Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới trở thành nguyên mẫu cho hàng nghìn tác phẩm văn học - nghệ thuật như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình tượng Bác Hồ là niềm cảm hứng sáng tạo của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.
Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Việt Nam nhiều năm qua có sự sáng tạo về các thủ pháp tạo được nhiều thành công lớn
Đã có hàng ngàn ca khúc, hàng trăm tượng đài, hàng ngàn tác phẩm hội họa thể hiện hình tượng Bác Hồ tính từ 1945 đến nay. Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề ca ngợi Bác Hồ được sáng tạo và phổ biến rộng rãi, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Hai lĩnh vực nghệ thuật mà việc xây dựng hình tượng Bác - một tâm hồn lớn, một trí tuệ vĩ đại - rất khó là điện ảnh và sân khấu, cũng có hàng chục vở diễn các loại hình, hàng chục bộ phim. Hà Nội mùa đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), Nhìn ra biển cả, Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức), Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn Long Vân)... là những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu.
Với sân khấu, không chỉ có kịch nói là mà các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch… cũng có nhiều vở diễn xây dựng thành công hình tượng Bác Hồ, được đông đảo khán giả chào đón và yêu mến. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu và kinh điển như: Người công dân số một, Đêm trắng, Không còn con đường nào khác, Sáng mãi niềm tin, Đêm trăng huyền thoại, Lịch sử và nhân chứng, Hành trình người chiến sĩ, Bầu trời và mặt đất...
Nghệ sĩ Tiến Hợi thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”
Những năm gần đây, nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ từng được công chúng hoan nghênh từ vài chục năm trước; đồng thời tiếp tục khai thác, dàn dựng những vở diễn mới về đề tài này với những thử nghiệm mới về nội dung và hình thức, bước đầu tạo hiệu quả nghệ thuật tốt, như Những vần thơ thép - Nhà hát chèo Việt Nam (tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Bùi Đắc Sừ); Cái chết chẳng dễ dàng gì - Nhà hát kịch Quân đội (tác giả Xuân Đức, đạo diễn Dương Ngọc Đức); Người ra đi từ câu hò ví dặm và Lời Người, lời của nước non - Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca ví dặm Nghệ An; kịch múa Nhật ký trong tù - Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; Hồi ức màu đỏ - Nhà hát ca kịch Huế (tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Ngọc Bình); Bác không phải là vua - Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên (tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn Trần Nhượng)… Những vở diễn về Bác Hồ nêu trên được đầu tư công phu và được những nghệ sĩ tài ba tìm tòi sáng tạo trong ngôn ngữ nghệ thuật.
Bên cạnh những nhà biên kịch, đạo diễn giỏi, công chúng khán giả vẫn nhắc đến các diễn viên thuộc nhiều thế hệ đã để lại những vai diễn đầy ấn tượng như: Sĩ Hùng, Tiến Thọ, Ngọc Thủy, Tiến Hợi, Đức Trung, Võ Sĩ Thừa, Tiến Mộc, Trần Thạch, Hà Văn Trọng, Văn Tân… và gần đây là một số nghệ sĩ trẻ như Ngọc Bình (Ca kịch Huế), Ngọc Ngãi (Dân ca Nghệ An), Phú Kiên (Nhà hát chèo Việt Nam), Ngọc Cao (Nhà hát chèo Quân đội)…
Công bằng mà nói, việc xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu là một thử thách nghệ thuật to lớn đối với người nghệ sĩ. Vì sao? Vì khó có thể xây dựng một nhân vật sân khấu giống với hình ảnh ngoài đời của Bác Hồ trong cảm thức của nhân dân. Dù phản ánh, xây dựng hình tượng Bác Hồ ở góc độ nào, giai đoạn nào, hình thức nghệ thuật nào thì vẫn phải đạt được hình tượng nhân vật vừa vĩ đại vừa bình dị, vừa cao cả vừa gần gũi, vừa minh triết, vừa đời thường và đặc biệt là một tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến.
Hình tượng Bác Hồ giai đoạn còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài được các đạo diễn khai thác thành công (Ảnh: poster giới thiệu phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” với nghệ sĩ Trần Lực thể hiện nhân vật Nguyễn Ái Quốc)
Sân khấu chuyên nghiệp là vậy. Còn trên các sàn diễn không chuyên, văn nghệ quần chúng, những nỗ lực xây dựng hình tượng Bác Hồ chỉ dừng lại ở hình thức hoạt cảnh, trích đoạn. Trong các dạng hoạt cảnh ấy, hình tượng Bác Hồ chỉ mới được phản ánh ở dáng vẻ bên ngoài, thông qua điệu bộ, dáng đi, giọng nói… chứ chưa lột tả được tầm vóc vĩ đại của Người.
Đặc biệt gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều hình thức tuyên truyền lời dạy của Bác ra đời. Trong những tìm tòi ấy, có nơi khai thác hình thức sân khấu hóa hình tượng Bác Hồ để lồng ghép các nội dung tuyên truyền. Những cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện thì mời các nghệ sĩ (thường là các nghệ sĩ từng thành công với vai diễn về Bác Hồ) đến trong các dịp sinh hoạt chính trị quan trọng. Một số đơn vị thì tự dàn dựng dưới hình thức hoạt cảnh. Đây là những nỗ lực đáng quý, tuy nhiên, như đã nói, hình tượng Bác Hồ vừa gần gũi vừa thiêng liêng, cho nên nếu dàn dựng, sân khấu hóa chưa đạt, có khi dẫn đến hiệu quả ngược.
Bác Hồ là một nguyên mẫu đặc biệt và hình tượng Bác Hồ là một đề tài đặc biệt của văn học nghệ thuật nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng. Với sân khấu, tái hiện hình ảnh Bác không phải “giống như thật” mà phải đạt được thần thái, hồn cốt của một nhân cách vĩ đại, giống như tâm tưởng của các thế hệ công chúng hình dung về Người lâu nay. Vì thế, sân khấu hóa hình tượng Bác, cần hết sức nghiêm cẩn.
Phú Trang