Một người Việt Nam chỉ đọc trung bình khoảng 1,4 bản sách mỗi năm! Đây là con số thống kê thật đáng buồn. Giữa lúc các phương tiện nghe nhìn trực tuyến ngày càng phát triển, học sinh đa phần mê phim, mê game, làm thế nào để phát triển thói quen đọc sách?
Theo số liệu từ Hội Xuất bản Việt Nam, hằng năm, cả nước có khoảng 440 triệu bản sách ra đời, nhưng trong số đó, sách giáo khoa và giáo trình phục vụ học sinh, sinh viên học tập đã hơn 300 triệu bản. Các loại sách bổ trợ kiến thức, cung cấp kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn… được xuất bản không nhiều so với các nước trong khu vực. Một trong những lý do cho thực trạng này là tình trạng lười đọc sách trong cộng đồng, nhất là trong giới trẻ.
Thói quen đọc sách, tình yêu dành cho sách phải được xây dựng từ tuổi thơ
Thói quen từ ghế nhà trường
Cuộc cách mạng công nghệ đã đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống của chúng ta hôm nay. Chúng ta không phủ nhận những lợi ích mà internet, mạng xã hội mang lại. Nhưng, màn hình cảm ứng và các nội dung giải trí nghe nhìn miễn phí trên môi trường trực tuyến lâu nay đang lấn át thói quen đọc sách.
Giờ đây, hình ảnh mỗi người cầm điện thoại di động, lướt màn hình cảm ứng để xem tin tức, viết tút, like, bình luận trên mạng xã hội bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào đã trở nên khá phổ biến. Và, nhiều học sinh hiện nay rất mê các trò chơi trực tuyến không biết phân phối thời gian hợp lý giữa game và học tập, nói chi đến việc đọc sách bình thường. Tất nhiên, sách cũng có trên môi trường truyền thông mạng, nhưng sách điện tử chưa có sức hấp dẫn các em như phim, như game. Mà chuyện chơi game, coi phim thì chiếm thời gian rất khủng so với việc đọc!
Thực trạng này đã được cảnh báo rất nhiều trên các diễn đàn hội nghị, các ý kiến đều đi đến thống nhất rằng, cần phải xây dựng thói quen đọc sách cho cộng đồng, đặc biệt là xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ. Việc làm này phải được hình thành ngay từ trên ghế nhà trường. Xây dựng tình yêu sách cho các em học sinh từ khi còn học phổ thông có vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc một cách lâu dài, căn cơ.
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện niềm say mê đọc sách cho trẻ em
Giải pháp tạo hứng thú đọc sách
Người lớn đều biết rằng, sách là kho tàng giúp trẻ khám phá, tìm hiểu và học hỏi những điều hay, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng tự nhiên có thể hứng thú với việc đọc sách, phải tập cho các em thói quen ngay từ nhỏ, trong nhà trường.
Một trong những giải pháp được thực hiện ở nhiều trường lâu nay là xây dựng thư viện trường học thân thiện. Đó là một không gian học tập mở, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách; tạo điều kiện và để học sinh tích cực tham gia các hoạt động của thư viện; sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả; hỗ trợ cho việc dạy học tích cực, dạy và học mọi lúc, mọi nơi.
Thư viện thân thiện là một mô hình linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Ví dụ mô hình thư viện trường học đa chức năng, mô hình góc học tập (gồm cả sách về chủ đề, các mô hình, trò chơi….), góc sáng tạo: gồm sách khoa học, mô hình máy bay, ô tô, các vật dụng thí nghiệm, các dụng cụ và vật liệu sáng tạo mô hình; góc văn hóa - nghệ thuật gồm sách về văn hóa, nghệ thuật, trang phục truyền thống, băng đĩa nhạc, ẩm thực dân gian, ảnh, tranh vẽ…
Thư viện thân thiện có thể là thư viện mang tận sách đến lớp học. Học sinh có thể đọc sách bất kỳ lúc nào khi có thời gian rỗi, giáo viên đứng lớp là người hướng dẫn đọc, học sinh tự quản lý tủ sách (các em học sinh có thể mang sách của mình đến lớp, trao đổi cho nhau để đọc). Ngoài ra, có thể xây dựng thư viện ngoài trời (sách được để trong các giỏ, túi treo dưới tán cây xanh, hành lang lớp học, gầm cầu thang..) hay thư viện lưu động (sách được để trong các thùng, hộp có bánh xe đẩy đi khắp sân trường giúp học sinh có thể tiếp cận gần gũi với sách).
Thời gian qua, các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản đã có nhiều kế hoạch biện pháp để hỗ trợ nhà trường phổ thông xây dựng tình yêu sách cho học sinh. Ví dụ mô hình “tiết đọc sách hạnh phúc” do An books khởi xướng. Đây là một hình thức sinh hoạt năng động, trao cho các em quyền làm chủ cuộc chơi và thầy cô, các khách mời là người truyền cảm hứng. Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị rất chú trọng tới việc tổ chức các hoạt động song hành cùng với việc ra sách để phục vụ bạn đọc, nhất là việc đổi mới sáng tạo về công nghệ sách, tích hợp ứng dụng mới vào ấn phẩm.
Hiện đã có một số sách của Nhà xuất bản Trẻ đặt thêm QR code vào sách để giúp bạn đọc mở rộng thông tin, tri thức. Cụ thể là, khi đọc cuốn sách đó, gặp một vấn đề nào đó mà người đọc muốn tìm hiểu thêm thông tin thì có thể dùng điện thoại di động quét mã QR code để xem thêm thông tin trên web hoặc là xem một đoạn video có liên quan.
Có rất nhiều hình thức sinh hoạt nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Ví dụ như cho học sinh hóa thân thành một nhân vật trong sách, hoặc cho các em viết, vẽ, đóng vai… nhân vật mình yêu thích. Tất cả những hình thức sinh hoạt ấy đều xuất phát từ nguyên tắc chung: làm thế nào để người trẻ tự thay đổi nhận thức về vai trò của việc đọc và yêu thích đọc sách.
Nhà trường phải tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt để đốt lên ngọn lửa tình yêu văn hóa đọc, đặc biệt là tổ chức các hình thức trò chơi sinh động
Và các yêu cầu quản lý
Phát triển văn hóa đọc là công việc không chỉ của ngành xuất bản, của nhà trường, hay gia đình mà các ngành các cấp đều phải có trách nhiệm trong việc đưa những tác phẩm có giá trị đến với công chúng. Một trong những giải pháp quản lý đang được đề xuất là việc sửa đổi bổ sung luật xuất bản. Theo đó, lâu nay, luật xuất bản chỉ tập trung vào việc quản lý để làm sao cho những ấn phẩm ra đời bảo đảm các yếu tố giá trị. Hiện nay, ngành xuất bản đang kiến nghị, Luật Xuất bản sửa đổi phải bổ sung vào yếu tố phát triển văn hóa đọc để góp phần thúc đẩy hành vi yêu thích đọc sách trong cộng đồng nhất là trong giới trẻ.
Những người làm xuất bản cũng kiến nghị với ngành giáo dục là phải bổ sung vào điều lệ trường học việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Và việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phải được cụ thể hóa thành những tiết đọc sách trong chương trình học.
Công bằng mà nói, lâu nay, để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, nhiều trường đã tổ chức các hoạt động khuyến đọc, như giới thiệu sách, thi kể chuyện theo sách, kể chuyện theo chủ đề, thi đọc diễn cảm, thi đọc thuộc lòng thơ theo chủ đề, tổ chức ngày đọc sách, trình bày sản phẩm viết, vẽ theo sách, phát thưởng cho học sinh đọc được nhiều cuốn sách. Nhưng, những nỗ lực ấy vẫn chưa thể “đối phó” với đời sống truyền thông mạng nhiều cám dỗ giới trẻ hiện nay. Và vì thế, xây dựng thói quen đọc sách cũng cần những giải pháp quản lý vĩ mô, lâu dài.
Phú Trang