Tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

HỒNG DIỄM – XUÂN HẠO 4/4/2023, 15:00

(HTV) - Từ ngày 3-4, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm 0,3 - 0,5%/năm đối với các mức lãi suất điều hành.

Động thái này là thông điệp tái khẳng định định hướng, xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm lãi suất chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp 

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phân tích, giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. “Điều này đảm bảo hỗ trợ cho việc giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất cho vay một cách bền vững. Việc điều hành này cũng phù hợp và thích ứng với tình hình thực tế”, Ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.

“Doanh nghiệp rất vui mừng khi mà Nhà nước đã có chính sách để giảm lãi suất ngân hàng. Đó là liều thuốc cần thiết để chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn về kinh tế vào thời điểm hiện tại”, Ông Nguyễn Đức Hoàng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Cơ khí nhựa Việt Úc chia sẻ.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm, đưa mặt bằng lãi suất huy động về dưới 9%, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. 

Lãi suất huy động tại các ngân hàng được kéo về dưới 9 %

 Vẫn cần thêm sự hỗ trợ về điều kiện vay vốn

Tích cực là vậy, song theo doanh nghiệp, khó khăn lớn hiện nay là cầu giảm, trong khi giá nguyên liệu tăng. Khoảng 65 % doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình thế cố gắng xoay xở, cầm cự. 

 

Ông Võ Xuân Yên, Giám đốc Công ty TNHH Dầu nhờ Maxan Nano Việt Nam cho biết, trước dịch vòng quay tồn kho chỉ có 1 tháng, hiện nay tăng lên 3-4 tháng. Như vậy, doanh nghiệp không thể tất toán các khoản vay cũ nên rất khó để tiếp cận với các vay mới có lãi suất tốt hơn. “Có doanh nghiệp phải tồn kho tới 5-7 chục tỷ đồng. Bây giờ phải bán ra hết nhưng thị trường đang yếu như thế này thì làm sao bán hết được? Đa phần khi doanh nghiệp bán được hàng thì hạn mức tín dụng của họ đã chạm ngưỡng, hết room rồi”,Ông Võ Xuân Yên cho biết. 

Chính vì thế, cùng với việc giảm lãi suất, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đề xuất các ngân hàng thương mại nới lỏng điều kiện về tài sản thế chấp.

“Doanh nghiệp đề xuất có thể thế chấp bằng hàng tồn kho để có thể vay vốn giải quyết dòng vốn trước mắt, như trả lương nhân viên, thanh toán cho nhà cung cấp. Đối với những khoản vay trước đây, ngân hàng tiếp tục có chính sách hoãn nợ, giãn nợ và không chuyển nhóm nợ”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA đề xuất. 

Đề xuất nới điều kiện thế chấp để vay vốn trả lương cho nhân viên

Với khó khăn lớn nhất hiện nay là sức cầu giảm, cùng với nỗ lực kích cầu của thành phố, trong các quý tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố sẽ tập trung cho hoạt động kết nối, như: kết nối doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại, xúc tiến thành lập nhóm doanh nghiệp dẫn đầu trong từng ngành, xúc tiến hoạt động khai thác các thị trường ngách, tìm kiếm các cơ hội mới, qua đó thúc đẩy nguồn cầu, góp phần vào tăng trưởng của thành phố trong các quý tiếp theo. 

>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: