Tăng cường phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mê Kông

THU TÌNH - CHU THÀNH - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/6/2024, 16:58

(HTV) - Sự phát triển kinh tế nhanh trong khu vực sông Mê Kông thời gian qua đã ít nhiều gây ra những tác động đến môi trường, nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của người dân khu vực.

Sông Mê Kông

Sự khác biệt của các quốc gia về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước chưa hợp lý cũng đã đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý và nhiều yếu tố liên quan khác. Việc tìm ra các biện pháp phát triển bền vững và cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường ở tiểu vùng sông Mê Kông là vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay. 

Phát triển kinh tế và bài toán bảo vệ nguồn tài nguyên ở sông Mê Kông

Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hạn hán kéo dài và lũ lụt gia tăng cũng đang trở nên nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn kéo theo những hệ lụy liên quan đến an ninh lương thực, năng lượng, môi trường và đặc biệt là nguồn nước.     

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao - Thành viên, Ủy ban Pháp luật Quốc tế Liên Hợp Quốc nhận định cần có những ràng buộc để các nước bảo vệ nguồn nước chung, phải thông báo tham vấn lẫn nhau - phải tích cực khai thác cái này để khi có hoạt động xây dựng ảnh hưởng đến nước khác thì cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ có cơ sở, xây dựng chiến lược phù hợp đảm bảo lợi ích của từng quốc gia nhưng cũng không ảnh hưởng đến các quốc gia khác. 

Tại hội thảo khoa học quốc tế liên quan đến vấn đề này do Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức, nhiều chuyên gia trong nước và khu vực cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thực thi hiệu quả các chính sách để giúp cho người dân tiểu vùng Mê Kông có cuộc sống tốt hơn, đặc biệt, những vấn đề cốt lõi nhằm giúp tiểu vùng phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh cốt lõi vấn đề trên là hợp tác của tất cả các bên liên quan, tất cả các quốc gia, doanh nghiệp người dân trong khu vực đều phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường nước của sông Mê Kông và các công cụ của nó là các quy định pháp luật, các cam kết thỏa thuận đều phải được thực hiện trên cơ sở nhận thức vấn đề này. 

Tiểu vùng sông Mê Kông

Sông Mê Kông dài hơn 4.350 km, đi qua lãnh thổ sáu quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là con sông mang lại nguồn tài nguyên quý báu - nuôi sống hàng chục triệu người dân dọc lưu vực và là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới. Việc tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện, đưa ra khung pháp lý về phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả, đảm bảo lợi ích không chỉ đối với từng quốc gia mà cả khu vực rõ ràng là cấp thiết hiện nay.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 
Ý kiến của bạn: