Bảo vệ đại dương trước biến đổi khí hậu

HÀ THẢO - MAI LAN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 26/3/2024, 18:00

(HTV) - Các đại dương toàn cầu đã và đang thay đổi đáng kể trong 20 năm nay và biến đổi khí hậu được cho nhiều khả năng là "thủ phạm". Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường.

Nhiệt độ đại dương thế giới trong tháng 02/2024 cao kỷ lục. Nguồn ảnh: Coldimages

Dữ liệu mới từ Liên minh Châu Âu cho thấy tháng 02/2024 là tháng nóng nhất trong lịch sử, nhiệt độ đại dương cũng tăng lên mức cao kỷ lục.

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 13,54 độ C, tăng 1,77 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong tháng 02/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 13,54 độ C, tăng 1,77 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp

Nhiệt độ bề mặt trung bình của các đại dương tăng lên 21,6 độ C. Đây là nhiệt độ cao nhất thu thập được từ năm 1979, vượt qua kỷ lục trước đó là 20,9 độ C hồi tháng 8/2023.

Nhiệt độ bề mặt trung bình của các đại dương trong tháng 02/2024 là 21,6 độ C, vượt qua kỷ lục cũ 20,9 độ C vào tháng 8/2023

Ông Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus, giải thích rằng: "Nhiệt độ tăng tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, đến nghề cá, đến tất cả những gì liên quan đến sự sống ở đại dương. Nó cũng tác động đến khí hậu và bầu khí quyển. Nhiệt độ đại dương ấm hơn khiến một số hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan hơn".

Nhiệt độ đáng lo ngại này xảy ra trong lúc thế giới đón nhận những thông tin không mấy lạc quan về môi trường.

Đầu tháng 3, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, tình trạng tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu lần thứ tư có thể xảy ra ở Nam Bán cầu, và đây có thể là đợt tẩy trắng san hô tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tình trạng san hô bị tẩy trắng gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nguồn ảnh: Ocean Agency

Từ nhiều năm qua, các quốc gia đã chạy đua với thời gian để tìm những biện pháp nhằm bảo vệ đại dương và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vào tháng 6/2023, Hội nghị Liên chính phủ của Liên hiệp quốc đã chính thức thông qua Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả.

Hiệp định về Biển cả là một phần quan trọng trong nỗ lực mang tính toàn cầu, để bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương trên Trái Đất vào năm 2030. Con số này tương đương với khoảng 11 triệu km vuông biển cả. Theo LHQ, hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ.

Việc thông qua hiệp định cũng được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh công tác bảo tồn đại dương, tránh những tổn thất về đa dạng sinh học cũng như đảm bảo phát triển bền vững.

Bà Nichola Clark - thành viên Quỹ Bảo vệ Môi trường biển, cho biết thỏa thuận này mang ý nghĩa rất lớn. "Biển cả chiếm 2/3 đại dương và chúng bao phủ gần một nửa bề mặt hành tinh của chúng ta. Nếu chúng ta có mục tiêu bảo vệ 30% đại dương, biển cả cần phải là một phần của giải pháp đó", bà nhấn mạnh.

Lợi ích kinh tế là vấn đề lớn xuyên suốt các cuộc đàm phán, và các nước đang phát triển kêu gọi chia sẻ thêm các lợi ích của "nền kinh tế xanh", trong đó có việc chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.


Các tổ chức chính phủ và tư nhân trên thế giới đang thực hiện nhiều biện pháp để cải tạo các rạn san hô. Nguồn ảnh: Chính phủ Australia

Nhiệt độ đại dương tăng khiến hệ sinh thái biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, ví dụ như hiện tượng tẩy trắng san hô trên diện rộng. Tại nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp bảo tồn san hô.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đang nỗ lực ban hành các kế hoạch, và thực hiện nhiều biện pháp phục hồi, điển hình là thông qua ươm và trồng san hô dọc theo bờ biển.

Vườn ươm san hô ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất

Thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe là một phương pháp không còn xa lạ đối với nhiều người. Giờ đây, một nhóm các nhà khoa học tại Sydney, Australia, đang xây dựng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, nhưng không phải để phục vụ cho con người, mà là cho... san hô.

Cứu rạn san hô Great Barrier bằng "chế độ dinh dưỡng" mới

 

  Con người chỉ mới phát hiện được 10 - 25% các loài sinh vật biển. Nguồn ảnh: Ocean Census

Bên cạnh công tác bảo tồn các loài động thực vật biển đang bị đe dọa, thế giới cũng đang tìm kiếm thêm các sinh vật mới. Một liên minh toàn cầu gồm các nhà khoa học và nhà thám hiểm bắt đầu chạy đua với thời gian để tìm ra ít nhất 100.000 loài sinh vật biển mới trong thập kỷ tới. Việc xác định các loài mới cũng cho phép các nhà bảo tồn tìm cách bảo vệ chúng.

Khám phá đại dương: Phát hiện hơn 100 loài sinh vật biển mới

Còn tại Tây Ban Nha, đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loài sinh vật biển mới xung quanh hòn đảo Tenerife, như nhím biển xanh phát quang gặm cỏ, ốc biển săn mồi và giun dẹp.

Các mẫu nghiên cứu đang được xử lý bằng công nghệ hiện đại kết hợp hình ảnh chất lượng cao và trí thông minh nhân tạo A.I. nhằm đẩy nhanh việc xác định các loài mới.

Giáo sư Alex Rogers, giám đốc khoa học chương trình Ocean Census, nhấn mạnh rằng nhân loại đang trong một cuộc chạy đua với thời gian. Một loạt tác động của con người như đánh bắt quá mức, đô thị hóa và ô nhiễm môi trường cùng với biến đổi khí hậu đang đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng.

Dự án Ocean Census đặt mục tiêu tìm ra 100.000 loài sinh vật biển mới trong 10 năm tới. Nguồn ảnh: Ocean Census

Các chuyên gia ước tính con người chỉ mới phát hiện được 10 - 25% các loài sinh vật biển. Dự án Ocean Census hy vọng dữ liệu mà họ thu thập được sẽ khuyến khích các nỗ lực bảo vệ đại dương và hành tinh.

Hy vọng là với những nỗ lực của các quốc gia và tổ chức sẽ góp phần bảo tồn các loài sinh vật biển, đảm bảo sự đa dạng sinh học của hành tinh Trái đất. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: