Câu chuyện truyền thông

Thời sự truyền hình trong kỷ nguyên số

Một vụ cháy xảy ra, một hội nghị quốc tế ở châu Âu, một sự kiện thể thao ở Mỹ hay Úc… giờ đây có thể được phóng viên thời sự truyền trực tiếp hình ảnh về Đài hay báo mà không cần có xe lưu động, thuê bao cáp quang, vệ tinh.


HTV là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ các chương trình truyền hình dã ngoại (trong ảnh: Phóng viên HTV sử dụng Flycam ghi hình cuộc đua xe đạp tranh cúp truyền hình năm 2018)

Như vậy, chỉ cần một camera đời mới hoặc các thiết bị cầm tay có kết nối internet, nhà báo có thể dẫn hiện trường và tường thuật trực tiếp sự kiện dễ dàng, hầu như không tốn kém.

Từ dial up đến ADSL

Thế hệ làm thời sự truyền hình thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn phải chọn nhiều hình thức để chuyển băng từ về Đài nhanh nhất: từ xe đò, máy bay hay xe máy. Với những sự kiện đặc biệt quan trọng, để truyền hình trực tiếp, Đài phải thuê bao đường truyền của ngành viễn thông rất tốn kém và quy trình sản xuất, thiết bị ghi hình thực sự phức tạp.

Nhưng từ khi internet xuất hiện, một số Đài đã tìm cách truyền dữ liệu qua Internet từ sáng kiến của những phóng viên hiểu biết công nghệ thông tin. Bấy giờ, hình thức chuyển email những tấm hình gửi về bằng đường truyền dial up để làm các bản tin thời sự nóng đã gây ngạc nhiên cho đồng nghiệp cả nước trước tốc độ đưa tin.

Khi các phần mềm xử lý video được phổ biến, các chuẩn nén video xuất hiện ngày càng nhiều, một câu hỏi đặt ra: vì sao không truyền tập tin (file) video qua email? Thế là những hình ảnh nóng (dù chất lượng chưa cao và nén 16 hình/s còn “giựt giựt”) đã có mặt trên sóng truyền hình trong nhiều sự kiện diễn ra cách Đài nửa vòng trái đất như các sự kiện thể thao, các hội nghị quốc tế…

Nhưng, truyền dữ liệu như thế vẫn chưa thể trực tiếp sự kiện được. Tuy nhiên, câu chuyện truyền và nhận email các đoạn video này ngày càng được anh chị em phóng viên – kỹ thuật viên bàn bạc để hoàn thiện về chuẩn nén cũng như cách biên tập nội dung cho thật nhiều thông tin qua hình ảnh. Ban đầu truyền một tin gồm 3 clip mỗi clip 15 giây. Dần dần sau đó nâng cao chất lượng. Các biện pháp xử lý tình huống trong tác nghiệp cũng dần được chia sẻ trong các phóng viên thường đi xa (chẳng hạn làm sao để tìm được chỗ có “net”, truyền dữ liệu ban đêm trong khách sạn thế nào v.v…). Ban đầu là tập dợt trong tỉnh, ngoài tỉnh, sau đó, đi tác nghiệp ở nước ngoài. Email không chỉ để truyền dữ liệu tin tức (văn bản, âm thanh, video) mà còn là công cụ liên lạc, nghe “bên nhà” tư vấn…

Cho đến năm 2002, khi dịch vụ ADSL xuất hiện, nhiều Đài đã trang bị server riêng, truyền video qua internet trở nên phổ biến. Chưa làm trực tiếp được nhưng hình ảnh được truyền bằng dịch vụ ADSL có chất lượng rất cao. Giai đoạn này, HTV thường xuyên truyền tin tức, tường thuật các phiên họp Quốc hội từ Hà Nội về Đài bằng công nghệ này. 

Nhưng, để truyền được dữ liệu qua internet bằng công nghệ ADSL như vậy cũng cần giải quyết một vấn đề lớn: đâu phải hiện trường sự kiện nào cũng có net để nhà báo cắm cáp mạng vào mà gửi? Và câu trả lời đã có.


Hình ảnh “Cuộc đua xe đạp tranh cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh 2018” được ghi bằng flycam

Và khi 3G phủ sóng...

Từ khoảng cuối những năm 2000, nhiều Đài truyền hình trong cả nước bắt đầu trang bị USB 3G cho phóng viên đi tác nghiệp thời sự ở cự ly xa trung tâm. Việc truyền video qua internet vẫn là việc upload dữ liệu lên một server của Đài nhưng “công nghệ truyền” là kết nối internet bằng 3G ở bất cứ nơi đâu, từ rừng sâu đến hải đảo, miễn là có sóng điện thoại di động. Chất lượng dịch vụ 3G những năm trước khá tốt nên việc gửi các file tin tức, tường thuật dung lượng hàng trăm MB cũng khá nhanh.

Trong ngày hội bầu cử Quốc hội 22/5/2011, lần đầu tiên, người dân ở các vùng sâu của  nhiều tỉnh, được thấy cảnh mình đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội trong bản tin đặc biệt của Đài địa phương đúng một tiếng đồng hồ sau khi họ bỏ phiếu. Tất cả thành công đó có được nhờ công nghệ 3G. 

Chỉ với 1 cái USB 3G nhỏ gọn, phóng viên truyền hình có thể an tâm chuyển những hình ảnh động về Đài qua internet nếu nằm trong vùng có phủ sóng của Viettel, Vinaphone, Mobiphone... Với người làm thời sự truyền hình, đưa tin “nóng” luôn là một nhiệm vụ, một áp lực. Khi có một sự kiện bất ngờ xảy ra như tai nạn giao thông nghiêm trọng, vụ hỏa hoạn bất ngờ, vụ nhà máy xả chất thải ra sông bị phát hiện... trước đây, truyền hình bao giờ cũng đi sau báo mạng, nhưng giờ đây với công nghệ 3G, các bản tin truyền hình dễ dàng cập nhật thông tin.


Phóng viên HTV ghi hình cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” tại Côn Đảo

Thời của thiết bị di động

Từ việc làm thời sự truyền hình với lỉnh kỉnh những băng video đến việc khi có công nghệ 3G, phóng viên truyền hình trở thành nhà báo “n trong 1” khi dùng máy ghi hình kỹ thuật số, laptop, và USB 3G: Họ tự đọc tự dựng hình và truyền về trung tâm sản phẩm của mình là một bước tiến khá dài - một bước tiến làm thay đổi tư duy, phương thức làm báo hình.

Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển còn cho phép phóng viên thời sự truyền hình không chỉ làm hậu kỳ xong mới truyền file mà có thể làm trực tiếp. 

Các dòng camera đời mới hiện nay đều tích hợp các cổng giao tiếp ethernet, wifi, 3G. Bản thân các camera đời mới cũng là một chiếc laptop. Đặc biệt, các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng… hiện nay đều là công cụ đắc lực cho nhà báo truyền hình (và cả nhà báo tác nghiệp ở các cơ quan có trang thông tin điện tử). Di động thành thiết bị phổ biến đến nỗi BBC lập hẳn ra một trung tâm đào tạo nhà báo dùng điện thoại trong tác nghiệp (MOJO).

Bên cạnh thiết bị di động, các dịch vụ internet như youtube, mạng xã hội facebook… cũng cung cấp nhiều công cụ để streaming, làm tường thuật trực tiếp hình ảnh về trung tâm.

Với các thiết bị hiện đại, phóng viên truyền hình có thể trực tiếp sự kiện, có thể dẫn hiện trường. Trên sóng truyền hình hôm nay, các sự kiện quốc tế hằng ngày đều có phóng viên Việt Nam chứng kiến để tường thuật. Họ chỉ cần camera có kết nối wifi và truyền qua nhiều dịch vụ internet trực tiếp.


Hình ảnh cầu truyền hình "Ngàn hoa dâng Bác" tại điểm cầu an toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên được truyền trực tiếp về trung tâm Tổng khống chế của HTV tại TP. Hồ Chí Minh.

Tất nhiên, không chỉ có camera chuyên nghiệp, như đã nói, các thiết bị cầm tay như smartphone, máy tính bảng đều có tính năng này trong chừng mực nhất định. Giờ đây, trong các sự kiện diễn ra trên một không gian rộng như những trận lũ cả miền Trung, hoặc các sự kiện thể thao khu vực, hay khi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, công nghệ đã và đang giúp các nhà báo truyền hình luôn có được những hình ảnh nóng và sống động, đem lại thông tin nhanh chóng, hấp dẫn cho khán giả. Và không chỉ có báo hình, báo in với trang điện tử của mình cũng đang cố gắng tường thuật video trực tiếp không thua gì các nhà báo hình chuyên nghiệp.

Công nghệ thay đổi cũng đòi hỏi kỹ năng nhà báo hôm nay nhiều đổi thay.

Phú Trang