TP.HCM: Bệnh nhi 5 tuổi tử vong nghi do bệnh tay chân miệng

KIM LOAN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/6/2023, 16:13

(HTV) - Ngày 1/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin về một trường hợp bé trai 5 tuổi tử vong nghi ngờ do tay chân miệng.

Chiều 1/6, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, ban đầu bé có các triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói, sốt 39 độ C, run toàn thân 10 phút, gọi không biết, vã mồ hôi. Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, sáng 31/5.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao 41,2 độ C, theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV. Bệnh nhi được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn, lọc máu, tuy nhiên bác sĩ không thể cứu được bé.

Nguyên nhân tử vong nghi do bệnh tay chân miệng. Hiện bệnh viện chờ kết quả xét nghiệm PCR để xác định.

Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm. Ảnh minh họa

5 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận gần 1. 400 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Số liệu thống kê cho thấy số lượng ca tay chân miệng không tăng so cùng kỳ năm ngoái, nhưng số ca nặng tăng, với 05 trường hợp nặng, trong đó 01 ca tử vong.

Bệnh chia 4 cấp độ, nặng nhất là độ 4. Một ca biến chứng độ 2-3 phải điều trị khoảng 7 ngày để đưa bệnh nhi ra khỏi độ nặng và cần phải chăm sóc rất kỹ. Bệnh nhi khi trở nặng dễ dẫn đến biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp gây suy đa cơ quan và tử vong.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Vệ sinh khi ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Nguồn lây chính của tay chân miệng từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: