TP. Hồ Chí Minh xây dựng đô thị thông minh

Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước sáng 30/4 vừa qua, khi nói về các nhiệm vụ của TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Tập trung nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo động lực phát triển thành phố".


Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP. Hồ Chí Minh - một trong những dự án xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu thành phố nhấn mạnh mục tiêu phát triển giai đoạn tới trong xu thế công nghiệp 4.0. Việc số hóa khắp nơi đang tạo ra những nguồn dữ liệu khổng lồ ở mọi lĩnh vực dẫn đến cơ hội và nhu cầu khai thác chúng. Các máy tính cũng ngày càng mạnh và rẻ hơn. Các thuật toán mới cũng luôn được tạo ra và cải thiện. Những thay đổi này dẫn đến nhiều đột phá gần đây của trí tuệ nhân tạo (AI), làm AI có mặt ở mọi lĩnh vực, đang dần trở thành công nghệ thiết yếu của thời chuyển đổi số.

Và xu hướng ứng dụng các chương trình AI có thể phân tích dữ liệu để thấy các yếu tố bất định có nguy cơ dẫn đến rủi ro, có thể tính toán để tìm ra phương án có lợi, có thể gợi ý các quyết định cần cân nhắc... là hướng đi có tính quy luật.

Cơ hội bước vào quỹ đạo văn minh nhân loại

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo là công nghệ chính để con người số hóa dữ liệu lớn làm cơ sở phân tích đưa ra quyết định điều hành chính xác, đúng đắn, nhanh chóng.

Chuyển đổi số giúp cho ngành nông nghiệp có thể xây dựng các trang trại thông minh. Ví dụ, đó là các vườn rau, hồ cá, trại heo... có cảm biến đo độ ẩm, chất lượng đất hay nước, trạng thái vật nuôi trồng. Nhờ phân tích các dữ liệu này, trí tuệ nhân tạo sẽ đề xuất cách xử lý thích hợp cho từng trường hợp. Hơn thế nữa, khi xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về nông nghiệp, AI có thể giúp phân tích và đánh giá cung - cầu trong và ngoài nước, hỗ trợ kiểm soát sản xuất để không phải giải cứu nông sản mà còn bán được giá.

Trong giao thông vận tải, AI giúp quản lý tổng thể về các luồng hàng hóa từ nơi xuất phát, nơi qua, nơi đến để phân bổ phương tiện vận tải với thời gian và chi phí thấp nhất. AI giúp kiểm soát tự động tình hình xe cộ đi lại trên đường, xử phạt nghiêm minh và rõ ràng.

Trong y tế, bên cạnh các chương trình hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh, với cơ sở quốc gia về hồ sơ khỏe điện tử công dân đang xây dựng, tới đây AI có thể là thầy thuốc hàng ngày của mỗi người dân, giúp mỗi người tự động biết về tình trạng sức khoẻ của mình mọi lúc mọi nơi, biết phải làm gì khi cần. Một thí dụ của AI trong dịch Covid-19 là những chương trình truy vết tiếp xúc, giúp cảnh báo nếu ta ở gần người nhiễm virus này.

Ngoài ra, trong giáo dục ta đang quen dần với việc dạy và học online trong những ngày dịch bệnh. Việc học tập với các phần mềm online sẽ ngày càng phổ biến. Rồi đây các phần mềm thông minh sẽ đánh giá được trình độ từng người học, vì sao hiểu hay không hiểu một vấn đề, và đưa ra cách học phù hợp với từng người.

Những thí dụ như vậy có thể kể ra trong nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng là AI giúp con người tăng cường năng lực trí tuệ ở nhiều mức khác nhau. AI không phải chỉ gồm những thứ cao siêu làm ta ngưỡng mộ. AI còn gồm rất nhiều công cụ để ai cũng có thể học và dùng.

Chủ một nhà hàng có thể dễ dàng thu thập dữ liệu về số lần các món ăn được khách gọi trong tuần hay cuối tuần, mùa đông hay mùa hè... và chương trình AI sẽ gợi ý cần chuẩn bị thực phẩm và nấu nướng ra sao để có lợi nhuận cao. Đây là thí dụ của Phân tích kinh doanh, một lĩnh vực của AI trong kinh tế, rất cần cho mọi doanh nghiệp thời chuyển đổi số, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Bản đồ Khu đô thị Đông Bắc thành phố bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Trung tâm đô thị khu vực này là bán đảo Thủ Thiêm. Ở đây sẽ được tập trung phát triển và đầu tư mạnh mẽ các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao kết nối với khu đại học Quốc gia hình thành khu khoa học công nghệ Đông Bắc. 

Những bước đi ban đầu của thành phố

Ban Điều hành Đề án đô thị thông minh (ĐTTM) TP. Hồ Chí Minh hiện đã triển khai 4 dự án quan trọng làm tiền đề cho bước đầu xây dựng đô thị thông minh. 

Cụ thể là, về xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, TP đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng, như: CSDL văn bản điện tử, CSDL một cửa điện tử, CSDL khiếu nại tố cáo, CSDL đường dây nóng, CSDL đăng ký doanh nghiệp (DN), CSDL đầu tư nước ngoài, CSDL chứng chỉ hành nghề y… về kho dữ liệu dùng chung của thành phố đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.

Dự án “Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Hồ Chí Minh” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư là 958,67 tỷ đồng. Dự án có quy mô, đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin… đang tiến hành.Dự án “Xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của TP. Hồ Chí Minh thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 992,54 tỷ đồng. Dự án có quy mô, đầu tư mua sắm đối với các thiết bị chính như thiết bị di động cho lực lượng ứng cứu, hệ thống điều khiển vô tuyến,... Thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hệ thống tổng đài IP, mạng IP chuyên dùng cho tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, dịch vụ bản đồ số...

Dự án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2021, do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện 2019-2022, tổng mức đầu tư: 548,07 tỷ đồng. Dự án có quy mô, triển khai hệ thống tích hợp (phần cứng, phần mềm, bản quyền) cho 1.000 camera thuộc quản lý của Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, một số quận huyện và các camera giám sát an ninh trật tự của thành phố. Triển khai một số giải pháp phân tích hình ảnh nâng cao như phát hiện và cảnh báo các tình huống tụ tập đông người, phân tích mật độ giao thông (đông xe, ùn tắc,...). Triển khai khảo sát và bổ sung 400 camera cho một số vị trí trọng điểm, tòa nhà cao tầng...

Ngoài ra còn có các dự án “Triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc Kho dữ liệu dùng chung của thành phố - giai đoạn 1”; dự án “Triển khai giải pháp bảo mật và an toàn thông tin trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” do Văn phòng UBND TP làm chủ đầu tư…

So với mong muốn, những bước triển khai này vẫn còn chậm. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng, hiệu quả của những dự án sẽ thúc đẩy việc xây dựng thành phố thông minh trong những năm tới.

Phú Trang (tổng hợp)