(HTV) - Biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp đã trở thành một vấn đề cấp bách trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng và cần giải pháp toàn diện, quyết liệt và phù hợp.
Hiện nay, trong sản xuất lúa có 3 yếu tố chính gây phát thải khí nhà kính là bón quá nhiều phân đạm, đốt rơm rạ hoặc vùi rơm rạ vào trong đất. Sản xuất nông nghiệp hiện chiếm đến 30% khí thải nhà kính trên toàn quốc và cũng là ngành tạo ra tín chỉ Carbon. Canh tác nông nghiệp bền vững chính là con đường ngắn nhất để khởi động sàn giao dịch tín chỉ Carbon Việt Nam. Nắm bắt cơ hội này, canh tác lúa quy mô lớn tại ĐBSCL đã có sự chuyển mình.
Theo Báo cáo cập nhật lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam là 88,3 triệu tấn CO2, tương đương 32,2% tổng lượng phát thải của cả nước. Trong đó, lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm các cây trồng với 50,49%, tương đương 44,6 triệu tấn CO2.
Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành chương trình VNSAT (chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) được thực hiện trên cây lúa ở 8 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang. Dựa trên thành quả này, nhiều diện tích lúa đã tiến lên canh tác theo phương pháp SRP của Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế.
Phương pháp SRP đưa ra 46 yêu cầu chặt chẽ về năng suất, an toàn thực phẩm và đa dạng sinh học. Theo nhiều tổ chức quốc tế, phương pháp canh tác này đang sinh giá trị khoảng 10 USD/tín chỉ Carbon cho sản xuất lúa Việt Nam.
Phương pháp SRP mang lại nhiều giá trị cho sản xuất lúa Việt Nam
Hiện những cánh đồng sản xuất lúa bền vững vẫn đang tích lũy các số liệu thu thập được, chờ thị trường tín chỉ Carbon Việt Nam khởi động.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là gạch đầu dòng đặt nền tảng cho hợp tác toàn diện mang tính chất hệ sinh thái khép kín và bền vững. Vấn đề còn lại là hình thành 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.
Giải pháp mở rộng diện tích lúa bền vững
Việc sản xuất lúa gạo theo mô hình canh tác bền vững sẽ giúp duy trì năng suất mà không làm hủy hoại tài nguyên đất, nước và môi trường. Như vậy, con số 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm trong canh tác lúa sẽ giảm dần cùng với những tín chỉ mới được sinh ra. Canh tác lúa bền vững quy mô lớn sẽ giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo toàn cầu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9