Trẻ con nổi tiếng quá sớm trên truyền thông

Mới đây, một phụ nữ bán kem trên mạng, loại kem tự sản xuất ở nhà, bị nhiều thành viên phản ứng vì một chi tiết quảng cáo sản phẩm. Đó là chị ấy quẹt kem lên mặt đứa con của mình - một em bé sơ sinh - để chứng minh rằng sản phẩm ấy rất an toàn.

Một facebooker khi xem những hình ảnh này đã lên tiếng rằng: “Kiếm tiền là trách nhiệm của bố mẹ, đừng có lôi con cái vào làm công cụ”. Hiện nay, có nhiều bậc phụ huynh còn thiếu thận trọng khi khai thác hình ảnh con cái mình trên truyền thông cho nhiều mục đích khác nhau.


Từ năm 2018 đến nay, hai nhân vật này gây bão trên mạng xã hội YouTube dùng tiếng Việt với kênh ẩm thực - du lịch “Quynh Tran JP - Cuộc sống ở Nhật”

Câu chuyện về một đứa trẻ

Trên mạng xã hội YouTube hơn một năm qua nổi lên tài khoản chuyên làm V-log về ẩm thực, du lịch của một phụ nữ Việt lấy chồng Nhật. Kênh YouTube ấy có tên là “Quynh Tran JP - Cuộc sống ở Nhật”. Theo thông tin từ báo chí, chủ nhân kênh ẩm thực du lịch này là chị Quỳnh Trần, hiện là Việt kiều sinh sống và làm việc tại vùng Saitama, Nhật Bản. 

Những video trong kênh này chủ yếu giới thiệu về đồ ăn và cuộc sống đời thường ở Nhật Bản, được thực hiện khá đơn giản, quay bằng thiết bị di động với một cú máy cho mỗi clip nhưng đều thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt xem. Khi chúng tôi viết bài này, kênh “Quynh Tran JP - Cuộc sống ở Nhật” đã có hơn 1,98 triệu người đăng ký theo dõi (subscribers), chủ yếu là người Việt. Kênh này đã dành được nút Vàng từ YouTube.

Trong bài này, chúng tôi không bàn đến nội dung chính của các video trong kênh ấy, chỉ xin nhấn mạnh một khía cạnh: dùng hình ảnh trẻ con trên truyền thông.

"Bé Sa chào mọi người đi con!" là câu nói quen thuộc mở đầu trong các clip của kênh “Quynh Tran JP”. Nhân vật “Bé Sa” là con trai của YouTuber Quỳnh. Bé trai có một gương mặt rất trong sáng hồn nhiên, được mẹ bố trí xuất hiện cùng trong các clip ẩm thực dạng mukbang (vừa ăn vừa kể chuyện) với nhiều món ngon lạ mắt. Bé Sa với câu chào “Ye! Ye!” và gương mặt ngây thơ, có lúc ngủ gật suốt clip, đã “đốn tim” rất nhiều người xem. Trên facebook, bé Sa và cô Quỳnh là đối tượng được nhiều fanpage yêu thích. Fanclub "Hội những người phát cuồng vì bé Sa và mẹ Quỳnh" ngày càng có nhiều thành viên mới. Hai mẹ con bé Sa bây giờ xuất hiện khắp các fanpage nổi đình đám khác trên Facebook. “Xin chào cô chú xin chào các bạn!” - một câu chào mà bé Sa chỉ làm động tác chào theo được rất nhiều người thích thú và khen ngợi. Có thể nói, bé Sa là một nhân tố làm nên thành công của kênh “Quynh Tran JP”.

Và, câu chuyện thành công của cô Quỳnh Trần trong việc tạo kênh YouTube cũng đặt ra một vấn đề không nhỏ: Nên hay không nên khai thác hình ảnh trẻ con trên truyền thông? 


Hầu hết các video clip trong kênh “Quynh Tran JP - Cuộc sống ở Nhật” đều có sự xuất hiện của đứa trẻ tên Sa

Trẻ em cũng có quyền nhân thân về hình ảnh

Chúng tôi đã làm cuộc phỏng vấn nhanh qua mạng với một số phụ huynh với câu hỏi: “Anh hay chị có đồng ý cho con mình lên truyền thông, nhất là mạng xã hội để có thể được nổi tiếng không?” và nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau về cách diễn đạt nhưng có một điểm chung: KHÔNG NÊN.

- Nếu tôi có con nhỏ tôi cũng không muốn cho con tôi xuất hiện trên YouTube hay Facebook vì tôi thấy không an toàn!

- Còn quá nhỏ mà bị người ta biết đến nhiều quá cũng sẽ rất nguy hiểm trong việc phát triển nhân cách sau này! 

- Trẻ con nổi tiếng quá sớm thì dễ gặp nhiều chuyện rắc rối và sau này các em không đủ năng lực để đối phó thì sự việc sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm! 

Công bằng mà nói, chúng ta đã có Luật Hình sự, Luật Trẻ em. Những điều khoản trong các bộ luật này đều có quy định quyền nhân thân về hình ảnh của trẻ em. Ví dụ: Theo Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Thế nhưng, nếu cha mẹ các em tự ý công bố thì hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt.

Và ở nhiều nước phương Đông, cha mẹ xuất phát từ tình yêu thương con cái nên cho mình có quyền về mọi phương diện với con cái của mình trong đó có chuyện đưa hình ảnh lên mạng (với mục đích thể hiện niềm tự hào). Nhưng thực ra, đó là cách suy nghĩ sai, cách hành xử thiếu tôn trọng quyền tự do của con em mình. Cha mẹ không thể áp đặt ý chí của mình cho con cái trong việc bắt con cái mình phải xuất hiện trên mạng xã hội và tệ hơn, thông qua hình ảnh con mình, để tạo sự nổi tiếng cho chính mình.


Hình ảnh trẻ con được cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng nếu bị phát tán quá nhiều trên truyền thông thì sẽ gây hậu quả không tốt cho chính người trong cuộc khi lớn lên. Trong ảnh: Bé Sa, nhân vật trong kênh YouTube “Quynh Tran JP” hiện rất nổi tiếng trên mạng

Đời sống truyền thông trên mạng rất khó lường những bất trắc: Chỉ cần một số cư dân mạng nào đó khai thác hình ảnh và che ảnh ác ý, ghép hình, khai thác những thông tin cá nhân cho mục đích xấu hoặc một số cư dân mạng bình luận ác ý thì nó cũng gây ra ảnh hưởng rất xấu đối với trẻ con. Trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ lỡ nổi tiếng quá sớm, thường bạn ấy sẽ chịu tác động rất nhiều bởi những bình luận của người đời rằng lớn lên thì không bằng thời thơ trẻ. 

Nhiều diễn viên “nhí”, ca sĩ “nhí” thành công trên thế giới hoặc ở Việt Nam đều không thành công khi lớn lên, thậm chí gặp những trắc trở về tâm lý. Thông thường các bạn còn nhỏ mà đã nổi tiếng thì chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống, chưa đủ bản lĩnh và chưa có bộ lọc cá nhân để xử lý những tình huống phát sinh.

Nổi tiếng quá sớm, các em có thể tự huyễn hoặc mình, tự cho mình là nhất. Và tâm lý ấy sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của các em sau này. Và vì thế, các bậc cha mẹ phải cực kỳ thận trọng khi cho trẻ con xuất hiện trên mạng xã hội. Bởi bên cạnh mặt tốt, mạng xã hội còn có những mặt trái, phải thực sự bản lĩnh và tìm cơ chế phù hợp để con em mình có khả năng thích nghi khi trở nên nổi tiếng.
Phú Trang