ kỹ thuật số sau đó để củng cố giả thiết ban đầu và tìm ra bằng chứng chứng minh ảnh đã qua xử lý. Để có được năng lực phân tích dấu hiệu bất thường trong bức ảnh cũng cần có chút kinh nghiệm chụp ảnh hoặc phân tích ảnh (ánh sáng, canh nét, hướng nhìn của mắt nhân vật…) nhưng hiện nay, nhiều tài liệu chia sẻ trên mạng giúp ta có thể học tập kỹ năng này. 

Ánh sáng là dấu hiệu trực quan đầu tiên để phát hiện ảnh giả mạo. Tấm ảnh cắt ghép từ nhiều hình ảnh khác nhau sẽ không thể có độ thuần nhất về ánh sáng, nghĩa là cường độ chiếu sáng cũng như hướng sáng sẽ khác nhau. Chỉ cần nắm được kỹ năng ảnh cơ bản, chúng ta sẽ biết sự phản xạ của tia sáng đến vùng không gian hay các vật thể xung quanh chủ đề sẽ cho mức độ sáng tương ứng. Chúng ta cần biết cả hướng chiếu sáng đến từng vị trí của bề mặt. Việc xác định nguồn sáng không cần nhìn toàn bộ vật thể trong ảnh, chỉ cần tập trung vào các đường viền trên bề mặt – đây là nơi hướng ánh sáng vuông góc với bề mặt. 

Hướng mắt nhìn và vị trí của nhân vật trong ảnh là chi tiết giúp chúng ta phát hiện ảnh giả. Đôi mắt của con người trong ảnh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định độ chân thật của một bức ảnh, nếu đó là ảnh chụp người. Để xem bức ảnh đó đã chỉnh sửa hay chưa, hãy chú ý tròng đen của mắt với quy luật: bình thường tròng đen luôn là hình tròn nhưng nó sẽ trở thành hình elip khi di chuyển sang trái, phải, lên, xuống.

Điểm sáng trên mắt cũng là dấu hiệu để nhận diện ảnh thật - ảnh ghép: Khi ánh sáng chiếu vào chúng ta, ánh sáng chung quanh sẽ phản chiếu trong mắt và từ đó hình thành những chấm sáng nhỏ. Chúng ta có thể dựa vào hình dạng, màu sắc, cũng như vị trí của chấm sáng ấy trên các cặp mắt của các nhân vật trong hình để tìm ra câu trả lời: ảnh này có ghép hay không.


Cuối 2015, Cục Thông tin Ấn Độ công bố bức ảnh thủ tướng Narendra Modi đi khảo sát vùng bị lũ lụt tàn phá tại thành phố Chennai. Trong bức ảnh ấy, ông  Modi ngồi bên cửa sổ máy bay nhìn rõ cảnh nhà cửa, cây cối, đường phố bị nhấn chìm trong nước lũ. Không lâu sau khi bức ảnh được công bố, các chuyên gia đã nhanh chóng phát hiện đây là ảnh bị cắt ghép, thậm chí họ còn phát hiện và công bố hai bức ảnh gốc dùng để “dàn dựng” thành bức ảnh mới. Đây là kiểu photoshop khá vụng về không tuân thủ luật viễn cận trong hội họa và thiếu kiến thức thực tế: kinh nghiệm cho thấy hình ảnh chụp qua cửa kính máy bay rất mờ, không thể chi tiết như thế được.

Dùng photoshop để trị photoshop

Tất nhiên việc phân tích ảnh trực quan không phải lúc nào cũng phát hiện ra ảnh ghép, ảnh giả mạo, nhất là đối với những tay “phù thủy photoshop”. Hầu hết các chuyên gia, các biên tập viên hiện nay đều dùng phần mềm hoặc các công cụ online để phát hiện các thông tin về ảnh, trong đó, có thông tin chỉnh sửa cắt ghép. Các công cụ online sẽ phát hiện cực nhanh và đó là bằng chứng khá chắc chắn.

Điều thú vị là chính photoshop cũng cho phép chúng ta biết nhiều thông tin về ảnh và giúp phát hiện ảnh đã bị photoshop như thế nào. Ví dụ, chúng ta có thể xác định ảnh có dùng chế độ clone (nhân bản) – tức tính năng tạo thêm các đối tượng bằng cách sao chép một phần ảnh rồi dán đè lên phần còn lại. 

Photoshop cũng giúp chúng ta đọc các thông số bức ảnh: chụp khi nào, chụp bằng máy gì, hệ màu ra sao, thậm chí tọa độ vệ tinh nơi bức ảnh được chụp. Photoshop cũng giúp chúng ta đọc các pixel theo bộ lọc RGB (đỏ, xanh lá, xanh dương). Mỗi pixel dữ liệu thô sẽ có một trong ba màu này. Dữ liệu thiếu bị lấp đầy bằng vi xử lý hoặc phần mềm dịch dữ liệu thô từ máy ảnh ra, để làm điều này, cứ lấy các giá trị của pixel gần nhất. Như vậy, một bức ảnh nếu không có dấu hiệu “tự động lấp đầy” thì rõ ràng bức ảnh đó đã được can thiệp bằng cách khác “phi tự nhiên”.

Có nhiều phần mềm hoặc trang web phân tích ảnh miễn phí như vậy. Ví dụ JPEGsnoop. Các phần mềm này đều có khả năng “đọc” bức ảnh trong tích tắc và  cho ra “bằng chứng” nhưng để hiểu các thông số các bạn cần tra cứu thêm trên mạng. JPEGsnoop là một ứng dụng miễn phí có thể giúp bạn phân tích chi tiết và phát hiện xem hình ảnh đã được chỉnh sửa hay là bản gốc. Ngoài ra, JPEGsnoop có thể giúp bạn phát hiện các cài đặt khác nhau đã được sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số khi chụp ảnh (siêu dữ liệu, EXIF, IPTC).

Còn một công cụ khác, rất phổ biến và rất dễ là sử dụng Google (chế độ hình ảnh). Tại ô tìm kiếm, có biểu tượng cái máy ảnh, bạn bấm vào đó và tải bức ảnh mình nghi ngờ lên, chỉ trong vài giây, Google sẽ tìm được ảnh tương tự. Có khi trong đó có ảnh gốc của bức ảnh đã bị photoshop.

Tất nhiên, công cụ chỉ là công cụ, để phát hiện tốt một bức ảnh giả mạo, cần có sự phân tích nội dung bức ảnh bằng trải nghiệm, hiểu biết chính trị - xã hội, cũng như việc chọn lọc nguồn thông tin tin cậy khi đọc, nghe, xem hiện nay. 

Phan Văn Tú