(HTV) - Các hợp tác xã, doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh lúa gạo cho rằng, vấn đề vốn đang trở thành điểm nghẽn lớn của họ khi tham gia mô hình đề án 01 triệu hecta lúa chất lượng cao.
Vì để tạo ra năng suất tốt, chất lượng cao, giảm phát thải thấp, thì sản xuất phải đồng bộ. Muốn làm được điều này thì cần vốn để mua sắm các trang thiết bị mới.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Tái đầu tư cho thửa ruộng dễ, nhưng tái đầu tư cho cả cánh đồng thì khó. Do đó, còn cần rất nhiều nguồn đầu tư, đang tính đến câu chuyện của đề án 01 triệu hecta mang tính chất nông thôn".
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Thông tin từ Bộ NN & PTNT, tổng nhu cầu vốn đầu tư đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao khoảng 11.800 tỷ đồng. Để hỗ trợ thực hiện, Bộ dự kiến trình Chính phủ cho phép vay vốn ngân hàng thế giới khoảng 9.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn vốn đối ứng và các nguồn khác. Thực tế, hiện nay cũng có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu để hỗ trợ vốn cho đề án.
Cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL, nơi ứng dụng mô hình 01 triệu hecta
Theo bà Amber Sharick - Chuyên gia tài chính bền vững - Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết: "Chúng tôi thấy Chính phủ các nước đang sẵn sàng để cung ứng vốn cho Việt Nam, tuy nhiên các tổ chức cũng như chính phủ của các nước rất quan tâm đến việc nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp của Việt Nam có kế hoạch cụ thể gì trong việc triển khai đề án cũng như sẽ tiếp nhận những nguồn hỗ trợ như thế nào".
Bà Amber Sharick - Chuyên gia tài chính bền vững - Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI)
Nhiều ý kiến cho rằng cũng cần phải nghiên cứu triển khai mô hình chuỗi giá trị tài chính với mô hình cho vay liên kết giữa 03 bên, gồm ngân hàng - doanh nghiệp đầu mối chuỗi liên kết và hợp tác xã, để việc tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn chia sẻ: "Bộ Nông nghiệp đang phối hợp với Agribank thí điểm mô hình tài chính tín dụng theo chuỗi, kết hợp tài chính với nhà cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho các tác nhân, giảm áp lực cho vay thế chấp. Xây dựng các gói tín dụng và gói bảo hiểm nông nghiệp để tạo ra thị trường bắt chéo giữa tài chính và bảo hiểm, giúp chuỗi giá trị bền vững hơn".
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn
Để khơi thông nguồn lực đầu tư, trước tiên người dân, hợp tác xã cần áp dụng đúng quy trình sản xuất lúa phát thải thấp. Muốn vậy, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng một cách phù hợp. Đặc biệt, ngay khâu sau thu hoạch cũng cần được quan tâm tận dụng, bởi đây là khâu mang lại nguồn tài chính không nhỏ. Theo tính toán, chỉ riêng nguồn thu từ việc bán rơm rạ của đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL tương đương với 2.000 tỷ đồng/năm. Do đó, cần nâng cao giá trị cho rơm rạ để tăng thêm nguồn thu cho người nông dân.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9