Câu chuyện truyền thông

Tiếng Việt thời @: Vui thôi, đừng vui quá!

"Vui thôi, đừng vui quá" mà nếu thấy “khó quá, cho qua” nghen “500 anh em” - đây là một câu tiếng Việt tôi thử “lắp ghép” từ những “thành ngữ mạng” để mở đầu bài viết về câu chuyện tiếng Việt thời internet.


Với những người Việt thế hệ U60 trở lên, đây có thể là một câu tối nghĩa. Nhưng với thế hệ trẻ hơn, vốn quen với ngôn ngữ truyền thông trên môi trường mạng xã hội, họ sẽ dễ dàng “giải mã” thông điệp trên.

Nhiều năm qua, khi internet đi vào nhiều lĩnh vực cuộc sống, người sử dụng internet, đặc biệt là giới trẻ, đã sáng tạo nhiều cách ký hiệu, biểu đạt trong truyền thông, giao tiếp cũng như thể hiện bản thân v.v... Đây là hiện tượng có tính quy luật trên toàn cầu, xuất phát từ áp lực sống nhanh, làm nhanh, nói nhanh, suy nghĩ nhanh.

Xuất phát từ khuynh hướng muốn tiếp cận lối diễn đạt đơn giản hơn, khẩn trương hơn, và đối với một số bạn tuổi “teen” thì phải dí dỏm hơn, thời thượng hơn… ngôn ngữ mạng đã làm dấy lên nỗi lo của rất nhiều người về sự vẩn đục của tiếng Việt. 

Đã có khá nhiều bài báo, bài nghiên cứu, các tham luận... nêu lên thực trạng và đề xuất giải pháp để hạn chế chuyện lạm dụng ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ chat vào giao tiếp. Các nhà giáo dục cũng chung tay truyền đạt cho các bạn trẻ hiểu được trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp v.v...

Điều đáng mừng là những nỗ lực này cũng đã đem lại kết quả. Và điều đáng mừng hơn là trái với lo ngại của số đông người lớn, các bạn trẻ đã biết cách khai thác, sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ mạng cho đời sống truyền thông, song song với việc gìn giữ tiếng Việt trong nhà trường, trong giao tiếp gia đình, trong hoạt động hành chính.


Ngôn ngữ chat, ngôn ngữ mạng chỉ dùng trong sinh hoạt giao tiếp trên môi trường mạng, không được đưa vào môi trường giáo dục, học đường

Thực tế cho thấy, ngôn ngữ luôn là sinh ngữ. Nó là một thực thể sống động luôn phát triển và phản chiếu thực tiễn đời sống. Ngôn ngữ luôn vận động, không đứng yên. Ngày nay nếu chúng ta đọc các văn bản của những thập kỷ 30 - 50 của thế kỷ trước, sẽ thấy có nhiều từ không hiểu được, thậm chí, nhiều từ vựng hoặc thành ngữ được dùng cách nay 40 năm, hiện nay, lớp trẻ có thể không biết. 

Sáng tạo, làm mới và hình thành từ vựng cũng như các cách diễn đạt mới trong hệ thống ngôn ngữ xuất phát từ thực tiễn đời sống và đó là quy luật.

Và có một quy luật khác cũng cần nhấn mạnh: đó là hệ thống ngôn ngữ luôn có năng lực chọn lọc tự thân, cái gì không phù hợp sẽ bị thải loại. 

Hiện tượng ngôn ngữ teen không nằm ngoài quy luật này. Có điều so với hành trình lịch sử hình thành và phát triển ngôn ngữ trước đây, hiện nay, truyền thông xã hội góp phần làm bùng nổ hiện tượng này nhanh hơn, rộng hơn và có nhiều mặt tích cực – tiêu cực đan xen lớn hơn.

Ở từng cấp độ: ngữ âm (thông qua cách viết “mới” trên truyền thông hiện nay); từ vựng (sáng tạo từ mới) hoặc cấu trúc (những dạng thành ngữ) trong kiểu “ngôn ngữ teen”, không phủ nhận các yếu tố sáng tạo thoả mãn nhu cầu biểu đạt của một nhóm đối tượng nhất định và có đóng góp cho kho tàng ngôn ngữ.

Tuy nhiên, như đã nói, truyền thông xã hội giúp cho ai cũng có thể làm nhà truyền thông, và hiện tượng “ngôn ngữ teen” lâu nay có nhiều dấu hiệu chệch chuẩn mực, quá đà… ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. 

Ví dụ: Các từ mới như “cạn lời”, “soái ca”, “sửu nhi”…; các thành ngữ mới như “500 anh em”, “Ông chú ở Viettel”, “Chán như con gián”, “Dở hơi lại chẳng biết bơi”…; các cấu trúc diễn đạt như “Có một sự… không hề nhẹ”, “mình thích thì mình … thôi”, ‘ngay và luôn”, “các mẹ ơi, các chế ơi”… cũng đã được truyền thông chính thống khai thác phù hợp với văn phong, thể loại và không làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.


Không để các em dùng các loại ký hiệu của ngôn ngữ mạng vào bài tập, bài làm, bài thi

Tuy nhiên, có một số “sáng tạo” thể hiện thái độ thích khẳng định mình, “bựa” của giới trẻ thì phải thận trọng trong khai thác thành ngôn ngữ truyền thông. Ví dụ cách viết chệch chuẩn chính tả (ví dụ giào =giàu ; iêu nhao = yêu nhau ; thành tịu = thành tựu ; hỉu = hiểu, ún dịu = uống rượu…, hok = không, cmnr, vk = vợ chồng, 888 = tám, Campuchia = chia…) thì các nhà truyền thông phải cố gắng ngăn chặn trên báo chí, các nhà giáo dục phải cố gắng giúp các em hạn chế trong giao tiếp chính thức…

Nhân danh hội nhập để sáng tạo lai căng, lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp tiếng Việt cũng là biểu hiện lệch lạc. Lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp bằng tiếng Việt là dấu hiệu đáng lo, là những biểu hiện cần được cộng đồng chung tay ngăn chặn.

Và, chúng ta không phủ nhận rằng ngôn ngữ mạng góp phần gia tăng vốn từ vựng tiếng Việt, đáp ứng những nhu cầu giao tiếp mới, làm cho tiếng mẹ đẻ ngày càng phong phú hơn. Trước mối lo về các hiện tượng lệch lạc chuẩn mực, các cơ quan truyền thông hiện nay cần có nhiều biện pháp hơn nữa để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 


Các loại ký hiệu viết tắt tiếng Anh giờ đây cũng trở thành hệ thống ký hiệu toàn cầu

Ngôn ngữ (chữ viết – lời nói) dùng trong truyền thông nói chung chấp nhận nhiều phong cách phù hợp với cách biểu đạt của từng thể loại. Việc dùng “ngôn ngữ teen” trong một số tờ báo dành cho đối tượng học sinh, sinh viên – thậm chí trên báo chí dành cho các đối tượng người lớn – là chuyện bình thường. Vấn đề là cách dùng, cách khai thác, mức độ khai thác phù hợp chưa. 

Thực tế hiện nay, trong các tiểu phẩm của nhiều tờ báo chính trị - xã hội, cách dùng từ, thành ngữ tuổi teen đã được nhiều tác giả khai thác, nhiều nhất là các thể loại như tiểu phẩm, truyện cười. 

Khai thác các sáng tạo hợp lý cũng là cách hạn chế những lệch chuẩn cần loại bỏ.

Phú Trang