Truyền thông thời trí tuệ nhân tạo

Trong vài năm gần đây, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã đi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội: từ vận hành máy móc đến chẩn đoán bệnh tật; từ điều khiển ngôi nhà thông minh đến nhận dạng gương mặt, giọng nói, chữ viết; từ trả lời khách hàng đến đặt lịch, lên kế hoạch và thậm chí… viết báo!

Trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI, từ thuật ngữ tiếng Anh artificial intelligence) là “trí tuệ” do con người tạo ra cho máy móc để nó có thể thực hiện các hành vi như con người, biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết), biết học và tự thích nghi… 

Xu thế 4.0

Cách nay hơn 20 năm, tháng 5/1997, cả thế giới sửng sốt khi xem truyền hình trực tiếp sự kiện siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh thắng đại kiện tướng cờ vua người Nga, Garry Kimovich Kasparov.

Tuy nhiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trò chơi như thế so với sự phát triển của AI hiện nay “chưa là cái đinh” gì. Trong chính chiếc điện thoại thông minh mỏng dính mà chúng ta đang sử dụng hiện nay, phần mềm nhận dạng giọng nói của Google hay ứng dụng người máy trợ lý Siri được tích hợp để sử dụng miễn phí đã có bước tiến quá xa.

Xin bắt đầu từ câu chuyện của mạng xã hội khổng lồ Facebook: Khi chúng ta sử dụng mạng xã hội này, bất cứ hành vi nào của chúng ta từ việc chia sẻ, thể hiện cảm xúc thái độ bằng các biểu tượng, đến việc xuất bản hình ảnh, văn bản, video, tham gia trò chơi đều lưu lại các dấu vết số. Hàng tỷ người dùng với các hành vi ấy trở thành cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) mà hệ thống trí tuệ nhân tạo của các nhà cung cấp dịch vụ có thể phân tích và bán dữ liệu cho nhiều đối tượng. Không phải ngẫu nhiên mà trên tường nhà bạn luôn hiện các quảng cáo, các thông tin báo chí hay nội dung của bạn bè phù hợp với mối quan tâm của chính mình.

Đằng sau các chiến dịch tranh cử tổng thống ở các nước phương Tây hay các chiến dịch vận động chính trị nào đó (như ủng hộ Brexit, cấm cá nhân sở hữu súng chẳng hạn) đều có công ty chuyên sử dụng Big Data để tung thông điệp đúng đối tượng, sát với từng cá nhân theo những mục đích nhất định. Các robot trên mạng “hiểu” chúng ta hơn chúng ta nghĩ và đó là các công cụ đắc lực trong truyền thông, được vận dụng từ việc bán hàng, dịch vụ đến các nhu cầu văn hóa, chính trị.

Đằng sau doanh số thương mại điện tử liên tục tăng lên những năm gần đây là những tiến bộ vượt bậc về công nghệ trong đó có trí tuệ nhân tạo. Hoạt động mua và bán hàng hóa của con người giờ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn với chỉ một cú click chuột. AI thay con người trong tương tác trực tuyến trên không gian rộng lớn với quy mô dữ liệu khổng lồ.

Và không phải ngẫu nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện được nhắc đến rất nhiều ở các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Bởi đây là một xu thế không đảo ngược. 

Nếu cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, cách mạng lần 2 nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt, cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì cách mạng công nghiệp 4.0 đang “làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học" (Klaus Schwab). Và yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là trí tuệ nhân tạo (AI); vạn vật kết nối (Internet Of  Things); và dữ liệu lớn (Big Data).

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo dường như làm cho robot ngày càng “người” hơn

Chúng ta đang ở đâu?

Ứng dụng robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tự động hóa, khai thác mô hình "nhà máy thông minh" ở Việt Nam cũng đang có xu hướng phát triển mạnh. Dây chuyền lắp ráp xe Mazda của Công ty ô tô Trường Hải (THACO) 70% sử dụng robot kết hợp một số công đoạn bán tự động. Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đã tạo được robot bán hàng  như robot Morta ở một quán cà phê trên phố Lạc Trung (Hà Nội). Hoặc sự ra mắt sản phẩm Bphone 2017 của BKAV (Việt Nam) được xem là smarphone đầu tiên trên thế giới có AI camera. 

Chính phủ Việt Nam cũng đã chấp thuận dự án đầu tư 300 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chíp ứng dụng cho robot và các sản phẩm khác với công suất 400 triệu chíp/năm. Chúng ta có các sân chơi như Robocon, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 cũng thu hút sức sáng tạo của nhiều bạn trẻ.

Việt Nam bước đầu cũng khai thác các thành tựu trí tuệ nhân tạo trong một số ứng dụng quản lý hành chính, giáo dục, giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng, ngân hàng… 

Tuy nhiên, so với mong muốn và tiềm lực, chúng ta vẫn còn quá chậm. Theo các nhà nghiên cứu, trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Trong lĩnh vực vật lý đó là các dây chuyền với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới, công nghệ nano... Đây là những lĩnh vực mà trí tuệ phẩm chất thông minh của con người Việt Nam có thể phát huy mạnh mẽ. Vấn đề đặt ra hiện nay là những “cú hích” từ cơ chế chính sách, vốn đầu tư, cơ sở vật chất và các ưu đãi khác để huy động tiềm lực vào nghiên cứu và ứng dụng.

Robot thông minh vận hành trong dây chuyền lắp ráp xe hơi ở Công ty Ô tô Trường Hải

Hạn chế mặt trái

Với xu thế khai thác trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ lao động chân mà lao động trí óc cũng có nguy cơ bị thay thế. Viễn cảnh nhiều ngành nghề hiện nay sẽ thất nghiệp trong một tương lai gần là điều không tránh khỏi. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo về mặt trái của cách mạng 4.0: phân hóa giàu nghèo giữa các nước, tội phạm công nghệ gia tăng, chiến tranh công nghệ cao xảy ra… Hệ lụy của nó là gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt, có thể phá vỡ thị trường lao động. 

Tuy nhiên, mỗi một khi con người đã dự báo được thì sẽ có những giải pháp hạn chế mặt trái. Trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế con người mà chỉ hỗ trợ họ làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. 

Lấy một ví dụ: Cuối năm 2016, Tập đoàn phần mềm nổi tiếng Adobe công bố một dự án mới của họ có tên là Adobe VoCo. Adobe VoCo là một ứng dụng chỉnh sửa được giọng nói con người. Hiểu nôm na, tính năng của phần mềm này là dựa vào mẫu giọng nói của một người cụ thể, máy có thể đọc các văn bản mình gán vào bằng chính giọng của người ấy để tạo ra các file âm thanh. Khi nói tới Adobe, hầu như ai cũng biết đến phần mềm xử lý ảnh, chỉnh sửa ảnh Photoshop nổi tiếng (bên cạnh các phần mềm design, dựng phim v.v…). Dự án Adobe VoCo này được các chuyên gia gọi là “Photoshop lời nói”. Khi nó mới được công bố, rất nhiều người bày tỏ lo ngại về chuyện ứng dụng này sẽ tác động tới an ninh (các mật mã sử dụng giọng nói), tới tin tức giả (tạo ra chứng cớ âm thanh giả) nên đã phản đối gay gắt. Và đến nay, dự án này phải tạm thời dừng lại.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo gần đây cũng dấy lên làn sóng lo xa như những chuyện trong các bộ phim viễn tưởng: loài người có bị tận diệt không? Lo… ít xa hơn thì đặt vấn đề bất ổn chính trị xuất phát từ những vấn đề kinh tế xã hội.

Dù có lo nhưng ai cũng cho rằng xu thế công nghiệp 4.0 là tất yếu và con đường phía trước vẫn còn quá dài để cho chúng ta đối phó. Có trí tuệ nhân tạo, thế giới sẽ tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn, con người được giải phóng để theo đuổi những công việc sáng tạo, nhân văn và thú vị hơn. 


Phan Văn Tú