“Ứng xử trên môi trường mạng xã hội phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật và đạo đức”
Chúng ta cần biết chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm
Truyền thông xã hội và mạng xã hội
Truyền thông xã hội (social communication, social media) là cách thức truyền thông trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến mà chủ yếu là các mạng xã hội (social network), trong đó, chủ thể cũng là khách thể truyền thông, là các thành viên từ những nhóm xã hội thường có những điểm tương đồng nhất định về giới tính, độ tuổi, sở thích, thói quen, công việc, vùng miền… cùng sáng tạo, chia sẻ, đối thoại, thảo luận, trao đổi các nội dung đa phương tiện.
Truyền thông xã hội là phương tiện truyền thông mới mang tính tương tác cao, đa cấp độ và nhiều hình thức. Phổ biến là các hình thức: mạng xã hội như Facebook, Twitter; các dịch vụ chia sẻ video, hình ảnh trực tuyến như Youtube, Flickr; các dịch vụ blog cá nhân như Wordpress, Blogspot; các diễn đàn; các dạng từ điển trực tuyến như wikipedia, wikimapia v.v…
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin giúp cộng đồng người sử dụng các dịch vụ trao đổi thông tin với nhau, lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ thông tin. Trong các dịch vụ này có dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân (blog), diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh (audio), hình ảnh tĩnh (image), hình ảnh động (video) và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Tại khoản 12 Điều 3 Nghị định số 97 Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet, blog hay trang thông tin điện tử cá nhân được định nghĩa như sau:
Trang thông tin điện tử cá nhân được dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu trữ hoặc trao đổi, chia sẻ với một nhóm người hoặc với cộng đồng rộng rãi sử dụng dịch vụ Internet. Trang thông tin điện tử cá nhân được chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân đăng ký khởi tạo trên Internet.
Facebook là mạng xã hội có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam hiện nay. Và đây là môi trường có thể… gây nghiện nếu người dùng thiếu tỉnh táo
Mặt trái của mạng xã hội
Thế mạnh của truyền thông xã hội nằm ở sức lan tỏa cực nhanh của thông tin do đặc tính kết nối thành một mạng lưới giữa những người cùng dùng chung dịch vụ. Nhưng vì thế, nó cũng tiềm ẩn hạn chế nếu thông tin sai lệch, thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, thậm chí, đôi khi gây ra thảm họa...
Để khai thác thế mạnh và hạn chế những tác động tiêu cực của truyền thông xã hội, cần phải có những hiểu biết các đặc điểm có tính quy luật của mô thức truyền thông mới này.
Một số vấn đề phái sinh từ đặc điểm của truyền thông xã hội, liên quan đến ứng xử trên môi trường này:
+ Tâm lý đám đông: Hiện tượng này xuất phát từ việc con người cần có nhu cầu hòa nhập với cộng đồng, nhu cầu được là một phần của tập thể, nhu cầu giống mọi người và muốn mọi người giống mình. Trong một nhóm người, số đông sẽ tạo áp lực buộc số ít phải hành động theo số đông, hoặc là số ít sẽ bị khai trừ.
+ Phát ngôn gây thù hận (hate speech): Phát ngôn gây thù hận là phát ngôn chế nhạo, phỉ báng, quấy rối, khuyến khích nhiều người có thái độ căm ghét, hay xúi giục tấn công người khác ngoài đời thực về giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay khuyết tật. Lằn ranh giữa tự do ngôn luận và hate speech rất mập mờ. Ở nhiều nước, nạn nhân của hate speech thường tìm kiếm sự công bằng dựa trên luật dân sự hoặc hình sự.
+ Sự thật chủ quan (post-truth): Sự thật chủ quan (post-truth) là khái niệm chỉ hiện tượng cảm xúc và niềm tin cá nhân có ảnh hưởng tới việc định hình dư luận hơn là những thực tế khách quan. Sự thật chủ quan là “sự thật” do chủ thế muốn tin vào những gì họ muốn thấy. Với sự hậu thuẫn của mạng xã hội, các cảm xúc cá nhân bị đánh thức một cách dễ dàng và lây truyền.
+ Người có ảnh hưởng (influencer): Người có ảnh hưởng là khái niệm chỉ những cá nhân có sức chi phối dư luận trên môi trường mạng xã hội. Có 2 nhóm influencers là top influencers (KOLs, celebrities) và micro influencers (những người có lượt follow cao trên facebook, ví dụ như 2000, 3000 là có thể xem là influencers).
Ngày nay, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong đời sống truyền thông
Chúng ta sử dụng truyền thông xã hội để làm gì?
Mạng xã hội có vai trò trong việc tập hợp sức mạnh của cộng đồng. Đó là một trong những thế mạnh mà nhiều người sử dụng mạng xã hội khai thác vào những mục đích tốt đẹp.
Chức năng chia sẻ thông tin của truyền thông xã hội nhiều năm qua đã được khai thác thành một công cụ phục vụ cộng đồng. Có một tỷ lệ không nhỏ blog, trang mạng xã hội là kho tri thức mở.
Với truyền thông xã hội, một cơ cấu xã hội mới được hình thành, đó là cộng đồng blogger, cộng đồng mạng xã hội. Các cộng đồng này có thể tổ chức những cuộc vận động lớn như làm từ thiện hay các phong trào yêu nước. Ví dụ: phong trào “Hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc”, Cuộc thi “Cùng hát Tiến quân ca”, phong trào “Ăn chay vì môi trường”, “Nói không với xả rác”…
Tất nhiên, chúng ta có thể dùng truyền thông xã hội như một phương tiện xây dựng hình ảnh cá nhân, chia sẻ, giãi bày những vui buồn trong cuộc sống.
Cũng có người dùng truyền thông xã hội như một phương tiện chính trị, một phương tiện báo chí, phương tiện kinh doanh, phương tiện thu thập thông tin để nghiên cứu, phương tiện sáng tạo văn học – nghệ thuật v.v… Chúng ta cũng có thể dùng truyền thông xã hội để PR, giới thiệu tri thức hay thông tin báo chí chính thống cho cộng đồng, bạn bè.
Thông tin xuất bản trên môi trường truyền thông xã hội phải đảm bảo chân thật, khách quan, có trách nhiệm; Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội. Thông tin xuất bản trên truyền thông xã hội phải nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người, không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Tham gia truyền thông xã hội phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Bên cạnh những mặt tích cực, truyền thông xã hội cũng bị lợi dụng vào các mục đích xấu. Thông tin nhiễu, thông tin giả, thông tin thất thiệt, thông tin có mục đích xuyên tạc, lừa đảo, thông tin bôi nhọ cá nhân, thông tin gây tác hại thuần phong mỹ tục, thông tin ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vi phạm vùng cấm… lẫn lộn trong biển thông tin đồ sộ mà người sử dụng phải tỉnh táo để nhận ra. Hành vi thích, chia sẻ của chúng ta – nếu không suy nghĩ chín chắn – có thể vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, thông tin có hại.
Trước tình trạng đời sống truyền thông bị tác động bởi tin tức giả tràn lan trên mạng xã hội, nhiều lớp học nâng cao năng lực truyền thông đã được tổ chức. (Ảnh: Buổi thảo luận về cách phân biệt tin tức giả - thật trong khuôn khổ lớp học “Thông hiểu thông tin” do Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho sinh viên)
Truyền thông xã hội đã góp phần tạo ra một thế hệ công chúng báo chí tích cực và chủ động hơn, có trách nhiệm và kiên quyết hơn, dân chủ và tư duy phản biện rõ rệt hơn. Cộng đồng mạng không chỉ “tham gia” cùng báo chí với những lời bình luận, bày tỏ thái độ mà còn có thể đóng góp những bức ảnh có giá trị thông tin, những video clip gây hiệu ứng xã hội cao, những ý kiến tư vấn sâu sắc… Tuy nhiên, thế mạnh này chỉ có thể phát huy nếu tất cả các thành viên trên cộng đồng thể hiện văn hóa trong tranh luận, không bị lôi kéo theo tâm lý đám đông bởi những thế lực xấu và nắm vững các nguyên tắc tranh luận:
- Tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý khách quan
- Tôn trọng những ý kiến khác biệt
- Tuân thủ các nguyên tắc tranh luận
- Tránh lỗi ngụy biện
Bên cạnh đó, Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm các hành vi sử dụng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng để:
- Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
- Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
- Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
- Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
- Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Vì thế, ứng xử trên môi trường mạng xã hội phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật và đạo đức.
Phan Văn Tú