Tin giả về bão lụt miền Trung: Nhân họa giữa thiên tai

Ngày 26-10, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đã triệu tập Bùi Xuân Huấn (tức Huấn Hoa Hồng) vì đã đăng clip cắt từ chương trình Chuyển động 24h phát tối 17/10 rồi ghép hình ảnh Huấn trao quà từ thiện.

Bùi Xuân Huấn bị cơ quan công an xử phạt hành chính vì làm clip giả tung lên mạng

Video giả này trong tài khoản Facebook của Huấn Hoa Hồng tung ra nhằm mượn danh một kênh truyền hình lớn để câu like, để trở nên nổi tiếng, và có thể để thu hút từ thiện. Nhưng, đây chỉ là một trong số hàng ngàn thông tin giả trong mấy tuần qua, khi thiên tai ập đến với miền Trung!

Lợi dụng lòng trắc ẩn

Giữa lúc cả nước chung tay chia sẻ thiệt hại, đau thương cùng đồng bào miền Trung, thì có không ít người tung tin thất thiệt vì những mục đích xấu.

Trước khi bão số 8 xuất hiện khoảng 1 tuần, có kẻ tung tin rằng đây sẽ là siêu bão cấp 17, và thậm chí dẫn nguồn từ một cơ quan khí tượng của Nhật Bản để cho có sức thuyết phục. Bao nhiêu người chia sẻ trong hoang mang thông tin này làm cho nỗi lo về một miền Trung đang tang thương sau lụt lại phải hứng chịu cơn siêu bão tăng lên cao. Nếu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia không kịp thời đưa ra thông báo khẳng định đây là tin giả, thì cái fake news này còn hoành hành dai dẵng hơn.

Một tình huống tin giả cũng gây chấn động cư dân mạng là chuyện một tấm hình chụp phác thảo điêu khắc ở Trung Quốc. Tấm hình có cách nay gần 10 năm được gán cho là hình ảnh một phụ nữ đang ôm con chết dưới lớp bùn đất khi cứu hộ một gia đình bị chôn vùi do sạt lở đất ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Thực ra bức ảnh phác thảo tượng đài bằng đất sét ấy cũng khá nổi tiếng do xuất phát từ một câu chuyện cảm động sau thiên tai ở Trung Quốc. Đó là trận động đất lớn ở khu tự trị Ngọc Thụ thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Bức tượng được sáng tác dựa trên câu chuyện có thật về hai mẹ con là nạn nhân của vụ động đất trên. Khi lực lượng cứu hộ dỡ bỏ bức tường đổ để tìm kiếm những nạn nhân, đột nhiên, họ nghe tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ. Ngay sau đó, họ đã thấy hình ảnh người mẹ không còn thở, bên cạnh còn có chiếc điện thoại di động. Trên điện thoại di động, người mẹ còn viết một dòng tin nhắn: "Con của mẹ, nếu con sống sót, hãy nhớ rằng mẹ rất yêu con". Những người lính cứu hộ có mặt đều rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng này.

Không hiểu vì sao người ta có thể đem hình ảnh một bức điêu khắc ở Trung Quốc để “xào nấu” thành hình thật ở Quảng Trị, Việt Nam. Và cũng không hiểu vì sao có hàng ngàn lượt người - trong đó có cả nhà văn, nhà báo, trí thức - lại có thể chia sẻ không suy nghĩ cái thông tin giả ấy.

Có thể lý giải nguyên nhân của việc chia sẻ chóng mặt những thông tin giả ấy là do lòng trắc ẩn. Những kẻ làm tin giả giờ đây không chỉ câu like, câu view, mà còn biết câu... nước mắt cộng đồng. Nhưng, họ câu để làm gì?

Phác thảo tượng đài tình mẫu tử ở Trung Quốc bị gán cho là hình thật ở Quảng Trị (Việt Nam)

Những động cơ xấu

Đánh vào tâm lý những người lương thiện dễ quặn thắt nỗi đau trước những hình ảnh chấn động, những kẻ làm tin giả thường kết hợp hình ảnh thật của báo chí chính thống và phần thông tin xuyên tạc để đấy những câu chuyện trở nên bi thương hơn. Mục tiêu của họ là thu hút số đông để nhằm những ý đồ cụ thể. Có thể là kêu gọi từ thiện, nhưng lấy tiền vào túi riêng. Có thể cũng chỉ là để bán hàng. Và có thể dùng để nói xấu chế độ, mượn những câu chuyện không có thật ấy để đẩy vấn đề sang một hướng khác.

Đã có những tài khoản mạo danh Facebook của ca sĩ Thủy Tiên để kêu gọi chuyển tiền ủng hộ nhằm trục lợi cá nhân. Đã có những tài khoản mạo danh đến Ban Tuyên giáo Trung ương để lái thông tin bàn nhiều vấn đề liên quan đến các nhân vật cụ thể theo những ý đồ chính trị.

Hiện ở Việt Nam có hơn 60 triệu tài khoản Facebook, đó là chưa kể các mạng xã hội phổ biến khác như YouTube, Twitter, Instagram, Tik Tok… Những thông tin giả lan truyền trên môi trường này có cường độ lớn, biên độ rộng và gây ra tác hại khó lường, đặc biệt, làm suy giảm niềm tin.

Hình ảnh một cậu bé Thái Lan do nghịch ngợm bị trượt chân té xuất hiện trên báo chí Việt trong mục ảnh hài hước từ tháng 6/2020, mới đây, lại được gán cho là hình ảnh chụp từ vùng lũ miền Trung

Cứ như là quy luật, khi xuất hiện những nỗi lo chung trong đời sống, cộng đồng dân cư rất nhạy cảm với những tin đồn. Và tin đồn đa phần là tin giả, tin xuyên tạc. Khi tin giả được chắp cánh bởi công nghệ internet thì tác hại lớn hơn rất nhiều cái thời tin đồn ở vỉa hè, quán nước. Nỗi sợ - một bản năng sinh tồn khi có những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng - như một thứ vũ khí tấn công vào môi trường truyền thông, và nhiều người do chưa đủ bản lĩnh thông tin đã vô tình tiếp tay cho tin giả để gieo rắc nó. Kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý chung này để tung tin giả nhằm những mục đích cá nhân, mục đích xấu (kinh doanh, chính trị). Truyền thông dựa trên nỗi sợ của cộng đồng là truyền thông bẩn nhưng kiểu làm truyền thông này rất khó ngăn chặn.

Tin giả, tin xuyên tạc trong thiên tai nói chung, trong bão lụt miền Trung nói chung cũng vô cùng nguy hiểm. Đó là tội ác. Dù nhân danh bất cứ mục đích gì, việc đưa những thông tin giả mạo về thiên tai và mất mát của người dân miền Trung lên mạng là rất đáng lên án.

Và để hạn chế tác hại của tin giả, thuyết âm mưu trong đời sống truyền thông, mỗi người dùng mạng xã hội phải biết trở thành người tiêu dùng tin tức thông minh, biết xét nguồn thông tin, không chia sẻ, phát tán thông tin sai sự thật. Trong trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dùng mạng xã hội cần báo ngay cho các cơ quan chức năng như Cục An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời báo cáo với đội ngũ kiểm duyệt của Facebook để xử lý kịp thời, tránh thông tin sai sự thật được chia sẻ rộng rãi bởi những người dùng khác.

Phú Trang