Câu chuyện truyền thông

Thời điểm - yếu tố quyết định giá trị bức ảnh báo chí

Lịch sử báo chí - truyền thông cho thấy, một bức ảnh báo chí có giá trị nhiều khi có hiệu quả tác động hơn cả ngàn bài viết.

Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều bức ảnh báo chí của phóng viên chiến trường đã có tác động đến chính sách của Nhà Trắng, đã thúc giục hàng vạn thanh niên Mỹ phản đối “chiến tranh Việt Nam”, đã động viên hàng ngàn thanh niên miền Bắc viết đơn xin được lên đường ra tiền tuyến…


Ống kính không thể ghi được những gì trừu tượng, không có hình hài. Vì thế, ảnh báo chí – video clip cần có chú thích – lời bình

“Chú thích ảnh” (caption) dùng chữ viết để diễn đạt thông tin bổ trợ cho những điều bức ảnh không nói được hoặc khó nói ra. Ảnh báo chí hay video clip hầu hết phải có chú thích hay lời bình bởi rất nhiều thứ trong cuộc sống này không có hình hài, không thể sờ mó được, và tất nhiên, không thể chụp hình, quay phim được. Ví dụ như chúng ta không thể chụp hình, quay phim “thị trường xăng dầu” hoặc chúng ta không thể chụp hình, quay phim “lòng yêu nước” được vì đó là những hiện thực không có hình hài, rất trừu tượng. Chữ viết hay lời nói trong chú thích ảnh hoặc lời bình của video là ngôn ngữ con người, là phương tiện tư duy và có bộ mã quy ước nên nó có thể diễn đạt những gì có tính chất lý luận, trừu tượng, bổ trợ đắc lực cho hình ảnh.

Và một bức ảnh mà chú thích không đầy đủ, nhất là các yếu tố thông tin như thời điểm, không gian (mà bản thân “ngôn ngữ ảnh” khó tự thể hiện), đôi lúc đôi chỗ có thể gây hậu quả khó lường.

Trong đời sống truyền thông lâu nay cũng xảy ra nhiều chuyện dùng ảnh cũ, hoặc ảnh ở nước ngoài để gán cho sự kiện mới hoặc sự kiện ở Việt Nam. 

Tháng 10/2016, mưa lũ đỉnh điểm đã khiến nhiều tỉnh miền Trung ngập sâu trên diện rộng, hàng trăm nghìn ngôi nhà của dân cũng như một số cơ quan, công sở, trường học bị tốc mái, sập và chìm trong biển nước; nhiều tuyến giao thông bị hư hại, sạt lở; nhiều tàu hàng và tàu cá bị chìm; thiệt hại về người và của khó thể thống kê đầy đủ… Trong những ngày bão lũ diễn ra, các cơ quan báo chí đã kịp thời thông tin nhiều mặt liên quan sự kiện này từ hầu hết các địa bàn, người dân cả nước được chia sẻ nỗi chật vật chống chọi với thiên tai của bà con vùng lũ. Tuy nhiên, do áp lực đưa tin, tường thuật, do phóng viên không tiếp cận được hiện trường nơi đỉnh lũ mà chỉ lấy thông tin từ cơ quan chức năng ở trạm chỉ huy, một số báo đã dùng lại những bức ảnh cũ để “minh họa” cho các thông tin lũ lụt.


Bức ảnh một người phụ nữ ngồi trên nóc mái nhà tranh với ánh mắt thẩn thờ đã được một tờ báo lớn dùng minh họa cho bài viết “Những hình ảnh nhói lòng trong lũ dữ miền Trung” đã bị cộng đồng mạng nhanh chóng phát hiện là ảnh cũ, cách nay 3 năm. Có một bạn bình luận châm biếm: “Ba năm trước chị cũng leo nóc nhà, ba năm sau vẫn tư thế ấy”. Một ý kiến khác nhại lại tít bài báo để phê bình: “Ngồi thế này hẳn 3 năm thì nhói lòng là phải rồi”. Thậm chí, có bạn còn làm thơ vui: “Chị ngồi trên nóc 4 năm rồi / Lạnh không, đói không vậy chị ơi? / Mỗi lần lũ lụt em lên mạng / Chị lại leo lên nóc nhà ngồi”.

Một bức ảnh khác có tuổi đời đã lâu chụp một em bé cố gắng đưa chú chó cưng qua vùng nước lũ bằng cách đặt con chó nhỏ trên một cái thau đội lên đầu và em bơi đứng. Bức ảnh này được chụp ở tận miền Tây Nam bộ mà cụ thể là ở Vị Thanh, Hậu Giang ngày 28/11/2009. Thế nhưng, nó lại được một tờ báo ngành dùng minh họa cho bài viết “Nghẹn lòng cảnh người miền Trung chống chọi lụt lịch sử” vào ngày 15/10/2016. Bảy năm, chú bé miền Tây đội chó ấy cứ lụt lội là được các tờ báo mang ra xuất bản lại.


Tóm lại, hình ảnh tác động rất mạnh đến cảm xúc. Và từ trái tim, từ sự yêu ghét, thông tin từ hình ảnh có giá trị dẫn dắt thái độ, hành động. Nhưng, tự thân hình ảnh không làm được chuyện đó nếu không kết hợp các loại ngôn ngữ khác. Hình ảnh trên báo chí truyền thông là thông điệp không có bộ mã, và vì thế, không phải ai cũng “đọc” ra thông tin giống nhau, hoặc ít nhất, giống ý đồ của nhà truyền thông. 

Điều đáng nói ở đây đối với các nhà truyền thông là: Chớ coi thường yếu tố thời điểm trong bức ảnh, nếu không, hậu quả sẽ hoàn toàn trái ngược với thông điệp mà nhà truyền thông muốn truyền tải. 

Phan Văn Tú