Từ công nghệ phim trường ảo

Hằng ngày, xem truyền hình, có bao giờ bạn thắc mắc vì sao những kênh phát tin tức thay đổi bục bệ, ghế ngồi nhiều và nhanh đến vậy; vì sao có thể thiết kế những hình ảnh mới nhất với kích cỡ to trên phông nền nhanh thế?

Xin thưa, những chiếc bàn, chiếc bục, phông sân khấu ấy chỉ là... hình vẽ trong máy tính, người dẫn chương trình vẫn chỉ ngồi trên chiếc bàn cũ đơn sơ trong phòng thu chỉ có màu xanh lá. Hình ảnh cuối cùng chúng ta thấy trên màn ảnh là kết quả của một công nghệ hiện đại được ứng dụng những năm gần đây: phòng thu ảo (virtual studio) hay còn gọi là phim trường ảo


Với công nghệ phim trường ảo, các phòng thu thường sử dụng phông màu xanh lá để “cẩn” hình ảnh nền qua máy tính

Công nghệ mô phỏng và tái hiện

Phim trường ảo là công nghệ kết hợp phần cứng và phần mềm máy tính hỗ trợ cho việc tái tạo lại hình ảnh giữa cảnh thật và cảnh ảo được thiết kế trước đó. Tín hiệu “ảo” là hình ảnh các không gian theo ý đồ nội dung được tạo ra để “cẩn” (chroma key) vào tín hiệu thật là người dẫn chương trình hay phóng viên truyền hình (được quay tại studio trên nền phông màu xanh). 

Tín hiệu “ảo” trong công nghệ phim trường ảo có khi được bố trí quay thật, chẳng hạn quay cảnh ở bảo tàng Louvre, cảnh Nhà Trắng, quay cảnh đỉnh núi Phanxipang chẳng hạn và sau đó lập trình cho các máy tính “hiểu”. Phần mềm phim trường ảo sau đó cho phép cẩn phông “ảo” này vào tín hiệu “thật” như hình ảnh MC đi lại và nói trước máy. Nhưng nó không “cẩn”, không mix tín hiệu theo cách hiểu thông thường mà có khả năng cảm biến “thông minh” khi các góc máy quay thay đổi (zoom in/out) để phù hợp với luật viễn cận. 

Nhiều chương trình thiếu nhi trên truyền hình, hình ảnh lâu đài nguy nga trong cổ tích được “trộn” với tín hiệu thật là những người dẫn chương trình. Các chương trình dự báo thời tiết trên truyền hình hầu hết các đài cũng đã ứng dụng công nghệ này: bản đồ động, hình ảnh mây gió được vẽ sẵn trong máy tính. Với những đoạn phông xử lý tốt, MC có thể giả lập từ trên máy bay bước xuống chẳng hạn, nói trước máy y như thật dù trong thực tế, họ chỉ bước xuống những bục gỗ trong trường quay. 

Nhờ công nghệ phim trường ảo, các đài không tốn thời gian chi phí dựng cảnh thật, diện tích phim trường không cần phải lớn, tạo cho người xem một cảm giác mới lạ, sống động. Người làm chương trình có thể đổi cách thể hiện nhanh chóng mà không cần phụ thuộc vào những yếu tố khách quan bên ngoài như thời gian, môi trường (mưa nắng thất thường, vị trí địa lý…).

Trong hành trình số hóa truyền hình ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các đài đều trang bị phim trường ảo, tuy nhiên, việc vận dụng tính năng của công nghệ này ở Việt Nam còn chưa phong phú do yêu cầu nhân lực được đào tạo - nhất là đào tạo công nghệ 3D chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ở các kênh truyền hình chuyên biệt tại nước ngoài, diễn viên truyền hình thật có thể diễn chung với các nhân vật hoạt hình. Lâu đài, thiên đàng, địa ngục… từ các nội dung cổ tích có thể tạo ra dễ dàng với chi phí cực thấp. MC truyền hình có thể trò chuyện với nàng tiên, ông bụt… Các nội dung thời sự chính trị nếu tận dụng thế mạnh của phim trường ảo thì hiệu quả thông tin cao rất nhiều lần cách đưa tin, bình luận truyền thống. 


Tín hiệu ảo từ máy tính sẽ được các kỹ thuật viên “trộn” vào tín hiệu thật quay trong studio từ phòng tổng khống chế (control room)

Thực tế ảo cũng thay đổi cách quảng cáo

Lâu nay, chúng ta hiểu quảng cáo trực tuyến là những banner trên các website, hay những video clip trên mạng xã hội, nhưng, không còn bao lâu nữa công nghệ sẽ cho phép và góp phần làm cho quảng cáo trực tuyến lên ngôi, đặc biệt, khi các ứng dụng quảng cáo cho thiết bị di động cầm tay ngày càng rẻ và tiện dụng.

Người sử dụng sản phẩm, dịch vụ sẽ dần có thói quen online để tìm hiểu “săm soi” sản phẩm trước khi mua một cách rất riêng tư và thậm chí được tư vấn dễ dàng về chính sản phẩm đó trên mạng. Quảng cáo trực tuyến tạo cho các nhà quảng cáo cơ hội rất tốt để gây ấn tượng với khách hàng trước khi họ quyết định. Quảng cáo trực tuyến còn đem lại cho nhà quảng cáo khả năng theo dõi phản ứng của người tiêu dùng trên mạng, nhờ đó đề ra được những cách tiếp thị thích hợp. Thế mạnh của quảng cáo trực tuyến là khả năng tương tác với sản phẩm: nghe được âm thanh sống động, xem tại bất kỳ nơi đâu, được tư vấn nhanh chóng để quyết định mua hoặc không mua được hỗ trợ nhờ công nghệ tạo hiện trường ảo.

Nếu với truyền hình và phát thanh truyền thống, bạn phải tiếp cận quảng cáo cùng với số đông trong thời gian “nhà đài” phát sóng, thì với quảng cáo trực tuyến, sự lựa chọn của bạn diễn ra theo ý bạn vào bất cứ lúc nào bạn muốn. Bạn có nhu cầu có thể thử lên thử xuống những đôi giày trên mạng cả giờ đồng hồ mà không bị ai quấy rầy hay nhòm ngó bực mình. Bạn có thể “thử” một thiết bị muốn mua trên mạng thoải mái chứ không chỉ “bị” nghe/xem/đọc quảng cáo thụ động.

Có người còn dự báo, trong tương lai, quảng cáo trực tuyến còn cung cấp cả… mùi vị của sản phẩm chứ không chỉ có âm thanh, hình ảnh 3 chiều và mô phỏng. Tất nhiên, đó vẫn là dự báo nhưng thực tế những năm gần đây cho thấy nhiều ứng dụng mới lạ và hiệu quả trong công truyền thông diễn ra với tốc độ chóng mặt. Sự phát triển công nghệ đang đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc hơn để khai thác, ứng dụng cho tốt khi cùng hội nhập với sân chơi toàn cầu.

Phan Văn Tú