KỂ CHUYỆN SÀI GÒN XƯA

Số báo xuân đầu tiên ở Sài Gòn

Mỗi lần Tết đến, các tờ báo ở khắp nơi đều ra số xuân - món ăn tinh thần không thể thiếu của các gia đình trong những ngày xuân. Nếu ai không biết, không nhớ thì cũng nên nhắc lại công lao của nhà báo Diệp Văn Kỳ, người đã cho ra đời số Xuân đầu tiên.

Sau khi xâm chiếm miền Nam nước ta, chính quyền thực dân Pháp đã cho ra đời tờ Courrier de Saigon, thực chất chỉ là một tờ công báo, đăng tải các công văn, nghị định, luật lệ của chính quyền thuộc địa. Đến ngày 15/4/1865, tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Nam ra đời, đó là tờ Gia Định báo. Những năm đầu, tờ báo do một người Pháp là Ernest Potteaux làm chủ nhiệm. Thời gian này, Gia Định báo chỉ là bản dịch của tờ Courrier de Saigon. Bốn năm sau, người Pháp thấy cần thiết để tờ Gia Định báo phổ biến rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng người bản xứ, nên ngày 16/9/1869, đô đốc Ohier đã ký quyết định giao cho ông Trương Vĩnh Ký làm chủ nhiệm, điều hành tờ báo này. Từ đây, Gia Định báo trở thành tờ báo bằng tiếng Việt chính thức và đầu tiên của Việt Nam.

Sau Gia Định báo, một số tờ báo tiếng Việt cũng được xuất bản. Nhưng từ năm 1865 đến năm 1827, không có tờ báo nào ra số đặc biệt vào dịp Tết để ca ngợi mùa xuân của dân tộc.


 Nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Diệp Văn Kỳ, người cho ấn hành số báo Xuân đầu tiên

Theo cuốn sách Báo chí Việt Nam – những sự kiện đầu tiên và nhất do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2006, thì tờ báo xuân đầu tiên ở nước ta là Nam Phong tạp chí (do Phạm Quỳnh làm chủ biên) ra riêng số Tết năm 1918.

Còn ở Sài Gòn, mãi đến năm 1827, ông Diệp Văn Kỳ hợp tác với ông Nguyễn Kim Đính hoàn thành một số báo Xuân của Đông Pháp thời báo. Tờ Đông Pháp thời báo xuất bản từ ngày 2/5/1923 do ông Nguyễn Kim Đính làm chủ nhiệm và ông Trần Huy Liệu làm chủ bút. Đến năm 1927, ông Diệp Văn Kỳ về làm chủ bút tờ báo này.

Cuối năm 1927, nhân dịp gần Tết, ông Diệp Văn Kỳ cho ấn hành một số báo đặc biệt: Đông Pháp thời báo Xuân Mậu Thìn 1928. Báo in hai màu đen – đỏ. Trong nội dung, có nhiều bài cộng tác của các nhà thơ, nhà văn từ 3 miền của đất nước. Số Xuân Mậu Thìn khi vừa mang ra khỏi nhà in đã được nhiều người tranh nhau mua được, vì nó là tờ báo Xuân đầu tiên trong lịch sử làng báo ở Sài Gòn.


 Nhà báo Diệp Văn Kỳ

Trong những bài đăng trong báo Xuân Mậu Thìn, độc giả rất chú ý đến bài Chơi xuân, ký tên Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, vì nội dung và văn phong rất độc đáo.

Xin trích một đoạn trong bài Chơi xuân của Tản Đà:

“Người ta sanh ra ở đời, nếu chẳng chơi thì cũng thiệt, mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua thì cũng hoài: Vậy thời chơi xuân cũng là phải. Chơi xuân vẫn là phải, song mà cách chơi thế nào cho lịch sử, thời những bạn chơi ai đó tưởng cũng nên giảng cầu. Cầu ở trong sử truyện xưa nay, nhiều cách chơi xuân rất lý thú.

Mười xuân năm Bính Tuất, vua Ngu Thuấn mới lên ngô, đi tuần thú phương Đông, định các phép luật, lịch và các thứ cân đo lường, đó là một cách chơi xuân vậy. Mùa xuân năm Canh Thân, người nước Lỗ đi săn được muông lâu, Đức Khổng Tử cản mà làm Kinh Xuân Thu, đó là cách chơi xuân vậy. Mùa xuân năm Mậu Tuất, vua Lê Lợi dấy quân ở Lam Sơn đánh Minh, đó là một cách chơi xuân vậy. Năm Canh Tý, mùa xuân tháng hai, bà Trưng Trắc dấy quân đuổi Tô Định, tự lập làm vua, đó là chơi xuân. Năm Canh Ngọ mùa xuân tháng giêng, vua Triệu Việt đánh tan giặc Lương, vào ở thành Long Biên, đó là chơi xuân. Ông Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa là chơi xuân. Năm Kỷ Dậu, mùa xuân tháng giêng, vua Quang Trung đem quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh là chơi xuân. Năm Tân Hợi, mùa xuân tháng ba, ông Hoàng Hưng xuất quân tiến đánh thành Quảng Châu của Mãn Thanh, đó cũng chính là chơi xuân vậy. Người đời xưa chơi xuân đại khái như thế”.


Chợ Bến Thành xưa

Tờ Đông pháp thời báo ra đến ngày 22/12/1928 thì bị đình bản. Sau đó, ông Diệp Văn Kỳ đứng tên xin xuất bản tờ Thần Chung, có ông Nguyễn Văn Bá đứng tên chung. Tờ Thần Chung lúc đó có ý thức dân tộc rõ ràng, với tinh thần chống chính sách thực dân hà khắc của Pháp. Thần Chung có những bài bênh vực Nguyễn An Ninh cùng những nhà cách mạng yêu nước. Chính vì vậy mà tờ báo này bị đóng cửa vào năm 1930. Nhưng ông Diệp Văn Kỳ vẫn cho ấn hành hai số báo xuân của tờ Thần Chung. Số Thần Chung năm Canh Ngọ 1930 là đáng nhớ nhất, khổ báo lớn hơn thường ngày, in đẹp hai màu, nội dung có những bài của danh sĩ ba miền như: Ngô Tất Tố, Tản Đà, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Phan Văn Huân, Bùi Thế Mỹ.

Vào năm 1930, làng báo Nam Kỳ chưa có nhiều báo xuân, nên tờ Xuân Thần Chung lúc đó đã được độc giả khắp cả nước đón nhận nồng nhiệt. Sau khi các tờ Đông Pháp thời báo, Thần Chung cho ấn hành các số báo xuân, thì sau đó có tờ báo xuân Phụ Nữ Tân Văn năm Canh Ngọ 1930. Năm 1931, tờ Công Luận cho ra mắt số báo xuân Tân Mùi.

Báo xuân “trăm hoa đua nở”

Nếu nói đến báo xuân trong thời kỳ những năm 1929 – 1937 thì ở Nam Kỳ có Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn năm Canh Ngọ 1930 thì còn có tờ báo xuân Trung Lập năm Ất Hợi 1933. Tiếp đó, nhiều tờ báo khác cũng có số báo xuân, mỗi tờ đều có nét đặc sắc riêng.


Số báo xuân năm 1933 của tờ "Phụ Nữ Tân Văn"

Về những tờ nhật báo, tuần báo xuất bản báo xuân nhiều số nhất, phải kể đến Sài Gòn mới Điện tín là hai tờ báo sống lâu nhất thời đó. Cả hai báo năm nào cũng ấn hành một tờ xuân để đánh dấu ngày đầu năm. Và người làm báo xuân nhiều nhất là bà Bút Trà. Bà làm chủ báo Sài Gòn mới, xuất bản số xuân năm Quý Dậu (1933) và cứ thế đều đến năm 1945) bà đã cho ấn hành được 12 số báo xuân. Làng báo thời đó tuy ít, nhưng cũng cạnh tranh trong dịp xuân về để phát hành báo xuân trước. Báo xuân Điện tín của Lê Trung Cang ra trước báo xuân Sài Gòn mới vài ngày nên anh em trong làng báo thời đó đã nói: “Chỉ có anh Cang mới dám “chơi” bà Bút Trà như thế”.

Ngày nay, cứ mỗi lần Tết đến, các tờ báo ở khắp nơi đều ra số xuân, với hình thức và nội dung đa dạng, phong phú, là món ăn tinh thần không thể thiếu của các gia đình trong những ngày đầu xuân. Nếu ai không biết, không nhớ thì tưởng cũng nên nhắc lại công lao của nhà báo Diệp Văn Kỳ, người đã cho ra đời số báo xuân đầu tiên ở miền Nam nước ta.

Xuân Thảo