Câu chuyện truyền thông

Truyền thông lệch nhìn từ câu chuyện “cà phê pin”

Có một sự kiện truyền thông thu hút dư luận quan tâm trong tháng trước có tên gọi là “cà phê pin”. Dù câu chuyện ấy hiện đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, nhưng cũng mở ra nhiều bài học về truyền thông lệch…


Những hình ảnh đầu tiên về sự kiện “cà phê pin”

Thiếu thẩm định nguồn tin

Ngày 17/4/2018, một tờ báo có số phát hành cao đăng bài viết Sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn pin Con Ó (Sau này, báo đổi tựa lại là Trộn... bột than trong pin Con Ó vào vỏ, phế phẩm cà phê). Bài viết có đoạn mở đầu: “Để kiếm lời, bà Nguyễn Thị Loan mua pin Con Ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột”. 

Đi kèm với bài viết là ảnh chụp tại hiện trường: Nào là máy trộn bê tông, nào là vỏ pin, đá vụn, bao tải… được cho là công cụ, nguyên liệu sản xuất cà phê giả. Cùng thời điểm đó, còn nhiều tờ báo khác và những trang mạng liên tục đưa thông tin về cái gọi là “cà phê pin” dẫn đến một cơn sốt truyền thông gây hoang mang cực độ cho người tiêu dùng.

Mãi đến những ngày cuối tháng 4, vụ việc tốn giấy mực của hàng trăm bài báo phản ánh, phân tích, bình luận cùng hàng trăm ngàn trạng thái và tranh ảnh chế giễu trên mạng mới tạm lắng xuống trong ê chề của những cây bút quá hồ hởi với sự kiện nhưng thiếu tỉnh táo trong thẩm định thông tin.

Đến chiều ngày 23/4, cơ quan chức năng đã xác nhận là bột than pin không hề trộn vào cà phê và việc trộn bột than pin và phế phẩm cà phê để làm gì thì vẫn đang tiếp tục làm rõ. 

Để đi đến kết luận này, trước đó, nhiều ý kiến trên truyền thông cũng đã lập luận để phản bác vụ việc báo chí nêu. Từ các ảnh chụp hiện trường, lời khai và thông tin của cơ quan điều tra thời điểm đầu tiên, hoàn toàn chưa thể kết luận được đây là sản phẩm làm giả cà phê, đã được đem đi tiêu thụ trên thị trường như cách mà báo chí đã quá sốt sắng. 

Hình ảnh từ các bài báo cho thấy hỗn hợp đó là các viên đá vụn chừng nửa phân đến một phân trộn với vỏ trái cà phê thành rất lổn nhổn, sau đó nhuộm đen bằng bột trong viên pin.

Những hình ảnh đăng tải cùng với thông tin ban đầu trên báo chí làm dư luận hoang mang (ảnh chụp màn hình trên báo online)

Hậu quả khó đong đếm

Những chuyên gia cho rằng, hỗn hợp này thì không thể giả cà phê được và càng không thể uống được, thậm chí, nó không thể hòa tan được. 

Chỉ cần suy luận đơn giản: hiện trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất tạo màu, vì sao cơ sở này không mua hóa chất mà lại chọn lõi đen của viên pin – một loại phế phẩm không dễ kiếm cho đủ sản lượng và nguy hiểm cho chính người sản xuất? Cũng đã có nhiều giả thuyết đặt ra để lý giải hiện tượng kỳ lạ này: Nào là giả định làm phân vi sinh (nhưng sao phải khổ công đi mua pin để làm thì không rõ), nào là giả tiêu hạt để qua mắt cán bộ kiểm định của ngân hàng nhằm xin vay vốn v.v… 

Chúng ta đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra vì vụ việc này đã khởi tố và bắt tạm giam một số đối tượng liên quan.

Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây, là, các thông tin ban đầu trên báo chí về vụ này hoàn toàn không chính xác, gây ra hiểu lầm về bản chất vụ việc. 

An toàn vệ sinh thực phẩm vốn là vấn đề rất nhạy cảm. Cường độ thông tin vụ việc "cà phê pin" không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn gây tác động xấu, rất xấu đến những người trồng cà phê, người sản xuất cà phê truyền thống. 

Khi báo chí bị “hố hàng” trong thông tin về vụ việc này, có giả thuyết – theo kiểu thuyết âm mưu – còn cho rằng, đây là hình thức truyền thông bẩn, giống vụ nước mắm nhiễm asen năm 2016. Tất nhiên, đó chỉ là giả thuyết.

Vụ việc ồn ào gọi là “cà phê pin” vừa qua cũng cho thấy: truyền thông có thể dẫn dắt dư luận, nhưng tác hại khó đo đếm được khi nhân danh quyền lợi số đông để dẫn dắt… sai (vì lý do thông tin thất thiệt). 

Vụ việc được khởi đầu bằng câu chuyện “bắt quả tang” được công bố vội vã và rộng rãi. Sau đó, có sự tham gia của giới chuyên gia và nhiều KOLs (viết tắt của cụm từ Key opinion leaders là những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng) đã đẩy sự kiện đi quá xa.


Những hình ảnh đăng tải cùng với thông tin ban đầu trên báo chí làm dư luận hoang mang (Ảnh chụp màn hình báo online)

Truyền thông bằng niềm tin nội tâm

Báo chí đã có khá nhiều bài học về thẩm định nguồn tin. Báo chí cũng từng có những sai sót do niềm tin nội tâm vào nhân vật. 

Tất nhiên, câu chuyện đáng buồn, đáng trách này xuất phát ban đầu từ lỗi của những người trong cuộc. Nhưng họ là những cá nhân. Chuyện lừa bịp này có thể xuất phát từ sức ép, lòng tham, nhận thức, trải nghiệm còn kém. Còn với nhà báo, thao tác thẩm định trong thu thập và xử lý thông tin là yêu cầu hết sức quan trọng. 

Những vụ việc báo chí để nguồn tin dẫn dắt rồi sau đó dẫn dắt lại dư luận không đúng bản chất sự thật, thì không thể cho rằng đó là tai nạn nghề nghiệp. Phải nói thẳng rằng, đó là một biểu hiện non kém nghiệp vụ.

Để xảy ra những sự cố đáng tiếc như thế, lỗi lớn hơn thuộc về giới truyền thông, bởi họ đại diện cho số đông, họ làm việc có mục đích, có ê-kíp, có đào tạo, có quy trình.

Trong thu thập và xử lý thông tin, nhà báo nào cũng biết rằng cần phải thẩm định, kiểm tra. Nhưng công bằng mà nói, nền báo chí của chúng ta lâu nay thiên về xu hướng phản ánh, biểu dương; ít có phẩm chất của báo chí điều tra, báo chí phản biện. Cho nên, kỹ năng xác minh, thẩm định trong tác nghiệp cũng ít được chú trọng như một nguyên tắc.

Với các đề tài “nhân văn”, sự sơ sót do thiếu thẩm định thường được biện minh bằng “niềm tin nội tâm”, bằng mục đích tốt. Có một hiện tượng nữa ít được nói đến: Nhà báo cố tình để nguồn tin (là những người có quyền lực, thế lực, tài lực) dắt mũi khi chỉ sử dụng phương pháp “nghe - kể” trong tác nghiệp. Mục đích, động cơ của họ đều đã phơi lên câu chữ.

Vì thế, các biên tập viên, những người gác cổng cần tỉnh táo hơn vì một môi trường truyền thông trong sạch. Còn công chúng truyền thông hôm nay cần tỉnh táo và bình tĩnh khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin…

(ảnh internet)

Phan Văn Tú