Quyết liệt, sáng tạo, đột phá để đổi mới đất nước

ĐÀO TRƯNG - VĨNH TIẾN - HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/5/2025, 12:15

(HTV) - Liên tiếp các bài viết lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua thể hiện những quan điểm và tầm nhìn chiến lược của Đảng về các vấn đề thời đại, đồng thời, lan tỏa khí thế đổi mới trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Công cuộc cải cách, đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là đòi hỏi tất yếu trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, kể từ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (tháng 9/1979) đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã khởi xướng và phát triển tư duy đổi mới, tiến hành trên nhiều lĩnh vực đời sống. Trong đó, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại. Cho đến hôm nay, trước yêu cầu hội nhập vào một thế giới mới đầy biến động, làm sao để dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh? Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân không ngừng tìm tòi, sáng tạo có tính cách mạng.

Phóng viên HTV trao đổi với Tiến sĩ Vũ Trung Kiên - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II

Liên tiếp các bài viết lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua thể hiện những quan điểm và tầm nhìn chiến lược của Đảng về các vấn đề thời đại, đồng thời, lan tỏa khí thế đổi mới trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Phóng viên HTV đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Vũ Trung Kiên - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực I nhằm hiểu rõ thêm về sự chuyển biến về tư duy đổi mới của Đảng và những bài học kinh nghiệm rút ra từ các cuộc cải cách quy mô lớn trên thế giới.

 Các bài viết lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua thể hiện những quan điểm và tầm nhìn chiến lược của Đảng về các vấn đề thời đại

Ở góc độ nghiên cứu lý luận và thực tiễn, ông phân tích như thế nào về sự chuyển biến về tư duy đổi mới của Đảng, thể hiện trong các Nghị quyết mới nhất?

Trong bối cảnh thời đại mới, Nghị quyết 57 đã xác định một nhiệm vụ trọng yếu, đó là chuyển đổi số quốc gia, được xem như một khâu then chốt mang tính đột phá. Tiếp nối tinh thần đó, Đảng ta vừa ban hành một nghị quyết mới, tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực kinh tế này như là động lực hàng đầu.

Và đây được xem là nghị quyết sẽ mở đầu cho việc khơi dậy sức sáng tạo và sản xuất của các doanh nghiệp và mỗi một người dân để hướng tới khát vọng, đó là khát vọng hùng cường dân tộc. Nghị quyết 57 đã được nhiều người đánh giá tương tự như "Khoán 10" trong lĩnh vực nông nghiệp, cho thấy kỳ vọng về một bước đột phá tương tự. Tiếp nối tinh thần đó, Nghị quyết 68 lần này với sự khẳng định mạnh mẽ về vai trò động lực hàng đầu của kinh tế tư nhân, hứa hẹn sẽ kéo theo hàng loạt chính sách cụ thể hóa quan điểm chiến lược của Đảng trong thời gian tới.

Từ tinh gọn bộ máy đến nâng cao chất lượng sống của người dân

Theo dòng lịch sử, nhìn lại các cuộc cải tổ, cải cách quy mô lớn diễn ra trên thế giới và khu vực, những bài học kinh nghiệm cần được phân tích, nhìn nhận, kế thừa và phát triển như thế nào?

Cùng thời điểm cải cách về Minh Trị Duy Tân tại Nhật Bản năm 1868 thì tại Thái Lan cũng có một cuộc cải cách của Chulalongkorn. Rồi sau này có cả những cuộc cải cách Mậu Tuất vào năm 1898, Mậu Tuất Duy Tân dưới thời Quang Tự của Trung Quốc. Thế còn Việt Nam mình, ngay từ những năm của thế kỷ thứ 10 đã có những cuộc cải cách rất lớn của họ Khúc lúc bấy giờ. Sau này có những cuộc cải cách lớn sau đó dưới thời Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị của đất nước, nhà vua đã tổ chức cải cách hành chính triệt để và ông đã chia đất nước thành những khu vực hành chính rất khoa học. Ngay lúc ấy, chúng ta đã có cơ quan để đàn hặc các vị quan của triều đình khi họ làm sai và kể cả đàn hặc vua, để lại cho chúng ta những kinh nghiệm và bài học. Tôi nghĩ rằng hiện nay Việt Nam đang trong một cuộc mà chúng ta gọi đó là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, về sắp xếp các đơn vị hành chính. Muốn cho những cuộc cải cách thành công thì trước hết phải có những quyết sách mạnh mẽ. Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn nói rằng là quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, nhưng mà thực ra thì chính chủ nghĩa Mác-Lênin cũng nói rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng là tất cả các cuộc cải cách thành công chính là vì những người đứng đầu đã mạnh mẽ và bằng sức mạnh, vị thế, uy tín của họ, họ đã lãnh đạo các cuộc cải cách thành công.

Những thông điệp tâm huyết của Tổng Bí thư, thể hiện trong các bài viết, sẽ trở thành cương lĩnh hành động, thôi thúc toàn hệ thống chính trị

Thứ ba, bất cứ cuộc cải cách nào cũng hướng tới đời sống của người dân, đến hạnh phúc của số đông. Những tâm huyết mà Tổng Bí thư gửi gắm qua các bài viết chính là cương lĩnh dẫn đường, thôi thúc toàn bộ hệ thống chính trị cùng hành động. Không chỉ riêng người đứng đầu Đảng, mà có lẽ tất cả những ai trăn trở về vận mệnh quốc gia, tiền đồ dân tộc đều đang đồng lòng, kỳ vọng những hoài bão, những hoạch định của Tổng Bí thư sẽ cộng hưởng và hiện thực hóa khát vọng chung của toàn dân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: